Chơi với con: nghệ thuật thư giãn... đỉnh cao

26/05/2020 - 05:08

PNO - Muốn được thế, trước hết cần phải… tắt điện thoại di động. Thoát ra ngoài mọi ràng buộc, mối quan tâm của công việc hằng ngày, từ đó, bước vào thế giới chỉ có mẹ và con/cha và con.

Trái đất này rộng lớn mênh mông biết dường nào, nhưng lúc ấy chỉ thâu gọn lại trong tầm tay, chỉ một khoảng cách, một chiều dài từ mình đến con. Tất cả tạm thời gạt bỏ ra ngoài, không gì phải quan tâm đến. Con người ta lúc ấy, được nhìn thấy thế giới bao la, cõi nhân sinh dài rộng của kiếp người qua hình hài bé bỏng. 

Hình hài ấy đang chập chững bước đi, đang bi bô nói cười, và đang có những cử chỉ, hành động cực kỳ đáng yêu mà mình không thể lường trước. Lúc ấy, cả hai mở ra những cuộc “đối thoại”, những “giao lưu” tưởng chừng bất tận, không bao giờ lặp lại. Kỳ diệu chính là chỗ đó.

Chuyện trò ngày này. Qua tháng nọ

Bao giờ cũng mới. Cũng ban mai

Là lúc bi bô làm con trẻ

Tâm tình với bé ẵm trên tay 

Cảm xúc được khơi dậy nồng nàn và chan chứa yêu thương. Bấy giờ các bậc phụ huynh phải hóa thân vào đứa trẻ. Nhìn từ đứa trẻ, họ lại thấy vài chục năm trước dài đằng đẵng của mình đã trôi tuột, mất hút từ trong dĩ vãng nay đang dần bước lại gần, từ đứa con. Thì ra, ngày xửa ngày xưa cha mẹ cũng từng nuôi nấng, chăm sóc mình như thế này đây.

Mình cũng quấy, cũng khóc, cũng mè nheo, cũng đòi hỏi hàng trăm thứ, đang chơi cái này, vứt xuống, đòi lấy cái kia, phải đáp ứng ngay, nếu không lại khóc. “Vũ khí” mầu nhiệm nhất của đứa trẻ chính là tiếng khóc, vừa nghe rộn trong lòng, vui tai, lại vừa gợi niềm yêu thương mơn mởn như trái ngọt đầu mùa. Làn da ấy mỏng quá, môi đỏ thắm quá, tất cả như ánh sáng; lại nữa, tiếng nói chưa tròn vành rõ chữ khiến ta nghe mãi không bao giờ chán. 

Nghĩ thế, thật sự là thế, mới thấy câu “đồng dao” này tào lao hết sức: “Vỗ tay, vỗ tay bà cho ăn bánh/ Không vỗ tay, bà đánh lên đầu”. Sức mấy dám đánh. Không dám đánh vì thương quá đấy thôi. Nhìn kìa, ngay lúc bé đi vấp té hay mình lỡ tay làm bé đau, ngay lập tức cha/mẹ đã thấy xốn xang, đã vội vàng: “Mẹ xin/ba xin”. Xin là xin cái đau của bé. Nó còn bé bỏng quá, thánh thiện quá, mới mười mấy tháng tuổi, ai lại dùng từ “đánh” dù chỉ nói đùa.

Mà lúc nhìn bé, bao giờ các bậc phụ huynh cũng nghĩ đến chồi non đang nhú, trong trẻo vô ngần, đôi lúc dù bé quấy quá, bực thì bực chứ nào ai nhẫn tâm đánh một cái rõ đau cho đã nư. Phải không nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn ơi, có lúc nào bạn nằm dài trên sàn nhà, ẵm bé cho dụi đầu vào ngực, bỗng nghe tiếng nói nũng nịu, mơn trớn thốt ra: “Ba giỡn/mẹ giỡn”, rồi nó nhoài người ra khỏi vòng tay, đứng dậy, cười toe toét, chỉ có thế nhưng tự dưng bạn cảm thấy hạnh phúc quá đi thôi? Lại nữa, có phải lúc bạn nhẹ nhàng bảo: “Hôn ba/mẹ một cái” thì bé lại chập chững bước tới “thơm” nhẹ vào má, chỉ có thế nhưng bạn sung sướng vô ngần?

Chơi với con cũng là lúc quan sát, bé ngày hôm nay khác hôm qua thế nào. Rất khó nhận ra. Ông trời hay thật, mọi việc thay đổi từ hình hài đứa bé đều diễn ra rất chậm, khó có thể phát hiện vì không một đổi thay nào có tính chất đột ngột cả. Chỉ khi ngoảnh lại, thầm bấm đốt ngón tay mới biết bé đang dần dần có sự thay đổi. 

Mới ngày kia, ngày bé bắt đầu bước đi, loạng choạng như người say rượu, cả cha lẫn mẹ đều cười ồ lên vỗ tay: “Hoan hô”. Reo ầm lên, dù chỉ mới thấy vài bước chân của con di chuyển, nhưng đã cảm nhận sự thay đổi ấy lớn lao quá. Bỗng một ngày kia, anh thức dậy sớm, lẳng lặng lên gác ngồi gõ bàn phím như mọi ngày, đang thả hồn vào từng con chữ bỗng nghe tiếng chân đang bước, dù rất khẽ.

Ai thế? Trời ơi, bé nhóc kìa, đang bước lại gần anh, ối dào, nó đã biết leo lên cầu thang rồi đấy. Buổi sáng đầu tiên chứng kiến ấy, anh mừng hơn trúng số độc đắc. Bất ngờ thế ư? Kỳ diệu thế ư? Lâu nay mải mê đi tìm sự kỳ diệu mãi tận đẩu tận đâu, nay anh sung sướng phát hiện nó ở ngay trong căn nhà 
của mình.

Có lẽ, nhiều bậc phụ huynh đã rưng rưng tận đáy lòng, khó thể diễn tả thành lời vẫn là lúc nghe bé nhóc đột ngột cất lên tiếng gọi: “Ba/mẹ”. Âm thanh non nớt, trong trẻo ấy đã khiến họ cảm thấy như vừa chạm tay vào và hái được ngôi sao mầu nhiệm tít tận đỉnh trời. Mà nào đã hết đâu. Còn là lúc lại nghe từ bờ môi đỏ thắm như son ấy cất lên tiếng nói rõ ràng, không lẫn lộn vào đâu: “Dạ”. Tiếng dạ đầu đời của đứa trẻ đã khiến các bậc phụ huynh sung sướng về nếp nhà, vì từ đây nhen nhúm trong trí óc của bé đã là sự lễ phép. 

Em dạ mẹ, em dạ ba
Gọi thưa vâng dạ nết na đẹp người
Trong tiếng dạ có hoa tươi thơm ngát
Em thốt ra như hát như reo
Âm vang non nớt trong veo
Nghĩa tình ấm áp còn theo suốt đời 

Cứ như thế, từng ngày, từ chỗ mới phát âm một từ, nay đã là hai từ. Nghe sướng gì đâu. Cái môi chúm chím chim non ấy, nói bập bẹ mà nghe ra như tiếng chim đang hót. Cả cha/mẹ và bé cùng hòa nhịp chung trong cuộc “trò chuyện”, nhưng thật đó là lúc người lớn đang nói với chính mình. Dẫu nó chưa hiểu nhưng vẫn cứ nói. Mình nói mình nghe, cứ rộn mãi trong lòng.

Đại loại, “Mì ơi, chủ nhật này, ba/mẹ nấu món ăn ngon, con về sớm, cả nhà cùng ăn nha”. Rồi tự trả lời: “Ối dào, ba mẹ ăn đi, chiều chủ nhật này con có hẹn với bạn rồi”. Lại nói, “Thế đấy, con với cái. Cô/cậu lớn rồi, có thương gì tôi”. Nói rồi cười ầm lên như đang trêu chọc bé nhóc. Vui lắm. Chơi với bé còn chính là chỗ đó nữa. 

Đừng tưởng bé nhóc chỉ mới chừng mươi ký, nhẹ hều, mình có thể nô đùa mãi không biết mệt. Không đâu. Chẳng bao giờ đứa trẻ chịu ngồi yên một chỗ, hết đi chỗ này, đến chỗ kia, lúc nào cũng phải ghé mắt trông theo. Đi theo nó quanh quẩn trong nhà cũng phát mệt. Vì thế, lúc ấy, một trong những cách tốt nhất để toàn tâm toàn ý chơi với con vẫn là… tắt béng đi cái điện thoại là vậy. Nghệ thuật “thư giãn đỉnh cao” phải thế. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI