Cho con vay tiền

23/12/2017 - 14:32

PNO - Nhiều thanh niên ném tiền của cha mẹ vào những cuộc đầu tư thiếu cân nhắc, đến khi thất bại lại xem như đó là tiền “học kinh nghiệm” - khoản học phí quá sức bất công với phụ huynh.

Buổi trưa, giờ nghỉ của cơ quan, điện thoại chị Anh bỗng reo vang. Chị nghe, trả lời ngắn gọn vài câu rồi mở túi, lấy một cục tiền bước ra cửa. Chị cười cười, nói như thanh minh với cả phòng: “Cho thằng con mượn 100 triệu đồng, để nó làm ăn”.

Nghe thế, chị Hoa, đang ngả người lim dim, ngắt lời: “Con cái mà nói chuyện vay trả là sao? Lo cho tụi nó không hết, có thì cho thôi chứ vay mượn gì”.

Chị Anh khẳng định: “Không, mình đã nuôi nấng, chăm sóc, lo lắng cho nó ăn học hơn 20 năm rồi. Bây giờ nó lớn, làm ăn là chuyện lớn của người đã trưởng thành, có suy nghĩ cân nhắc trước sau và có khả năng chịu trách nhiệm. Cho nên vốn đầu tư cũng phải tự lo, tự tính, mượn của ai thì phải trả. Tiền cho không tụi nó, tụi nó không biết quý”. Nói rồi chị quày quả đi, để lại sau lưng cuộc tranh luận ồn ào của cả phòng với “đề tài lạ”.

Cho con vay tien
Ảnh minh họa

“Mình vất vả thế nào, làm ra bao nhiêu tiền, cuối cùng cũng là để cho con. Của mình cũng là của con mà thôi, sao lại phải tính toán như nợ nần. Mình cho, để con yên tâm làm ăn, không lo sợ, hoang mang vì những rủi ro chứ”. Cách nghĩ của chị Hoa đã một thời là cách nghĩ của đa số những bậc làm cha làm mẹ Việt Nam và mãi đến nay vẫn được rất nhiều người xem là chuẩn mực. Có nhiều người còn lo đến sự nghiệp của cháu,  gần như cả đời mang hết gánh nặng đặt lên vai mình, mệt mỏi và nặng nề.

Chính bởi cái ý thức trách nhiệm đó của cha mẹ mà những đứa trẻ ngày xưa, khi nhìn vào ruộng vườn, tài sản của cha mẹ, đều nghĩ đó là của mình trong tương lai. Một phần trong số đó sẽ có ý thức giữ gìn và phát triển tài sản của gia đình, nhưng một phần khác ỷ lại vào khoản tiền cha mẹ sẽ cho mình, thậm chí ngay lập tức nghĩ rằng đó là tài sản của mình, mình muốn xử sự sao với chúng cũng được. Vì thế mà cuối cùng tiền bạc, đất đai lần lượt ra đi. Nếu không phải là vào những cuộc ăn chơi thì cũng vào những vụ làm ăn bốc đồng, thiếu cân nhắc.

Giữa những ý thức trách nhiệm đã thành truyền thống đó, chuyện một người mẹ hay cha cho rằng con mình, sau khi đã được trang bị kiến thức vào đời, phải bắt đầu tự lo cho bản thân, như chị Anh, trở thành cái gì đó hơi “sai sai”. Thậm chí chẳng hiếm người như chị Hoa còn nghĩ rằng cha mẹ làm thế là không thương con, ích kỷ.

Chị Anh kể: “Thật ra, chính con đề nghị với mình như thế. Nó dùng hẳn từ “vay” và rành mạch với chị về cả kế hoạch làm ăn lẫn thời gian trả nợ. Khi chị nói với con rằng chị có thể phụ nó chuyện tiền thì con chị gạt đi, bảo đây là tiền của mẹ, con mượn thì con có trách nhiệm trả lại.

Nó kể bạn bè cũng nhiều đứa được cha mẹ cho tiền để làm ăn rồi cứ tỉnh bơ, không tính toán kỹ, đầu tư tiền mà không đầu tư công sức. Đến chừng thua lỗ cũng coi như không. Còn thanh minh rằng coi như cha mẹ cho tiền "học kinh nghiệm", trải qua những cảm giác của việc tự lập làm ăn. “Tụi nó mở quán cà phê, chừng dẹp, cái gì cũng bỏ, ti vi, bàn ghế… thậm chí không cần tìm chỗ thanh lý, vì tiền đó tụi nó không có trách nhiệm, không xót đó mẹ”.

Từ những suy nghĩ như thế, con trai chị Anh quyết tâm không lấy tiền của mẹ mà chỉ vay và lập kế hoạch trả nợ cho chị.

Chị Anh cũng bảo, quả thực chị làm ra cái gì cũng chỉ mong để lại cho con sau này. Thế nhưng, cho con lúc nào và cách cho ra sao mới là điều quan trọng. Cho quá sớm, con không hiểu giá trị của đồng tiền cha mẹ cho. Chị chọn cách cho con vay tiền kèm những lời động viên, chỉ bảo, góp ý cho con. Mỉm cười, chị nói tiếp, mình cũng chuẩn bị tinh thần là con có thể thua lỗ. Khi đó, chắc chắn mình sẽ là một chủ nợ đầy thông cảm và kiên nhẫn của con. 

Sinh con ra, nuôi dạy con lớn lên rồi còn phải nghĩ đến chuyện lo cho con cái nhà, dựng vợ gả chồng cho con mới tạm xem là xong trách nhiệm của mình. Không lo được cái nhà cho con lấy vợ lấy chồng thì coi như đó là một lỗi lớn, là sự thất bại của những người làm cha làm mẹ.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI