Chuyện cái tên

19/03/2014 - 08:26

PNO - PN - Hôm qua, bố mẹ và em ghé trường đón con. Mẹ ở ngoài giữ xe, bố dắt em vào tận lớp, định gây cho con sự bất ngờ vì bình thường chỉ có bố đi đón con. Vậy mà, con ra khỏi cổng trường hậm hực, bực bội chỉ vì em cứ chạy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gặp mẹ, con tuôn một tràng ấm ức: “Mai mốt mẹ mà cho em đi đón nữa là con... nghỉ học luôn đó!”. Mẹ nghe mà hoảng hồn, còn bố vừa giải thích vừa cố nhịn cười. Thì ra, vừa gặp anh Gấu, Nhím mừng rỡ kêu to “Anh Gấu! Anh Gấu!” mà quên béng lời bố dặn trước đó là đến trường thì phải kêu tên đi học của anh chứ không được gọi tên ở nhà. Con mắc cỡ khi có bạn nghe được và trêu nên giận... cả nhà luôn!

Chuyen cai ten

Nhớ hồi sinh con, mẹ vốn thích hình ảnh chú gấu mũm mĩm, đáng yêu trong những câu chuyện cổ tích cũng như phim hoạt hình nên đặt tên ở nhà cho con là Gấu. Lúc đầu bà ngoại chê tên ấy và chỉ gọi tên khai sinh của con, nhưng sau bà bảo tên Gấu cũng dễ thương nên chuyển sang gọi tên ấy luôn lúc nào không hay. Cái tên đó chẳng gặp rắc rối nào cho đến năm con học lớp 4. Trong một lần đến xem con học võ, em Nhím đứng phía ngoài cứ kêu to tên con khiến các bạn nghe được và trêu con. Đang đứng xếp hàng tập võ mà mặt con chù ụ, còn giơ nắm đấm dọa em. Sau lần ấy, con “thỏa thuận” là khi đến trường mọi người không được gọi tên ở nhà của con, nhưng đôi lúc bố mẹ cũng quên, còn em Nhím quên liên tục nên bị anh Hai giận hoài.

Yêu quá đi thôi sự mắc cỡ của con trai, nó nhắc mẹ rằng con đã và đang ở vào giai đoạn chuyển đổi từ con nít sang người lớn mà mắc cỡ, sĩ diện là một trong những biểu hiện rõ nhất. Mẹ hoàn toàn thông cảm với tâm trạng của con và sẽ tôn trọng con - “người đàn ông nhỏ” của mẹ. Không bao lâu nữa, con sẽ hiểu được cái tên ấy còn chứa đựng tình cảm bố mẹ gửi gắm vào đấy. Còn bây giờ, bố mẹ vẫn sẽ gọi tên ấy như một cách kéo dài tuổi thơ của con nhưng chỉ khi ở nhà thôi, con trai yêu đừng giận mẹ và em nữa nhé!

 Lê Thị Ngọc Vi

Từ khóa Chuyện cái tên
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI