Chồng hoang, vợ vụng

03/03/2020 - 10:48

PNO - Chồng hoang phí đã đành, Trà cũng vô tư hưởng thụ, chiều chuộng sự ham vui của bản thân. Cứ vui tẹt ga, qua ngày mai cô lại muối mặt đi vay nợ.

Chẳng biết từ khi nào, mỗi lần điện thoại đổ chuông thấy tên Trà là tôi chẳng buồn bắt máy. Cũng như bao lần khác, giọng Trà lúc thủ thỉ, lúc lại gấp gáp: “Mai em có việc gấp về quê, chị cho em mượn tạm mấy triệu, ít hôm em gửi”. Cái ít hôm của Trà là một tuần, một tháng, có khi cả nửa năm. Hơn 5 năm nay, những cuộc gọi của cô chỉ duy nhất một mục đích là hỏi vay tiền. Ngán ngẩm lắm, nhiều lúc bực cũng muốn thẳng toẹt, rằng nếu chồng Trà không bớt tính sĩ diện và hoang phí đi, Trà không học cách thu vén đi, thì cái vòng quay nay vay mai trả còn quẩn quanh, bám riết dài dài. 

Chẳng biết chồng Trà trước kia nghề ngỗng gì, nhưng khi chuyển đến đây ở trọ thì đang trong tình trạng… thất nghiệp. Còn Trà làm mảng thị trường trong công ty chuyên cung cấp thuốc thú y. Đến nơi ở mới gần cả năm trời, vợ chồng cô không mua nổi cái tủ đựng quần áo. Cuộc sống nhờ hết vào khoản thu nhập không đều đặn của Trà. Rồi chồng cô xin được việc giao hàng cho một hãng nước mắm.

Làm chưa ấm chỗ thì Trà cấn bầu, sức khỏe yếu, sợ rủi ro khi đi lại xa nên chồng “ra lệnh” cho cô nghỉ việc. Trà vô tư coi việc ở nhà dưỡng thai là đặc quyền của phụ nữ. Vốn là cháu cưng, từ bé cha mẹ đi làm ăn xa gửi ông bà chăm, nên Trà được chiều chuộng, chuyện ăn uống, việc nhà cửa chẳng bao giờ phải lo nghĩ.

Thế nên lấy chồng rồi vẫn hồn nhiên thế, hứng lên thích gì là mua về ăn chán thì thôi. Lắm hôm sang chơi, thấy mâm cơm vợ chồng cô thịt cá ê hề đĩa lớn đĩa nhỏ, tưởng nhà có khách. Nhưng không, Trà bảo nhà cô ăn uống lúc nào cũng xông xênh vậy. Thế nên vài ba bữa lại thấy cô đem bỏ đi cả nửa nồi cá kho, có khi cả tô canh măng hầm chân giò. Ai thấy cũng sốt ruột.

Đứa con ra đời kéo theo bao mối lo. Khó khăn về kinh tế, vợ chồng cãi vã liên miên. Mấy lần nước mắt lưng tròng, Trà nổi tính trẻ con đòi… dứt khoát. Nhưng được mấy hôm lại thấy vợ chồng tình tứ mặn nồng. Con hơn một tuổi, Trà quyết đi làm lại vì chịu không thấu cảnh chồng dằn hắt chuyện thiếu thốn.

Bẵng đi một thời gian, lại nghe chồng cô nghỉ làm, vay tiền đầu tư tiệm cà phê ở khu công nghiệp và đi dạy cho một trung tâm đào tạo lái xe. Chẳng biết chuyện làm ăn lỗ lãi ra sao, công việc làm “thầy” có suôn sẻ không, mà có thời gian cả tháng trời anh ở nhà đưa đón con đi nhà trẻ và nấu cơm cho vợ. 

A#nh minh họa
Ảnh minh họa

Đi làm lương thưởng cũng có chút đỉnh, Trà vẫn mạnh tay chi tiêu. Mỗi tuần về thăm cha mẹ chồng cách trung tâm thành phố vài chục cây số, cô túi lớn túi bé các thức quà tới cả triệu bạc. Mỗi dịp lễ lạt về quê ngoại, dù chẳng rủng rỉnh, vợ chồng cô cũng đi vay để mua quà biếu anh em họ hàng rất hậu hĩnh. Quan điểm của chồng Trà cũng nặng tính sĩ diện. Anh bảo cả năm về quê vợ đôi lần, phải "chơi lớn" cho người ta nể rể thành phố. 

Xóm trọ từ ngày có vợ chồng Trà bỗng trở nên phức tạp vì những buổi tụ tập chén chú chén anh. Không gian ồn ào bởi những vị khách vô ý lớn tiếng trò chuyện, chửi thề. Chẳng biết các mối quan hệ thân thiết đến đâu mà cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy nhà Trà có tiệc. Ăn xong lại rủ nhau cà phê, karaoke, ăn khuya… Chồng hoang phí đã đành, Trà cũng vô tư hưởng thụ, chiều chuộng sự ham vui của bản thân. Cứ vui tẹt ga, qua ngày mai cô lại muối mặt đi vay nợ, cảnh ăn đong vì thế mãi quẩn quanh. 

Ông bà ta bảo, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Nhìn gia cảnh nhà Trà, thấy vừa đáng thương vừa đáng trách. Trà vụng về thu vén kinh tế đã đành, còn vụng cả nết ăn nết ở. Giường ngủ mà quẳng lên đó trăm thứ hằm bà lằng, nhìn muốn ngộp thở. Nhà tắm thì nhem nhuốc, rau cơm ùn nắp cống, thau chậu cáu bẩn, quần áo vạ vật khắp nơi. Ăn uống xong, nồi niêu chén bát cứ gom đó, gần đến buổi ăn sau mới rửa. Không gian vì không biết thu xếp nên lúc nào cũng thấy chật chội.

Chẳng biết rồi tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa, và không biết đến lúc nào thì vợ chồng Trà mới tỉnh ngộ để vun vén cho cuộc sống đỡ loay hoay, chật vật. Tôi không ít lần từ chối vì ý nghĩ, mình đâu phải là cái kho để lúc cần là Trà đến gõ. Và chắc không ít người cũng cùng ý nghĩ giống tôi. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI