Mâm cúng đầy tháng tại bệnh viện huyện Bình Chánh

03/11/2020 - 15:40

PNO - Vào một buổi trưa giữa tháng Mười, tại góc Khoa Sản Bệnh viện H.Bình Chánh bày một mâm cúng tươm tất gồm xôi chè, nhang đèn, hoa trái. Nó chẳng thua mâm cúng của bất kỳ gia đình nào mừng con tròn tháng tuổi.

Mâm cúng này là của tập thể y, bác sĩ bệnh viện H.Bình Chánh tự tay làm cho một em bé vừa bị cha mẹ bỏ rơi. Các nữ hộ sinh, điều dưỡng, bác sĩ đều ghé lại thắp nén nhang, nguyện cầu cho bé sức khỏe, bình an...

Bởi họ đã làm như thế nhiều lần...

Theo tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu - Đơn vị Công tác xã hội bệnh viện H.Bình Chánh, trung bình mỗi năm nơi này có từ năm đến tám em bé bị bỏ rơi.

Điều đau lòng này được các y, bác sĩ bệnh viện chứng kiến suốt nhiều năm. Mỗi khi có một em bé bị bỏ rơi, các y, bác sĩ từ khắp các khoa đều sắp xếp đến thăm  bé. Có những bà mẹ, ông bố đang trong quá trình chữa trị vô sinh, nghe tin cũng mon men về bệnh viện, tìm cách xin con… 

Nhưng trẻ con đâu dễ “cho” như vậy. Mỗi lần có một em bé ra đời bị bỏ lại bệnh viện, các bác sĩ tại khoa sản đều phải báo với ban giám đốc, rồi báo cáo ngay với Phòng Tư pháp H.Bình Chánh, lập hồ sơ. Sau đó, cắt cử nhân viên y tế chăm sóc bé, đến khi cứng cáp, đủ ngày tháng, mới làm thủ tục tại thị trấn Tân Túc để trao bé về Trung tâm bảo trợ xã hội theo quy định.

Những ngày tháng Mười vừa rồi, các y, bác sĩ của Khoa Sản bệnh viện H.Bình Chánh lại trao một bé về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trước đó, cũng như biết bao em bé từng bị bỏ lại, đứa trẻ này đã được các y tá, điều dưỡng, bác sĩ của bệnh viện nâng niu. Ngày con đầy tháng cũng được các cô làm mâm cơm mừng. Cô chú nào xin được thêm sữa, thêm tã, quần áo… đều hớn hở mang đến cho con. 

Không chỉ luân phiên trực ca, các nữ hộ sinh, bác sĩ, điều dưỡng còn luân phiên chăm đứa con chung, mỗi khi bệnh viện có một em bé bị bỏ lại
Không chỉ luân phiên trực ca, các nữ hộ sinh, bác sĩ, điều dưỡng còn luân phiên chăm đứa con chung, mỗi khi bệnh viện có một em bé bị bỏ lại

Trong nhật ký của mình, tiến sĩ Hoàng Liễu từng ghi:

Ngày… tháng… năm…

Con sinh ra trong một ngày nắng đẹp, khung cảnh bệnh viện yên bình quá. Tiếng chim hót ríu rít chào buổi sáng, con cất tiếng khóc giữa nụ cười của bác sĩ, nữ hộ sinh. Con được đến với đời, với sự thành công của ê-kíp đỡ sanh. Con được trèo leo trên bụng mẹ, chụp từng cơ hội để bắt được vú, được ngậm vú và nuốt được những giọt sữa thơm lừng mùi yêu thương của mẹ. Rồi mẹ được bế con, mẹ con mình được gần nhau rồi, con sẽ được bú một bụng căng đầy sữa của mẹ, người đã mang con hơn 270 ngày. Nhưng sao mẹ khóc nhỉ? Những giọt nước mắt mẹ làm ướt mặt con. Con thôi ngoe ngoe, con nhìn mẹ, sâu thẳm trong mắt mẹ, con biết điều này sẽ đến với con, vì con đã nghe, đã đọc trong tâm thức của mẹ, suốt những ngày con còn nằm trong bụng mẹ: “Mẹ sẽ bỏ con”. Con khóc, tiếng khóc con không biết có đánh thức được yêu thương của mẹ không? “Mẹ ơi! Đừng bỏ con”. Con chỉ biết một điều, mẹ bỏ con, con bé chưa được hai ngày tuổi. 

Ngày… tháng… năm…

Tiếng con khóc to gọi mẹ, vậy mà mẹ vẫn bỏ con đi. Đâu đó vang lên tiếng của các bác sĩ, nữ hộ sinh: “Mẹ bé trốn viện, bỏ con rồi!”. Tim con nghẹn lại, tiếng khóc của con trở thành tiếng nấc gọi mẹ trong vô vọng. Rồi con được bế lên, xung quanh con một màu áo trắng, các bác sĩ, nữ hộ sinh nhìn con, con hiểu qua ánh mắt: “Con sẽ là con của ba mẹ”. 

Ngày… tháng… năm…

Con quen dần với bình sữa, núm vú nhân tạo, mỗi lần ba mẹ bế con, con cũng tranh thủ dụi đầu để tìm hương của sữa, nhưng chỉ toàn là mùi cồn, mùi của nước rửa tay nhanh, ba mẹ phải xong việc mới bế con. Con, đứa con gái chưa đến bảy ngày tuổi, biết chấp nhận hoàn cảnh, biết mong chờ ba mẹ qua từng ca trực. Con được các ba mẹ thay nhau chăm sóc qua từng ca trực, con nhìn những đứa trẻ chào đời sau con. Nó sung sướng quá, nó có mẹ, có ba, có bà, vây xung quanh. Còn con, các mẹ, các ba con bận tíu tít, con chỉ được bế lên khi con được bú, con được bế lên thay tã khi con tè, con ị…

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay thêm một cô gái bé bỏng bảy ngày tuổi, được các ba mẹ mới vây quanh, cái nôi con được ba mẹ trải lên tấm nệm màu hồng, chiếc mền đắp con cũng be bé xinh xinh. “Ôi! Ba mẹ tôi sao nhiều quá, ba mẹ tôi toàn mặc đồ trắng, tôi hãnh diện quá, hèn gì cái tụi bên kia nó đâu dám khinh thường tôi. Bởi ba mẹ tôi toàn là bác sĩ, điều dưỡng”.

Buổi tối đầu tiên của tuần thứ hai, ngày thứ tám của tôi, ba mẹ đêm trực đầu tiên chăm tôi, bắt đầu sợ tôi, vì ban ngày tôi được ở trong phòng hành chánh, xung quanh tôi là ba, là các mẹ, tôi an tâm lắm, thế là tôi ngủ, tôi chỉ thức khi mẹ bế tôi lên đẩy nhẹ bình sữa ấm áp thơm lừng vào miệng, thế là chén cho thật no, con mắt đã híp lại, ba mẹ yên tâm làm việc.

Khi tôi ngủ suốt ngày thì phòng hành chánh lặng thinh. Khi tôi khóc đòi được bế, được bú, lập tức có tiếng trả lời của một ba bác sĩ hỏi các mẹ điều dưỡng: “Các chị cho con gái tôi uống thuốc chưa?”

Tôi thực sự sống trong yêu thương hạnh phúc, tôi lớn lên từng ngày, mỗi ngày là một trò để các mẹ luôn mong chờ mau đến giờ làm để đến bên con, để nhìn con cười trong giấc ngủ, để nhìn con tăng từng gram, từng centimet bên chiếc cân. Bây giờ thì ba, mẹ tràn đầy kinh nghiệm với con, mỗi lần bú bao nhiêu mililit, no ợ được mấy cái… 

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay đã đến ngày thứ 30, ngày mà rốn tôi đã lành, đã đẹp thực sự, tôi biết cười vu vơ chút chút, tiếng khóc to rõ hơn, cân nặng tăng lên, chân tôi dài ra. Các mẹ tôi lu bu, tôi nhìn xung quanh, hôm nay phòng hành chánh đẹp quá, bình hoa đủ màu, xôi, chè, có cả con gà bị chéo cánh. Ừa, tôi biết rồi, hôm nay các mẹ và ba tôi mừng tôi đầy tháng.

Tôi có được cái tên, có được quốc tịch rồi. Tôi là công dân của nước Việt Nam, nơi tôi sinh ra là Bệnh viện H.Bình Chánh, ba mẹ tôi là bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng… của bệnh viện. Hạnh phúc vỡ òa trong tôi. Tôi có tên rồi, tên tôi mang một thông điệp “buổi sáng, nắng hồng, bông hoa nhỏ dễ yêu”. Thích quá, nhất là các mẹ luôn miệng gọi tên tôi. Tôi không còn là bé Bông, bé Chít, bé Su, bé Si… theo cách gọi yêu thương của các mẹ và ba tôi.

Hợp rồi lại tan, sum vầy rồi chia ly, tôi biết quy luật này rồi, từ lúc tôi bảy ngày tuổi. Hôm nay tôi được 31 ngày tuổi, ngày tôi phải xa mẹ, xa ba, xa nơi tôi sinh ra, bởi vì tôi biết, tôi hiểu, tôi phải hy sinh. Ba mẹ tôi còn phải làm tròn trọng trách của người nhân viên y tế, còn rất nhiều bệnh nhi đang chờ ba mẹ tôi. Căn phòng tôi ở không còn thích hợp với đứa trẻ ngày càng thêm ngày tuổi.

Hôm ấy các mẹ của tôi, người thì xếp giỏ quần áo, người thì xếp chăn, khăn, tã cho tôi, còn các ba tôi đi ra đi vào, chăm chú vào những món đồ chơi nho nhỏ để vào giỏ cho tôi mang theo. Ngày tôi đến với các ba, các mẹ, tôi chỉ có một cái tã cùng khăn nón quấn quanh người. Hôm nay tôi đi ba bốn giỏ đồ, trong đó có cả đồ chơi ba mẹ mua nhưng tôi chưa biết cầm. Các mẹ tôi, mỗi người ôm siết tôi vào lòng, mắt mẹ lại hoen ướt. Ba nắm tay tôi, bàn tay bé nhỏ, nằm gọn trong tay ba. Ba thầm nói: “Con gái ngoan xa ba, nhớ không được khóc to quá làm bạn khác giật mình nha con”...

***
Mỗi lần trao một bé đến trung tâm, các y, bác sĩ ở bệnh viện H.Bình Chánh lại rưng rưng nước mắt. Họ nghẹn lòng khi nghĩ về tương lai của bé. Rồi tự hỏi nhau, không biết cha của bé, mẹ của bé, họ đã nghĩ gì mà đoạn lòng như thế? 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI