Chết ở trong lòng giữa “đêm trường” COVID-19: Tình yêu không phải du lịch

27/07/2020 - 05:31

PNO - Gần đây, những người đi thăm người yêu, thăm người thân, bạn đời… sẽ được nhập cảnh vào năm nước: Đan Mạch, Na Uy, Áo, Hà Lan, và Cộng hòa Séc. Tình yêu trở thành “lý do chính đáng” để nhập cảnh. Đây là “thành quả” của chiến dịch hashtag #LoveIsNotTourism (Tình yêu không phải du lịch), #LoveIsEssential (Tình yêu là thiết yếu) trên mạng xã hội, kêu gọi các chính sách nhập cảnh cho “những người đang yêu” được gặp nhau. Dường như, giữa nỗi sợ hãi và các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh gắt gao vẫn cần triển khai, thì người ta vẫn còn chỗ để nói và lắng nghe tình yêu.

Cô dâu người Na Uy vận chiếc đầm cưới nhẹ nhàng màu trắng, trao lời thề với chú rể người Thụy Điển giữa cánh rừng biên giới giữa hai quốc gia. Giữa lời thề nguyền của họ là dải băng phân cách biên giới.

 Chia cách vì đại dịch

Đó là một đám cưới thời COVID-19, với cảnh vệ hai quốc gia để mắt không cho ai “vượt biên” qua phần bên kia. 

Tình cảnh mà cô dâu Camilla Oyjord và chú rể Alexander Clern trải qua là hiện thân của sự chia cắt mà những người trẻ yêu nhau đang phải chịu khắp thế giới. Có những tình yêu không trụ được và gãy đổ. Có những cặp đôi lần đầu nhận thấy họ phải ở bên nhau suốt đời. Nhưng với những người chỉ mới bên nhau - không có “danh phận” gì để lấy cớ đi thăm bạn đời đang mắc kẹt ở quốc gia nào đó xa lạ, COVID-19 đã trở thành bi kịch chia cắt. 

Nhóm #LoveIsNotTourism biểu tình ôn hòa yêu cầu Đức nới rộng điều kiện để người yêu nhau có thể đến thăm nhau - Ảnh: Nhóm #Loveisnottourism
Nhóm #LoveIsNotTourism biểu tình ôn hòa yêu cầu Đức nới rộng điều kiện để người yêu nhau có thể đến thăm nhau - Ảnh: Nhóm #Loveisnottourism

Một người Anh trong nhóm người nước ngoài sống ở Thái viết, khi ông đọc được danh sách các nhóm người được phép bay đến Thái: “Tại sao không cho phép người yêu đến thăm bạn đời của họ? Tôi và bạn gái người Thái không cưới nhau. Nhưng chúng tôi có con chung. Tôi yêu cô ấy. Tôi cần phải đến Thái để cùng cô ấy chăm con và vượt qua thời điểm khó khăn này. Nhưng tôi không thuộc nhóm nào mà chính phủ Thái ưu tiên cả. Chính phủ Thái có biết bao nhiêu người nước ngoài như tôi đã coi Thái là nhà không?” - câu hỏi của ông pha chút giận dữ, ấm ức và bất lực. 

Người bạn của tôi kể về lần gần nhất cô gặp người yêu, là khi cả hai đến Malaysia du lịch. Chuyến đi cùng nhau dài bốn ngày. Anh bay về Việt Nam. Cô về Indonesia làm việc. Giờ đã gần năm tháng, họ không thể gặp nhau.

Có những buổi tối cô kể: “Mình không biết phải làm gì nữa. Cả hai người thấy kiệt sức vì những cuộc điện thoại. Đó là cách duy nhất tụi mình giữ liên lạc. Đó cũng là thứ khiến tụi mình luôn tự hỏi không biết bao giờ được gặp lại nhau. Chưa cưới xin, không danh phận gì, cả hai không thể có cơ hội đi thăm người yêu dù bình thường Jakarta và Sài Gòn chỉ là chặng bay vài giờ đồng hồ”. 

Thế giới đã chia cắt theo cách chưa ai từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Cuộc chia ly tưởng chỉ kéo dài vài tuần đã trở thành năm tháng trên nhiều mảng địa cầu. Những người bệnh nặng sắp qua đời cơ hồ mới được có “cơ hội” lên chuyến bay nhân đạo. Người cần chữa bệnh nguy cấp, cần đoàn tụ gia đình mới mong được về bên nhau. Còn người yêu nhau? Chưa bao giờ định nghĩa tình yêu trở nên vô nghĩa đến vậy - khi ta đi mua vé máy bay, xưng là “người yêu” sẽ chẳng thuộc diện ưu tiên nào cả - đành quay bước trở về nhà - lầm lũi trong cô độc.

Những bữa cơm bớt ngon vì thiếu người thân yêu. Những ngày làm việc thêm chật vật vì thiếu tay đỡ đần. Những tâm hồn, đã mệt mỏi nhiều phần vì dịch bệnh khó khăn, càng cô độc trong sóng gió. 

Kiệt quệ tinh thần 
“Đây là con gái 5 tháng tuổi của tôi mà tôi chưa từng được gặp vì tôi không có visa đến Bỉ. Tôi thấy mình trống rỗng và chết ở trong lòng. Tại sao tôi không thể bên con? Xin hãy để tôi được gặp con. Tim tôi như tan vỡ thành hàng triệu mảnh. Tôi không thể chịu được nữa”. 

Khodor Narsrallah viết trên Twitter, với dòng hashtag #LoveIsNotTourism. Anh là người ở Lebanon và không thể đến thăm vợ và con gái anh ở Bỉ vì COVID-19. 

Ảnh chụp một đoạn Twitter
Ảnh chụp một đoạn Twitter

Tôi cảm thấy thêm phần nản chí đêm nay… Tưởng tượng ra những tình cảnh xấu nhất… Biên giới/visa đóng cửa với cặp đôi đến tháng 12, đến mùa xuân năm sau, đến bao lâu nữa? … Giờ là bốn giờ sáng ở Pháp, vì vậy tôi không thể gọi cho Alex. Làm ơn, hãy chấm dứt sự hành hạ tâm lý này” - Maggles viết cho người yêu cô trên Twitter, khi châu Âu vẫn cấm người Mỹ nhập cảnh vì số lượng ca bệnh tăng nhanh và phức tạp. 

Nhóm vận động #LoveIsNotTourism trên Twitter viết: “Nhớ thương ai đó gây xúc động, cảm giác đó chân thành và hiện thời không hề dừng lại. Sự vô nhân này khiến tôi cảm thấy cực kỳ tiêu cực và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần vốn đã rất yếu của tôi…” .

Tôi là sinh viên quốc tế học thạc sĩ tại Bỉ. Đã gần 10 tháng tôi không được gặp vợ tôi. Cả hai chúng tôi đều cực kỳ trầm uất vì cơn ác mộng coronavirus này. Lạy Chúa, xin đừng để chúng tôi chịu khổ thêm nữa” - Ebrahim Navab viết những dòng này chỉ vài ngày trước, khi Bỉ vẫn chưa có chính sách gì giúp người yêu nhau gặp lại nhau. 

Hàng chục ngàn hoàn cảnh đã lên tiếng dưới dòng hashtag, cho thấy nhiều cảnh ngộ đau khổ, vật lộn và không biết phải làm gì khi tương lai còn bất định phía trước. Nhiều tuần trôi qua, những câu chuyện #tìnhyêukhôngphảidulịch đã xuất hiện dày đặc và dần dần được chính phủ các nước ở châu Âu lắng nghe. 

Những dòng viết tha thiết của Ebrahim Navab
Những dòng viết tha thiết của Ebrahim Navab

Tình yêu không phải du lịch 

Lắng nghe tiếng nói đó và hiểu cho hoàn cảnh của tình yêu, Đan Mạch là quốc gia châu Âu đầu tiên viết hẳn vào quy định, những người đến quốc gia này có thể là “bạn trai và bạn gái, ông và con cháu” đi thăm người thân.

Nước Áo đã cân nhắc viết thêm cụm từ “bạn đời” vào nhóm những người được phép đến quốc gia họ trong thời gian dịch bệnh. Trước đó, Áo chỉ cho phép những người đến thăm người thân bị bệnh nặng, hay thăm con, hay làm nghĩa vụ giám hộ. 

Chỉ mới gần đây, ngày 19/7, Cộng hòa Séc đã cho phép người đến từ quốc gia thứ ba có thể vào quốc gia này thăm bạn đời, miễn là họ đạt một số yêu cầu. Hành động ngoại giao này của Séc được áp dụng tương tự với cách Đan Mạch và Áo dành cho cặp đôi chưa kết hôn. 

Dè dặt và cẩn trọng hơn, Hà Lan và Na Uy đòi hỏi những cặp đôi yêu nhau phải có mối quan hệ “đã rõ ràng” hoặc “lâu dài”, nhưng cũng đã mở rộng giới hạn hơn so với thời gian đầu dịch bệnh. 

Khi viết đến những dòng này, những người bạn người Việt của tôi ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang lẳng lặng trải qua từng ngày đơn độc của họ. Cô gái trẻ ngồi làm việc lầm lũi một mình trong căn hộ ở Jakarta. Anh bạn làm nghiên cứu tại Nhật không thể về Việt Nam thăm người yêu. Những chị gái mang bầu ở Philippines không thể tìm được chuyến bay về Việt Nam sinh con. Người bạn mắc kẹt ở Mỹ không thể đến châu Âu như lời cậu hứa sẽ đến và cầu hôn bạn gái. 

Có những tình yêu đã thay đổi vĩnh viễn sau năm tháng dài xa cách. Có những cặp đôi (thật mừng) biết rằng họ cần có nhau và quyết định về chung tổ ấm sau thời gian cách ly. Có cả những hiểu lầm dần được soi chiếu và hiểu nhau hơn khi người yêu xa nhau. Nhưng tất cả đã hóa thành phần nhiều bi kịch, khi cả thế giới bị chia cắt. Những chuyến bay mang theo vô số điều kiện khó khăn và đắt đỏ, thậm chí nhiều yêu cầu không tưởng, đã khiến những tình yêu phải chịu lìa xa nhau. 

Với tôi, trong cuộc tạm biệt du hành hai tháng trước, bạn chung nhà tôi nói: “Anh không biết bao giờ mình sẽ gặp lại nhau. Nhưng mình sẽ ở bên nhau” - chúng tôi không thể biết bao giờ Nam Mỹ mới mở cửa cho chuyến bay về nhà để tìm lại nhau. 

Tình yêu không phải du lịch. Nhưng tình yêu đã bị phớt lờ thật nhẫn tâm giữa mùa đại dịch. 

Khải Đơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI