Cô sinh viên “hụt” và những đêm trắng bên chợ Ga

04/11/2020 - 11:01

PNO - Nghe con gái Lê Thị Thu Điệp (cựu học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) báo tin đậu Đại học Nông Lâm TP.HCM, người mẹ thường ngày “nhớ nhớ quên quên” bỗng sững lại trong phút chốc, nhìn con rồi bật khóc như một đứa trẻ. Thế nhưng, những giọt nước mắt ấy lại không có chỗ cho những mừng vui. Bà khóc vì tủi phận, với lo lắng bộn bề: rồi đây ai sẽ lo học phí cho con, ai sẽ là chỗ dựa cho chính vợ chồng bà.

Những buổi chiều tất tả tìm mẹ

Tuần trước, khi tôi gọi cho Lê Thị Thu Điệp, tiếng của ba Điệp, ông Lê Ngọc Sinh (sinh năm 1961), vang lên trong điện thoại: “Điệp ơi, ba uống hai lần thuốc buổi trưa rồi nhé!”. Đó là câu nói hiền hòa quen thuộc trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi của ông. Vừa nghe tiếng ba, Điệp bỏ ngang cuộc điện thoại, chạy vào nhà kiểm tra việc thuốc men của ông. 

Cũng ngày hôm đó, sau khi lo cơm nước, thuốc thang cho ba, Điệp tranh thủ chạy ra chợ Ga phụ mẹ, là bà Trần Thị Thu (sinh năm 1962) quét dọn các gian hàng. Xong đâu đấy, Điệp về nhà trước, còn bà theo con đường đến Bệnh viện đa khoa Sơn Tịnh cách nhà năm cây số để xin thuốc cho chồng. Đó là con đường quen thuộc của bà mấy chục năm nay, bởi chồng bà, không may trở thành bệnh nhân tâm thần sau một tai nạn lao động cách đây 20 năm. 

Đợi đến giữa chiều vẫn chưa thấy mẹ về, Điệp nóng ruột đến bệnh viện tìm mẹ. Vẫn không thấy. Từ bệnh viện, Điệp lần theo những con đường có thể dẫn về nhà mình nhưng vẫn không thấy mẹ đâu. Mãi đến chiều, khi bắt đầu muốn bật khóc giữa đường vì bất lực, Điệp mới thấy bà Thu từ xa đi lại với dáng hình xiêu vẹo vì những bước chân cứ vướng víu vào nhau.

Gặp con gái, bà hoảng hốt: “Mẹ quên mất đường về nhà”. Hóa ra, sau khi xin thuốc xong, bà không đi theo con đường quen thuộc mà theo hướng ngược lại dẫn qua xã khác. Loay hoay mãi không tìm được đường về thì gặp người quen và được người này chỉ đường quay trở lại bệnh viện.

Những buổi xế chiều tất tả chạy tìm mẹ như thế vẫn thường xuyên xảy ra với Điệp, cô gái nhỏ vừa tốt nghiệp cấp III. Nhắc đến gia đình Điệp, chắc không ai ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi không biết, bởi gia cảnh quá khó khăn. Điệp là đứa con thứ sáu trong gia đình gồm bảy người con. Bốn trong số đó đã mất khi chưa tròn tuổi. Người anh trai lên sáu tuổi của Điệp không may rơi xuống ao chết đuối khi theo ba mẹ đi làm lò gạch.

Mẹ của Điệp, một người đàn bà vốn yếu đuối ngày càng rệu rã sau nhiều lần sinh nở. Thêm nỗi đau chồng chất khi những đứa con rứt ruột sinh ra rời bỏ mình, bà trở bệnh, sức khỏe suy kiệt, dần trở thành người “làm trước quên sau”. Bà cùng chồng thường ra chợ quê, ai kêu gì thì làm, ai cho tiền thì nhận.

Thấy hoàn cảnh thương tâm, bà con tiểu thương chợ Ga thôn Hà Nhai Bắc tạo điều kiện cho vợ chồng bà quét khu chợ, dọn vệ sinh những quầy hàng thịt, cá… rồi mỗi quầy hàng cho 2.000-3.000 đồng/ngày để mưu sinh. Một ngày làm việc của hai vợ chồng kiếm được 30.000- 40.000 đồng và ít thức ăn từ những tấm lòng thơm thảo. Cứ như thế, họ nuôi hai cô con gái là Lê Thị Thu Điệp (19 tuổi) và Lê Thị Thu Nga (18 tuổi) khôn lớn.

Khối u bàng quang khiến Thu Nga - cô gái có thể trạng ốm yếu với cân nặng chưa đến 38kg - bỏ học từ năm lớp Bảy. Hồi phục sau ca mổ, em xuống thành phố Quảng Ngãi làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng. Chỗ làm cách nhà khoảng tám cây số, không có phương tiện đi lại nên Nga đành thuê trọ xa nhà.

Những buổi chiều không đến lớp, Lê Thị Thu Điệp giúp ba mẹ quét dọn ở chợ Ga
Những buổi chiều không đến lớp, Lê Thị Thu Điệp giúp ba mẹ quét dọn ở chợ Ga

Hai lần bỏ học không thành

Chỉ có Điệp vẫn cần mẫn theo đuổi con chữ suốt 12 năm qua. Với tổng điểm ba môn xét tuyển tổ hợp D01 là 20, Điệp thừa điểm đậu vào ngành tài nguyên và du lịch sinh thái của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM.

Em là đối tượng được trao học bổng hỗ trợ tân sinh viên của câu lạc bộ thiện nguyện Về với quê mình Quảng Ngãi. Thế nhưng, trước buổi lễ trao học bổng diễn ra ngày 10/10 tại TP.HCM, Điệp gọi điện thoại cho ban tổ chức câu lạc bộ, nghẹn ngào từ chối suất học bổng dành cho mình và ngỏ ý nhường bạn khác. Em quyết định không vào TP.HCM học đại học nữa. Không yên tâm bỏ ba mẹ đau ốm ở nhà để đi học xa, Điệp quyết định gác lại ước mơ học tập nơi thành phố, đồng thời, nộp hồ sơ xin làm công nhân ở khu công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi). 

Đây là lần thứ hai Điệp có ý định bỏ học. Lần đầu khi Điệp vào lớp Mười. Nhà cách trường học gần bảy cây số nhưng không có phương tiện, thêm gánh nặng học phí khiến Điệp chùn bước và không đến lớp. Biết hoàn cảnh của Điệp, các thầy cô Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng xin học bổng khắp nơi để giữ chân cô học trò nghèo. Trong suốt ba năm qua, đôi chân Điệp cũng đỡ mỏi hơn nhờ những vòng xe đạp quay đều của cô bạn thân cùng lớp. 

Nhà thuộc diện hộ nghèo, thế nhưng sự công nhận đó chưa đủ để nói hết cái nghèo của gia đình Điệp. “Nhà em chưa bao giờ có được vài trăm ngàn”, đó là lý do khiến ngôi nhà của Điệp trống hoác. Trong căn nhà tình thương được hỗ trợ xây dựng bởi tổ chức Đông Tây hội ngộ cách đây mười năm, góc học tập của Điệp là chiếc bàn cũ kỹ, nhỏ xíu đặt áp mặt vào góc tường xám.

Chia sẻ khoảng không gian chưa đầy nửa mét vuông, mặt bàn ấy còn là chỗ để nấu cơm. Nói là góc học tập chứ Điệp hiếm có cơ hội được ngồi ngay ngắn ở bàn để học tập. Buổi sáng đi học, trưa về, Điệp phải lo cơm nước, giặt giũ. Chiều nào không đến trường thì ra chợ Ga phụ ba mẹ quét dọn. Ba mẹ bệnh nên hay nói lảm nhảm, việc học của Điệp chỉ diễn ra khi họ ngủ say.

Những ngày chuẩn bị thi cử, kiểm tra, Điệp nóng ruột, phải ôm sách vở ra đường cái, nơi có đèn đường để học. Điều kiện học tập khó khăn, nhưng Điệp vẫn cố gắng duy trì kết quả học lực khá trong suốt những năm cấp III.

Góc học tập cũ kỹ, nhỏ xíu của Điệp
Góc học tập cũ kỹ, nhỏ xíu của Điệp

Thức khuya dậy sớm, thêm những cơn thức giấc bất chợt lúc một, hai giờ sáng của ba khiến Điệp không thể nào ngủ được. Thường xuyên mất ngủ, mấy năm gần đây, triệu chứng rối loạn tiền đình xuất hiện nhiều hơn ở Điệp. Cô gái nhỏ nhắn với gương mặt thông minh, riêng đôi mắt ngày càng buồn thăm thẳm.

“Ba không có tiền cho con vô Sài Gòn học. Nếu ba mẹ bình thường như người ta thì…”, người cha tâm thần không kìm được cơn xúc động, bật khóc nức nở trong những khoảnh khắc hiếm hoi “tỉnh táo” đối diện với con. Biết con đậu đại học từ nhiều ngày trước, nhưng ông không nói gì, ra vẻ “vô can” cho đến hôm nghe con nói sẽ không đi học nữa. Và trong bữa cơm tối muộn ngày mưa bão, Điệp thông báo với bà Thu về quyết định sẽ không đi TP.HCM học để mẹ yên tâm. Nhưng lần này, bà chỉ lặng lẽ buông một câu sau tiếng thở dài rồi bỏ đũa: “Mẹ chỉ mong con sau này có cuộc sống bình thường chứ không phải khổ như bây giờ”.

Không nỡ gieo nỗi buồn cho ba mẹ, cũng không muốn cuộc đời mình quẩn quanh trong bóng tối, hiện Điệp đã nộp hồ sơ đăng ký học cao đẳng giáo dục mầm non tại Trường đại học Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) để thuận tiện chăm sóc ba mẹ và em gái. Những ngày này, Điệp cũng đi hỏi thăm khắp nơi, loanh quanh Sơn Tịnh, Quảng Ngãi để tìm việc làm thêm, mong có thu nhập trang trải để việc học không dừng lại thêm một lần nào nữa. 

Thu Lê

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • An Nguyễn 05-11-2020 06:32:11

    Cách giải quyết ổn thỏa nhất là đưa ba mẹ cô bé vào Nhà nuôi dưỡng người già - tàn tật ở Tp. HCM (53 Xô Viết Nghệ Tĩnh) rồi cho cô bé nhập học ở ĐH Nông Lâm. Tp. HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI