Châu Âu thiếu chuẩn bị để đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ hai

11/10/2020 - 09:38

PNO - Làn sóng thứ hai của COVID-19 tấn công châu Âu trước khi mùa cúm hàng năm bắt đầu ở châu lục này. Sự trở lại của đại dịch khiến cơ sở chăm sóc đặc biệt (ICU) của các bệnh viện lại chật cứng bệnh nhân và các quán bar phải đóng cửa. COVID-19 tiếp tục lây lan và tàn phá châu Âu.

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại ICU Bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh chụp ngày 9/10 - Ảnh: AP
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại ICU Bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh chụp ngày 9/10 - Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, tỷ lệ nhiễm virus hàng ngày cao kỷ lục ở một số quốc gia Đông Âu và Tây Âu đột ngột bị ảnh hưởng nặng nề trở lại cho thấy rằng châu Âu chưa bao giờ thực sự bẻ gãy biểu đồ COVID-19 như từng hy vọng sau một mùa xuân phong tỏa.

Tây Ban Nha trong tuần này đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Madrid trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa chính quyền địa phương và quốc gia về các biện pháp ngăn chặn virus. Đức đề nghị quân đội giúp truy vết lây nhiễm tại các điểm nóng mới bùng phát. Ý bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời và lần đầu tiên kể từ khi quốc gia này trở thành tâm chấn của đại dịch ở châu Âu, đưa ra cảnh báo rằng hệ thống y tế nước này đang đối mặt với “những vấn đề nghiêm trọng” khi các bệnh viện đã quá tải.

Bữa tiệc "Farewell Covid" (Chia tay COVID) của Cộng hòa Séc hồi tháng 6, khi hàng ngàn người dân Praha dùng bữa tối ngoài trời bên một chiếc bàn dài 500 mét ngang qua cầu Charles để ăn mừng chiến thắng virus COVID-19, là hành động “ngây thơ một cách đau đớn” khi hôm nay quốc gia này có tỷ lệ nhiễm virus trên đầu người cao nhất châu Âu: 398 ca nhiễm trên 100.000 dân. Bộ trưởng Nội vụ Séc, ông Jan Hamacek, trong tuần đã thừa nhận: “Tôi phải nói rõ rằng tình hình không ổn”.

Các nhà dịch tễ học và người dân đều cho rằng các chính phủ đã không nắm bắt được thời gian tạm lắng của đại dịch vào mùa hè để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tấn công dự kiến vào mùa thu, trong khi đó công tác xét nghiệm và nhân sự ICU vẫn còn thiếu trầm trọng. Ở Rome trong tuần này, mọi người phải xếp hàng đợi từ 8-10 tiếng để được xét nghiệm, trong khi các bác sĩ tuyến đầu suốt từ Kiev (Ukraine) đến Paris (Pháp) lại phải tăng ca để phục vụ tại các phòng bệnh đông nghẹt.

Margarita del Val, chuyên gia miễn dịch học virus của Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa, thuộc CSIC - cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha - than thở: “Khi tình trạng báo động được dỡ bỏ, sẽ đến lúc đầu tư vào việc phòng ngừa, nhưng điều đó vẫn chưa được thực hiện”.

Căng thẳng gia tăng ở các thành phố nơi các hạn chế mới được áp dụng trở lại. Hàng trăm nhân viên khách sạn Romania trong tuần này đã biểu tình phản đối khi Bucharest một lần nữa đóng cửa các nhà hàng, rạp hát và địa điểm khiêu vũ trong nhà tại thủ đô.

Khi tình trạng lây nhiễm gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu, một số nước - bao gồm Bỉ, Hà Lan, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Pháp - mỗi ngày chẩn đoán thêm nhiều ca bệnh mới hơn so với Mỹ (tính theo bình quân đầu người), theo dữ liệu trung bình bảy ngày của Đại học Johns Hopkins. Hôm 10/10, nước Pháp với dân số khoảng 70 triệu người, đã báo cáo con số kỷ lục là 20.300 ca nhiễm mới.

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ lây nhiễm cao của châu Âu phần lớn là do xét nghiệm mở rộng cho kết quả dương tính không có triệu chứng nhiều hơn so với đợt đầu tiên, khi chỉ người bệnh mới được xét nghiệm.

Tuy nhiên, xu hướng này vẫn đáng báo động, vì mùa cúm thậm chí còn chưa bắt đầu, các trường học mở cửa cho học tập trực tiếp và thời tiết lạnh giữ chân người châu Âu ở trong nhà, nơi virus có thể lây lan dễ dàng hơn.

Robb Butler, Giám đốc điều hành văn phòng khu vực châu Âu của WHO cho biết: “Chúng tôi chứng kiến 98.000 trường hợp được báo cáo trong 24 giờ qua, đó là một kỷ lục mới ở khu vực, rất đáng báo động”. Ông nhấn mạnh, số ca nhiễm tăng cao không chỉ do gia tăng xét nghiệm, mà “điều thực sự đáng lo ngại là sự hồi sinh của virus”.

Tiến sĩ Martin McKee, giáo sư y tế công cộng châu Âu tại Trường Vệ sinh và Nhiệt đới London (Anh), cho biết một vấn đề đáng lo ngại là nhiều quốc gia vẫn thiếu dụng cụ xét nghiệm, truy vết và điều trị để đối phó với đợt đại dịch thứ hai, khi đợt đầu tiên chưa bao giờ thực sự kết thúc.

WHO trong tuần này đã chuyển hướng từ việc đưa ra lời khuyên y tế chống sự lây nhiễm sang việc đưa ra lời khuyên tâm lý về cách thúc đẩy những người châu Âu mệt mỏi vì virus duy trì cảnh giác trong bối cảnh đại dịch – được gọi tên là “COVID mệt mỏi” - đang quét khắp lục địa.

Thanh Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI