Chuyện ông bố F0 bất đắc dĩ phải chăm con

27/03/2022 - 17:39

PNO - Bất đắc dĩ phải chăm con theo từng hướng dẫn qua… Zalo của vợ, anh tôi ví như mình đang… chơi cầu trượt, cảm xúc đánh đu theo từng diễn tiến bệnh của con.

Nhóm chat của gia đình đầy những biểu tượng mặt cười khi chị dâu tôi “thả” vào đó cuộc hội thoại giữa chị và chồng trong những ngày anh trở thành F0 và phải chăm đứa con trai sáu tuổi cũng bệnh như mình.

“Vợ ơi, con 38 độ nè”, “Vợ ơi, con bị tiêu chảy, phải làm sao?”, “Con ngủ li bì, có sao không vợ?”… Anh tôi bày ra hình ảnh một người cha hậu đậu, lúng túng vì chưa từng chăm con bệnh bao giờ.

Như phần lớn đàn ông Việt, anh luôn tin rằng đàn ông phải giỏi kiếm tiền, lao ra xã hội khẳng định vị thế; chuyện nhà cửa, con cái nên là của đàn bà.

Bằng “quan điểm giới” lệch lạc đó, anh có cuộc hôn nhân ít khi êm đềm, chị dâu đã mấy lần suýt gửi đơn ly hôn. Thật lòng thì ngày tháng họ còn là vợ chồng, chúng tôi - những người thân rất thương anh - còn hồi hộp lo có ngày anh sẽ bị… vợ bỏ.

Có lần, con mắc bệnh thủy đậu, sốt cao cần nhập viện, chị gọi cho chồng. Anh đang bàn dự án, tức tốc gọi cho mẹ nhờ giải quyết. Chiều đó anh về, lao thẳng lên phòng tự cách ly vì sợ lây bệnh.

“Những ngày tới rất quan trọng trong sự nghiệp của anh; nếu bệnh, anh chẳng biết đời mình sẽ ra sao” - anh giải thích. Lần khác, nhà có tiệc, anh chễm chệ ngồi trò chuyện với khách trong khi chị tất tả nấu ăn. Cậu con trai chơi ngoài thềm, nghịch chiếc xe máy khiến xe ngã đè đau khóc lóc, anh bế con xuống bếp cho vợ, gương mặt giận dữ: “Làm gì mà để con như vậy?”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Ai cũng có lý lẽ riêng. Anh thường đổ cho sự bận bịu, cần làm việc, phải kiếm tiền vì ngoài gia đình anh còn có bao nhiêu tổ ấm của nhân viên dưới quyền trông chờ vào anh. Làm sếp phòng dự án một công ty lớn, mỗi hợp đồng anh mang về đem niềm vui cho rất nhiều người. Nhỏ Loan - trợ lý của anh - có mẹ bị ung thư, Sỹ Hưng đang trả góp căn hộ, chị Tuyết gánh hai đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ… Chị dâu tôi hiểu, thương và tự hào về chồng nhưng đâu đó trong lòng vẫn chất chứa nỗi thất vọng về anh…

Mới đây, cả anh và con trai đều mệt mỏi, ho khan, lừ đừ. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đều… hai vạch. Hai cha con đặc cách sở hữu một tầng lầu. Chị dâu sấp ngửa “chạy” vòng ngoài đến phờ phạc: nào sắm sửa máy đo SpO2, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn; nào tất bật nấu những món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa cho hai cha con.

Lo cho sức khỏe chồng con đã đành, chị còn lo cả cho ông chồng không có kinh nghiệm chăm con nhỏ. Bất đắc dĩ phải chăm con theo từng hướng dẫn qua… Zalo của vợ, anh tôi ví như mình đang… chơi cầu trượt, cảm xúc đánh đu theo từng diễn tiến bệnh của con. 

Qua ngày thứ tám, được y tế phường “chứng nhận” hết bệnh, anh mừng rỡ lao ra khỏi phòng, hối hả đi… kiếm vợ. Chị đang phơi quần áo trên sân thượng, bất ngờ với cái ôm siết chặt từ phía sau của chồng. “Vợ gầy quá. Mấy ngày qua, chồng thương vợ lắm, càng nghĩ càng thương” - anh nói khẽ. Chị đẩy chồng ra, trêu: “Chăm con mới có mấy hôm đã biết thương vợ kìa!”. Dù vậy, chị khấp khởi trong lòng, hy vọng sau khi trải qua cơn đau thương, anh sẽ thay đổi.

Chăm con F0, ông bố nhận ra những vất vả của vợ
Chăm con F0, ông bố mới nhận ra những vất vả của vợ

 

Kể lại những ngày hai cha con đổ bệnh, anh tôi viết Facebook: “Nghĩ lại còn rùng mình, chỉ lo cho ông con. Ông ngủ suốt, chẳng chịu ăn gì. Mình múc từng muỗng cháo, thấy con ráng nuốt từng muỗng mà mình ứa nước mắt mừng thầm. Bỗng đâu mình nghe ào một tiếng. Nguyên cái “vòi rồng” những hạt cháo nát nhừ từ miệng con văng tung tóe khắp giường. Mình cảm giác bất lực, đau lòng muốn khóc. Đỡ con nằm nghỉ rồi mình dù ho sù sụ, toàn thân đau nhức, đầu óc nặng trĩu vẫn lúi húi đi dọn dẹp “chiến trường”.

“Bị” làm mẹ chỉ trong vài hôm mà cảm giác thời gian lê thê như hàng thế kỷ”. Có ai đó vô “còm” chúc mừng hai cha con đã qua đoạn khó khăn, anh đáp lại: “Cái thú vị là mình thấy yêu thương vợ con hơn, còn lại cực lắm bạn!”.

Cơn lốc COVID-19 gần như đang quét qua mọi gia đình, số trẻ em nhiễm bệnh cũng tăng mạnh. Với đặc thù lây nhiễm và… cách ly, việc phải chăm con là F0 giúp nhiều ông bố F0 có cơ hội phát triển tính nhẫn nại; bao dung; biết quan tâm, chăm sóc người khác.

Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ đến tiểu sử nhà văn George Orwell. Khi tầng lớp thượng lưu vẫn mặc định người vô gia cư là những kẻ lười biếng, vô công rỗi nghề; ông quyết tâm tìm hiểu thế giới người bần cùng.

Trong đôi giày và bộ quần áo rách bươm, George Orwell sống như một kẻ lang thang, khổ sở xin ăn trên đường phố. Kết quả, ông thay đổi hoàn toàn quan điểm sống và nhờ đó, nhiều tác phẩm trở nên sâu sắc hơn, đưa ông thành một trong những nhà văn nổi tiếng, được yêu mến.

Cuộc sống bận rộn, người ta ít có cơ hội ngồi xuống để thấu hiểu cảm xúc, công việc hoặc những áp lực người khác đang gặp phải, đặc biệt trong đời sống hôn nhân. Dù nhiều chuyên gia tâm lý đã chứng minh rằng sự cảm thông, lắng nghe, san sẻ quan trọng không kém chỉ cho người trong cuộc một cách giải quyết và chất lượng sống, không khí của từng mối quan hệ gia đình phụ thuộc rất lớn vào sự thấu hiểu, sẻ chia.

Mà, để rõ ngọn nguồn tâm tư, nhu cầu, những nỗi niềm lẫn thế giới quan, hiện trạng cảm xúc của người nào đó, có gì thú vị và hiệu quả hơn một trải nghiệm tương tự hay đặt mình trong hoàn cảnh của họ? 

Phong Vân


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI