Có má con có động lực để đổi thay

21/03/2024 - 16:25

PNO - Mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh chị Tư, má thường rớt nước mắt, thương con mà không thể giúp được gì.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Má có 4 đứa con gái. Đứa đầu đã ra đi mãi mãi vào mùa xuân năm ngoái, sau cơn đột quỵ. Đứa thứ hai gia đình sung túc, chồng vợ thuận hòa, sinh cho má 5 cô cháu ngoại. Đứa thứ ba về làm dâu xứ ruộng đồng nên chân lấm tay bùn. Đứa út không kết hôn, chọn quy y cửa Phật.

Mấy tháng nay, đứa út không khỏe, nằm viện suốt. Má đã già yếu, các chị gái đều bận rộn mưu sinh nên không thể chăm sóc em. Đứa út cũng không muốn các chị lui tới, dặn dành thời gian cho gia đình, đừng để 2 ông anh rể phiền lòng.

Lựa dịp cùng tranh thủ được thời gian, má và 2 cô con gái hẹn nhau đến bệnh viện thủ thỉ với em út 1 ngày. Út đã ngoài 40 tuổi, không còn trẻ nữa, nhưng trong mắt gia đình, cô vẫn là đứa con gái hiền lành bé bỏng. Lâu ngày gặp nhau, 3 chị em nói hoài không hết chuyện. Má mệt, sẵn phòng có chiếc giường trống nên vừa nằm thiêm thiếp vừa nghe con cái ríu rít. Út nay đã khỏe, bác sĩ bảo sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Đầu giờ chiều, chuông điện thoại của chị Ba đổ dồn dập. Thì ra là chồng chị Tư gọi. “Ủa, sao chồng không gọi em, mà lại gọi chị?”. “Chị nghe đi. Em tắt máy từ sáng tới giờ”. Chị Ba bắt máy. Giọng em rể hằn học bên kia, bảo việc đồng áng bận rộn, hôm qua đã dặn phải ở nhà tưới ruộng cải. Thấy vợ im im tưởng đã nghe lời, ai ngờ mờ sáng đã đón xe đi mất.

Chị Ba đưa điện thoại cho em gái nói chuyện với chồng. Má ngồi dậy, tựa vào thành giường, lắng tai nghe ngóng. Cả nhà không ai lạ gì với thói gia trưởng của chồng chị Tư. Từ khi làm dâu miệt vườn, chị vất vả khổ sở trăm bề. Dãi nắng dầm mưa, thức khuya dậy sớm đã đành, chị còn bị người mẹ chồng khó tính o ép và ông chồng luôn ăn hiếp vợ. Hơn 20 năm chịu đựng, chị Tư thay đổi cả tính tình, trở nên nhút nhát, yếu đuối, cam chịu.

Mẹ chồng qua đời, cưới vợ cho con trai lớn, đến lúc có cháu nội, chị Tư vẫn chưa yên thân. Càng thêm tuổi, ông chồng chị càng khó tính. Mỗi ngày, anh ta dò xét vợ từng li từng tí trong khi bản thân cờ bạc, rượu chè, chơi đề… Vợ chồng cùng nhau trồng mấy liếp rau xen canh. Mỗi dịp thu hoạch, anh đưa chị 2 triệu đồng, bảo “muốn mua gì thì mua”. Phần tiền còn lại anh giữ hết, để tích lũy đầu tư vụ sau. Nhưng trước khi gieo hạt vụ sau thì tiền đã bay biến theo cờ bạc, lại phải vay mượn. Cuộc sống bao năm cứ lặp đi lặp lại như vậy, lao động chăm chỉ mà vẫn thiếu trước hụt sau. Phần tiền “muốn mua gì thì mua” được chị Tư đắp vào chỗ thiếu hụt của rau thịt, điện nước, đôi khi còn mua ít sữa và quà bánh cho cháu nội. Mấy năm liền chị không sắm nổi bộ đồ tươm tất dành khoác ra ngoài, toàn mặc đồ của chị Ba cho.

Mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh chị Tư, má thường rớt nước mắt, thương con mà không thể giúp được gì. Ngày xưa còn chỗ sui gia, má không tiện lên tiếng bảo vệ con gái. Sau đó, con rể cũng nhanh nhảu xây một rào chắn vô hình - “Chuyện nhà con chỉ có vợ chồng con mới biết rõ, má để tụi con tự tính với nhau”. Chị Tư là nỗi lo lớn nhất trong đời má, lo mà bất lực, chỉ có thể giấu trong lòng.

Mỗi lần chị Tư có dịp về nhà, má nấu thật nhiều món ngon, ép tẩm bổ, ép đem về để dành ăn dần. Như hôm nay, má đã thức cả đêm, cặm cụi nấu nướng, chờ sau khi thăm đứa út sẽ cùng 2 con gái về nhà ăn một bữa thịnh soạn, nào ngờ chồng chị Tư gọi điện hối thúc. Có người chồng tính tình như thế nên chị Tư tắt điện thoại từ sớm, vì chị muốn tự do thăm em gái vài giờ, rồi sau đó chuyện vợ chồng ra sao thì ra.

Chồng chị Tư hạ lệnh, nếu không về tưới rau buổi chiều thì chị ở lại nhà mẹ luôn đi, đừng bao giờ về nữa. Không chịu được, má đập tay lên tấm nệm: “Nó làm thay con 1 bữa không được à? Em gái bệnh, đi thăm cũng không cho là sao? Con là vợ chứ đâu phải kẻ ở đợ?”.

Chị Tư rơm rớm nước mắt, cầm tay má, giọng nhẹ xuống: “Má đừng lo, con cũng tính hết rồi. Trước giờ, con nhịn cho nhà cửa êm ấm, nay cũng biết làm thế là nuôi dưỡng tính gia trưởng của chồng. Có má, có chị em bên cạnh, con có động lực để thay đổi”.

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI