Chỉ vì chốn nương thân

08/06/2017 - 12:30

PNO - Trong phiên xử tại TAND H.Củ Chi (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Kim P. thổ lộ chị muốn hàn gắn gia đình vì mấy mẹ con cần chỗ ở yên ổn, chứ vợ chồng đã không còn tình cảm, ly thân hơn bốn năm nay...

Giá trị của cuộc hôn nhân chỉ là chốn nương thân theo đúng nghĩa đen. 

Chi vi chon nuong than
Vợ chồng chị P. đưa nhau ra tòa lần thứ ba


Giấy cấp phép… vợ hai

“Dù tòa bác đơn, tôi cũng tiếp tục kháng cáo. Dù xử kéo dài mười năm, hai mươi năm, tôi cũng kiên trì nộp đơn vì không thể tiếp tục chung sống” - chồng chị P., anh Nguyễn Minh T. cương quyết. Theo anh T., chị P. ghen tuông thái quá, gây nhiều áp lực khiến đầu óc của anh căng thẳng. Là tài xế xe buýt, anh đi làm theo lịch của công ty, lại chạy nhiều tuyến đường nên lịch trình không cố định. Có khi chạy đến tỉnh khác phải nghỉ lại qua đêm, không về nhà được. Vợ đã không thông cảm còn cho rằng anh cặp bồ, đặt “trạm dừng” bừa bãi. Vợ nói nhiều câu khó nghe, thường réo điện thoại kiểm soát giờ giấc khiến anh bực bội và phân tâm, nguy hiểm nhất là khi đang lái xe. 

Anh T. kể có lần anh nộp đơn rồi rút đơn vì muốn hàn gắn, nhưng tình hình không cải thiện. Chị P. vẫn ghen, lại còn hỗn hào với gia đình chồng và nhiều vấn đề không thể hóa giải được… Anh quyết định nộp đơn lần nữa để giải quyết cho dứt, tránh tình trạng mâu thuẫn kéo dài, hai bên có thể nóng giận, không kiềm chế, nảy sinh xô xát. 
Chị P. lại cho rằng cuộc hôn nhân tàn lụi là do anh T. thay lòng đổi dạ: “Tôi không ghen bóng ghen gió mà tôi biết đích xác. Anh càng lậm khi có sự bao che của gia đình chồng”. Chị bức xúc kể, mẹ chồng chị ủng hộ “trai năm thê bảy thiếp”; chị chồng có lần còn bảo chị P. ký giấy để công nhận cô vợ bé, cho cô tới lui với anh T., vợ không được quyền ghen, đổi lại chị chồng sẽ cho tiền phụ nuôi bốn đứa con. Do còn thương chồng, sợ không đủ khả năng nuôi con, ban đầu, chị P. định ký “giấy cấp phép vợ hai” nhưng có người hàng xóm cản nên chị thôi.

Đuổi mẹ khỏi nhà, dọa đưa con vào trại mồ côi

“Chồng có quan hệ ngoài luồng, về nhà kiếm chuyện đánh tôi tàn nhẫn. Tôi nộp đơn trình báo Công an xã Tân Thông Hội đã hai năm, chưa được xử lý thỏa đáng. Gia đình chồng cũng hắt hủi, dọa đuổi tôi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Có người còn nói đưa các con tôi vô trại mồ côi” - chị P. uất ức. Nhiều lần chị P. muốn giã từ cuộc sống, may mà có người kịp đưa đi bệnh viện.

Mười mấy năm về trước, khi về sống với nhau, anh chị xây căn nhà trên đất của mẹ chồng. Theo lời chị P. thì mẹ chồng cho vợ chồng miếng đất này, nhưng vì diện tích không đủ tách thửa, sang tên, nên trên giấy tờ vẫn còn thuộc chủ quyền của mẹ chồng. Kinh phí xây dựng từ tiền tích cóp của hai vợ chồng và sự giúp đỡ của bên gia đình chị. Tại tòa, anh T. cho rằng nhà đất là của mẹ, sẽ xin bà cho các cháu tiếp tục ở, còn chị P. nếu đã ly hôn thì phải dọn đi. 

Mâu thuẫn chồng chất, cộng thêm việc chị P. nộp đơn khởi kiện phân chia tài sản chung vào tháng 2/2017 tại TAND H.Củ Chi là ngòi nổ cho cuộc xô xát giữa chị P. và vợ chồng người chị của anh T. tại bến xe Củ Chi ngày 23/3/2017. Chị P. trình bày, vợ chồng của chị chồng kiếm chuyện chửi mắng, chặn đánh chị. Vụ việc đã được Công an thị trấn Củ Chi tiếp nhận, đã xử phạt hành chính đối với hai vợ chồng. Do sợ gia đình chồng và đã quá mệt mỏi nên chị P. rút đơn khởi kiện. Hiện, mẹ chồng chị đã treo bảng bán nhà…

Bước ra khỏi cửa tòa án, với phán quyết của tòa là chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn, hai con lớn theo cha, cặp song sinh nhỏ theo mẹ, lòng chị P. rối bời với ý nghĩ kháng cáo. 

Tô Diệu Hiền

Bà Lê Thị Phương Hồ (Chủ tịch Hội Phụ nữ H.Củ Chi): Mẹ quá nghèo, nên để cha nuôi cả 4 con

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, chị P. sẽ phải tiếp tục nộp đơn khởi kiện phân chia tài sản, chứng minh phần đóng góp của mình trong xây dựng nhà. Khi bản án có hiệu lực, khả năng rất cao là chị phải rời khỏi căn nhà này. Nếu chưa ổn định được cuộc sống, chị nên cân nhắc phương án để chồng nuôi cả bốn con. Chị có thể thuê phòng trọ gần đấy để ở, tiện việc chăm sóc, giáo dục con. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giúp chị P. về vật chất, tinh thần để chị ổn định cuộc sống. 

(ghi)


Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại TP.HCM giai đoạn 2015-2018.”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI