Chị Tư chơi 'phây' có khác...

09/07/2017 - 17:25

PNO - Chị Tư tôi giờ cũng đang chơi facebook. Việc này chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên khi mà cái smartphone giá rẻ đã trong tầm tay của nhiều người nông dân.

Ờ, thì để liên lạc với con cái, sẵn tiện xem tụi nhỏ làm gì, nghĩ gì… Tụi nó có nói gì thái quá ở trển thì mình vô e hèm một tiếng cho nó biết là mình không hài lòng, vậy thôi. Nhưng, chị Tư tôi chơi phây có khác…

Chi Tu choi 'phay' co khac...
 

Hồi nhỏ chị giỏi văn nhưng nhà nghèo nên hết lớp 9 là chị nghỉ học; làm đủ thứ nghề, từ cắt lúa mướn, nhổ cỏ thuê đến làm mành trúc… Tôi với chị chênh nhau về tuổi tác khá nhiều nên suy nghĩ và nhận thức cũng khác, nhưng trong tôi, bao giờ chị cũng mang hình ảnh một người chị lam lũ. Chị không được học nhưng vẫn mê đọc sách.

Chắc là do nhà tôi có truyền thống thích đọc sách: mẹ, anh Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm, tôi và cả con bé Út - tất cả đều ham đọc. Thời xưa đâu có nhiều sách như bây giờ, nhưng chị là người tìm sách về cho cả nhà cùng đọc. Thượng vàng hạ cám, từ cổ tích Việt Nam và các nước cho đến các tác giả như Nhất Linh, Khái Hưng, Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khắc Phục…

Giờ nghiệm lại, chính việc đọc sách đó đã nâng đỡ tâm hồn, khơi gợi những ước mơ nhỏ bé trong tôi. Tôi nghĩ, chắc cũng nhờ những cuốn sách đó mà mẹ tôi biết đường dạy dỗ con cái nên người, dạy các chị em tôi cách cư xử, ăn ở… khi làm dâu.

Chị Tư đảm đang, khéo xoay trở nhưng 50 tuổi vẫn chưa thoát được cái nghèo. Lấy chồng rồi lần lượt bốn đứa con ra đời, không một mảnh đất cắm dùi nên vợ chồng chị cứ quay cuồng làm thuê làm mướn, buôn bán, chài lưới để lo cơm áo gạo tiền cho các con ăn học. Nhà tôi thuần nông, các anh chị em đều làm ruộng, chỉ tương trợ nhau lúc ngặt nghèo, chứ ai cũng có gánh nặng riêng.

Ngày đầu tiên đọc tút của chị trên facebook, tôi rưng rưng muốn khóc. Gọi điện về cho nhỏ Út, hỏi mày đọc facebook của Tư chưa, nó nói đọc rồi, mừng vì thấy đó cũng là cách để chị chia sẻ, giảm bớt áp lực. Lúc đầu, chắc còn chưa quen với cách đánh chữ trên điện thoại nên chị làm một dọc, vừa đọc vừa đoán cũng phát mệt.

Nhưng chỉ ít lâu sau, đã thấy mọi thứ rõ ràng, mạch lạc và tràn đầy tình cảm. Chà, bà chị nông dân của mình cập nhật công nghệ nhanh dữ! Chị chia sẻ mọi thứ: ngày thôi nôi đứa cháu nội ở Sài Gòn mà bà không lên được, biên. Ngày gia đình, biên. Ngày của cha, biên… Tôi đọc không sót tút nào và luôn bấm like vì thật sự rất thích (chứ không phải like... xã giao, like động viên à!).

Chi Tu choi 'phay' co khac...
Người già cũng rất thích Facebook, Ảnh minh họa

Không phải thích vì đó là văn của Tư - chị ruột mình, mà còn vì thấy được bao nhiêu tình cảm và ký ức trong đó. Chị nhắc đến ba, đến chồng, đến con với tất cả yêu thương mà tôi nghĩ, nếu đọc được, chắc chồng và các con chị sẽ rất cảm động. 

Tôi lặng lẽ dõi theo, ồ à ủng hộ chị Tư biên “tút”. Mới hôm qua thôi, tôi đã thấy mình rưng rưng khi chị viết về “dòng sông khóc”. Vẫn là những kỷ niệm nhưng bà chị của tôi đã mở rộng đề tài ra ngoài khuôn khổ của những yêu thương chồng con, chạm vào vấn đề lớn của xã hội, của nông thôn hiện tại: ô nhiễm môi trường! Dòng sông tuổi thơ, dòng sông thiếu nữ của chị đã biến dạng.

Với trái tim nhạy cảm, chị lắng nghe và cảm nhận rồi cất lời phản tỉnh. Tôi biết, từ nhận thức đến hành động để thay đổi là cả một quá trình, nhưng một khi nó đã trở thành điều gì đó ám ảnh, thôi thúc trong suy nghĩ của cả những người phụ nữ nông thôn như chị, thì rõ ràng là sẽ được giải quyết. Cứ nhìn lại quá khứ, nhìn kỹ quanh ta thì rõ. 

Cứ viết tiếp đi Tư, viết cho chị, cho em và cho những đứa con của chúng ta. 

Nam Khương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI