edf40wrjww2tblPage:Content
Đoạn trường trọ bệnh
Những lúc gia đình định đưa em về nhà, chấp nhận số phận thì Nguyễn Hoài Thuận (17 tuổi, ở trọ đối diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, TP.HCM) lại gặp ác mộng, thấy có người đến bắt mình đi. “Đường cùng mới tính đến nước chở con về chờ chết, chứ con đang tươi tỉnh, cha mẹ nỡ lòng nào nhìn nó ra đi. Mình không ráng lo tiền chạy thận cho con khác nào mời tử thần đến rước nó. Con mà mất, chắc tụi tui cũng không sống nổi” - ông bà Nguyễn Văn Công - Lưu Thị Kim Vui nhìn Thuận ngậm ngùi.
Đã bảy năm, ông Công phải lìa bỏ quê nhà ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, “tha phương chữa bệnh” cho con, do Thuận thận suy nên phải chạy thận.
Phát bệnh vào mùa hè cuối năm học lớp 5, triệu chứng đầu tiên của Thuận là bị chảy máu cam. Khám, điều trị ở bệnh viện huyện, tỉnh rồi chuyển xuống TP.HCM, bác sĩ xác định Thuận đã suy thận giai đoạn cuối. Quê mùa, thiếu kiến thức, bà Vui hỏi bác sĩ: “Con tui điều trị đến bao giờ thì hết?”. “Bệnh này không hết được”. Điếng người, bà hỏi tiếp: “Vậy, đến khi nào con tui chết?”. Bác sĩ trấn an: “Gia đình ráng lo là có thể cầm cự, kéo dài sự sống cho con”. Không chịu nổi cú sốc giáng xuống đứa con bé bỏng, bà ngất lịm.
Mỗi tuần, Thuận phải chạy thận ba lần ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Ông Công phải thuê phòng trọ ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Tổng chi phí hàng tháng từ năm đến mười triệu đồng. Ông bà là nông dân, huê lợi chỉ đắp đổi qua ngày. Thuận có sáu anh, chị đều đã có gia đình, cuộc sống cũng chật vật nên chẳng phụ giúp được là bao. Vì con mắc bệnh “nhà giàu” nên ông bà phải tiền vay bạc hỏi. Bà hết đi làm cỏ, trồng mía, đặt mì, trút mủ cao su đến làm ở quán cà phê, gom góp từng đồng gửi lên. Vất vả, lo buồn, bà mắc nhiều bệnh: nang thận, viêm xoang, khớp, loét dạ dày, nhức đầu nhưng không dám điều trị. Mỗi khi mẹ xuống thăm, Thuận lại lấy sữa xin từ thiện ép mẹ uống bồi bổ. Túc trực bên con trai, ông Công cũng không nằm chờ tiền vợ gửi. Tranh thủ những ngày con không vào viện hoặc lúc con vào phòng chạy thận, ông chạy xe ôm hoặc ai thuê gì làm nấy. Chạy thận xong, uể oải, đuối lả, Thuận vịn tường lần từng bước ra lan can, nơi ba đã giăng võng sẵn, nằm chờ.
Để dành tiền đóng viện phí, suốt bảy năm qua, ông Công toàn xin cơm từ thiện. Con bệnh thận, phải ăn nhạt, kiêng nhiều thứ, hạn chế uống nước nên hễ con thèm ăn món gì không phạm quy, ông cũng cố chiều. Nhiều lần, giữa khuya con ói sạch ruột mà túi hết tiền, ông ôm con, vỗ về cho con dễ ngủ, quên đói. Sáng ra, ông tìm cách xoay xở, không có cuốc xe ôm nào thì mượn tạm tiền. Có khi, Thuận thèm thịt heo quay, nằng nặc đòi mua. Thoáng bực bội nhưng nghĩ lại “lỡ mai con mất rồi, mình có mua được bao nhiêu ký thì con cũng đâu còn để ăn. Lúc đó, mình sẽ hối hận”, ông lại cố.

Ngấp nghé cửa tử
Thuận và ba hiếm khi về quê vì không có tiền, lại ngại Thuận yếu sức. Lời hứa trở lại trường lớp của Thuận đã vợi xa, dù Thuận ham học, học giỏi. Một vài lần “về phép”, Thuận theo các bạn vào lớp học, ngồi làm bài kiểm tra như học sinh thực thụ. Ông Công ngồi chờ đón Thuận tan trường, nhìn áo trắng tung tăng mà buồn cho con, “phải chi nó đừng bệnh!”. Giờ lứa bạn ấy đã lên cấp III, Thuận thì dừng lại mãi ở lớp 5.
Một năm nay, Thuận chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (do đã quá tuổi thiếu nhi). Vì bệnh lâu ngày, vì tác dụng phụ của thuốc, Thuận ngày càng yếu hơn, đôi chân teo liệt, người nhẹ bẫng, lại sinh lãng tai. Ông Công suốt ngày phải dìu đỡ con tắm rửa, vệ sinh, bồng ẵm từ nhà trọ sang bệnh viện. May mắn, Thuận được một người tốt bụng cho mượn xe lăn. Ở nhà trọ, ông nấu ăn cho con theo lời khuyên của bác sĩ. Cứ vài giờ, ông Công lại phải đo huyết áp cho con. Khi cao, ông cho uống thuốc; khi thấp, ông pha nước trà đường. Những đêm Thuận than mệt, khó chịu, ông thức canh, sợ sơ suất vài phút là con sa vào cửa tử. Mấy lần, ông ẵm con chạy sấp ngửa sang bệnh viện cấp cứu. Ứng viện phí 300.000đ, ông thò tay vào túi moi ra mớ tiền lẻ chỉ vỏn vẹn 100.000đ, đành xin bác sĩ cho về. Ông nói lý do là phòng trọ chỉ cách bệnh viện vài chục bước chân, nếu bệnh diễn biến nặng sẽ đưa con sang. Nói là vậy nhưng ông biết đó có thể là khoảng cách sinh tử vì ông đã tận mắt chứng kiến nhiều người ở trọ chung nhà phát bệnh thình lình, người thân xốc đi cấp cứu ngay nhưng vẫn muộn. Có lần bà ở quê chạy mượn tiền mãi không được, ông cự bà rồi giận nhau. Túng quẫn, ông đội mưa, đi cầm xe. Xe loại rẻ lại cũ, ông đi mấy hiệu cầm đồ chẳng ai chịu cầm.
Nhiều lần thấy ba mẹ không còn khả năng kiếm tiền chạy thận, Thuận nói ba mẹ hãy chịu thua tử thần. Hồn nhiên, Thuận thiết kế cho “cuộc chết” của mình. “Ba mẹ cứ chở con về nhà, đưa con vô phòng rồi để mặc con trong đó…”.
Hằng ngày, từ quê, bà Vui gọi điện, nghe tiếng thở, nghe giọng nói của con để đoán sức khỏe. Tim bà thắt lại khi nghe Thuận thều thào: “Mẹ ơi, con khó chịu quá, chắc con gần chết rồi!”. Đành lòng nào để cái-ngày-rất-gần ấy thêm gần, bà không bỏ cuộc, lại lao đi kiếm tiền, mượn nợ. Hai mẫu đất trồng cao su mới thu hoạch, ông bà cũng đứt ruột bán giải nợ sau ba năm Thuận bệnh. Số nợ mới mấy năm đã cao ngút đầu. Nhiều chủ nợ đòi thưa kiện vì bà cứ hẹn lần lữa. Mấy lần Thuận về thăm nhà, dù nghe kém nhưng nhìn thái độ của khách, Thuận biết họ đến đòi nợ. Thuận cầm tay họ, năn nỉ: “Tại con bệnh, ba mẹ con mới khổ. Để từ từ ba mẹ con trả, cô đừng xài xể ba mẹ con tội nghiệp”. “Nó khôn như vậy, dễ thương như vậy, hỏi làm sao mà buông…?” - bà Vui nghẹn lời.
TÔ DIỆU HIỀN
Bài 8: Bóng chiều mẹ cậy nhờ ai