Chạm đến ước mơ: Vân "Possible"

07/02/2017 - 16:14

PNO - Từ khi còn học phổ thông, Vân đã là một nữ sinh sôi nổi đến... kỳ quặc. Trong mọi cuộc tranh tài, Vân đều xuất hiện với một tinh thần sáng tạo hết mình.

Tôi đến khá sớm. Hàng ghế dành cho khán giả chỉ còn trống vài chỗ khuất sau chiếc cột cánh gà bên phải. Chương trình đang chuẩn bị bắt đầu. Trong ánh sáng lòa nhòa hắt xuống từ sân khấu, những ánh mắt hăm hở chờ đợi. Vài bạn giơ cao tấm giấy ghi “Vui quá!”, “Vui muốn chớt!”. Tôi thấy mình lắc lư giữa một đám đông người trẻ cũng đang thả lỏng theo tiếng nhạc hiệu quen thuộc.

Liveshow kỳ lạ

Dòng chữ “Chung kết cuộc thi Hoa hậu toàn dải ngân hà” hiện ra trên màn hình. Liveshow bắt đầu. Tiếng reo hò như vỡ ra từ hàng ghế khán giả. Vân xuất hiện trong tiếng cổ vũ cuồng nhiệt từ cánh gà bên trái. Sân khấu lúc này thuộc về Vân - không phải một ca sĩ, một diễn viên thần tượng. Trên mẩu giấy cổ động của khán giả, chỉ thấy những tên gọi khác nhau của “niềm vui”.

Cham den uoc mo: Van
Trở thành MC từng là giấc mơ "viển vông" của Vân

Đó là một liveshow kỳ lạ nhất tôi từng tham dự. Ngay trước giờ diễn ra chương trình, nhân vật chính - Vân Possible còn quay sang hỏi “đồng bọn”: “Bọn mình đang làm cái gì thế này? Bọn mình có điên không?”.

Cả nhóm phá lên cười. Một “cuộc thi hoa hậu” đã được Vân “tổ chức”, đóng... tất cả các vai, từ thí sinh cho đến MC với các ứng xử hài hước và sâu sắc qua hàng chục tập vlog giờ sắp sửa được... mang lên sân khấu dưới hình thức một đêm chung kết. Tất cả các “thí sinh” đều đã sẵn sàng trong... Vân.

Trên sân khấu, Vân lần lượt xuất hiện trong chừng ấy cái tên, chừng ấy phong cách: nghiêm túc như Nghiêm Thị Túc; thật thà, bộp chộp như Lê Thị Miền Western; chín chắn, dịu dàng như Dịu Thị Dàng Lắm, hoài nghi và hiếu thắng như Nguyễn Nghi Ngờ; đằm thắm, quê mùa như Trần Thị Mộng Quê Hương và phóng khoáng, thông minh như Kathy Hải Thị Ngoại.

Rõ mười mươi là Vân, nhưng mỗi “thí sinh” lại có một cộng đồng cổ động viên riêng biệt. Khán giả chia thành những nhóm fan, cuồng nhiệt vỗ tay cho “thần tượng” của mình, rồi rớt nước mắt vì những nhắn nhủ ý nhị trong lời chia sẻ của từng “thí sinh”. Tôi gọi đó là một liveshow kỳ lạ, bởi sức hút của nó không thuộc về nhan sắc. Sự cuốn hút kỳ lạ tỏa ra từ chính năng lượng và lòng nhiệt thành của cô gái 28 tuổi; của một cuộc chơi hoành tráng, “điên rồ” và sâu sắc; của một tuổi trẻ tráng lệ, kiên quyết khước từ sự nhàm chán, vô vị.

Khai mở tận cùng những giới hạn

Bằng một dòng kết nối nào đó qua những người bạn trẻ trên mạng xã hội, tôi biết đến Vân Possible - một cô gái sinh năm 1988, dành cả facebook cá nhân và một trang cộng đồng để truyền cảm hứng sống tích cực từ những việc làm nhỏ như đi xe đạp, ngưng xả rác, bảo vệ môi trường...

Hòa vào cộng đồng những “người theo dõi” (follower) trẻ trên fanpage Vân Possible một thời gian ngắn, tôi nhận ra ở Vân một “Chị Thỏ” quen thuộc trên Xone FM - VOV3, rồi một thủ lĩnh sinh viên tên Trần Thanh Vân mới ngày nào còn khuấy đảo cuồng nhiệt các phong trào ở trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, một MC tài duyên của các chương trình song ngữ, và một giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Nhưng, Vân Possible tôi được biết khi ấy lại là một... vlogger, tác giả của một loạt vlog hài hước, sâu sắc. Và khi cộng đồng người theo dõi đang bị thu hút bởi sự sôi nổi và những cuộc chơi tích cực Vân bày ra, cô lại bất ngờ trở thành một trí thức Việt hiếm hoi được trao học bổng cao học của chương trình Fulbright danh tiếng.

Tất cả đều là Trần Thanh Vân - cô gái trẻ luôn khai mở đến tận cùng những giới hạn của bản thân, để thể nghiệm và lan tỏa trong tinh thần hài hước mà quyết liệt - như cái biệt danh tự đặt: Vân Possible (Vân có thể), như là tuổi trẻ.

Từ khi còn học phổ thông, Vân đã là một nữ sinh sôi nổi đến... kỳ quặc. Học trường chuyên Lê Hồng Phong với áp lực kiến thức bậc nhất thành phố, tất cả bạn bè đều giỏi giang, chăm chỉ, cô lại nổi tiếng như một gương mặt của các hoạt động đoàn thể. Thời ấy, Vân là... “nữ hoàng đi thi”. Trong mọi cuộc tranh tài, Vân đều xuất hiện với một tinh thần sáng tạo hết mình. Lớp 10, tham gia cuộc thi thuyết trình về môi trường do Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM tổ chức, cô trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất lọt vào vòng trong.

Ở vòng chung kết, bất chấp những quy định thường tình ở mọi cuộc thi thuyết trình, Vân lặng lẽ lên ý tưởng, quyết định thay đồng phục của cuộc thi bằng một bộ áo san hô tự may từ vải vụn; thay bài thuyết trình bằng câu chuyện tự kể của một “nữ hoàng san hô” về những biến cố trong “vương quốc” của mình. Lần ấy, Vân tạo được sự xúc động mạnh mẽ bằng cách mang những diễn biến lặng lẽ mà đầy báo động của môi trường vào một câu chuyện cảm động. Cô lọt vào top 10.

Vào đại học, tham gia vào CLB IR News của Khoa Quan hệ quốc tế khi các thành viên đã có phần xao nhãng, Vân “hoạt náo” lại tinh thần kết nối, lan tỏa của CLB bằng những dự án tưởng chừng như... không tưởng. Vân trực tiếp đến gõ cửa, thuyết phục bà Tôn Nữ Thị Ninh, NSƯT Thành Lộc, rồi cả CEO của các thương hiệu Việt nổi tiếng đến trò chuyện, truyền cảm hứng và cả kinh nghiệm sống quý giá cho sinh viên. Trong khi các bạn cắm cúi học hành, rồi tan trường lại vội vã trở về phòng đọc truyện, hoặc lê la cà phê, trà sữa, thì Vân... lăn xả vào mọi hoạt động xã hội. Làm chủ nhiệm CLB, làm cán bộ đoàn, làm MC cho các chương trình song ngữ ở trường; rồi tất bật với vai trò tình nguyện viên của những dự án cộng đồng…

Như đã bén duyên với lĩnh vực môi trường, năm 2009, khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất, từ ấn tượng về “nữ hoàng san hô” trong cuộc thi mấy năm trước, trưởng ban tổ chức chiến dịch là bà Hoàng Minh Hồng mời Vân làm thủ lĩnh tình nguyện viên toàn quốc, điều phối hoạt động của hàng ngàn bạn trẻ khắp cả nước.

Suốt ba tháng trời, Vân cùng cộng sự đi khắp các trường đại học, doanh nghiệp để kêu gọi, in brochure phát miễn phí. Chương trình thành công, nhưng Vân... kiệt sức. Thời điểm ấy, cũng như suốt một thời sinh viên “chơi hết mình”, Vân thường phải đối mặt với những ái ngại, khuyên can của bạn bè.

Có lúc, Vân bị phụ huynh của các bạn… ngần ngại, cấm con chơi cùng, vì sợ bị... “lây” cái “loi nhoi hoạt động” của Vân rồi không lo học. Hoạt động xã hội trong giới sinh viên vẫn thường được đặt lên bàn cân với nhiệm vụ học tập, Vân vẫn hay được hỏi “hoạt động nhiều để làm gì? Sao không tập trung cho việc học?”. Vân đã chọn cả hai. Suốt thời sinh viên, cô luôn nằm trong top những sinh viên có kết quả học tập tốt.

Những cái - tên - khác

Câu hỏi “tại sao?” cũng vang lên từ bên dưới. Sau tất cả những “miếng hài” vui nhộn và đầy dụng ý của Vân, một khán giả thắc mắc: “Chị có bao giờ tự hỏi, tại sao mình có thể hài hước, sâu sắc và đầy năng lượng như thế?”. Khựng lại vài giây, Vân ngượng ngập: “Mình nghĩ, những “người sâu sắc là người có nhiều trải nghiệm. Ngày bé, mẹ mình hay đi làm xa, còn lại một mình, mình đã phải sống khép nép, ý tứ rất nhiều nên dần hình thành thói quen quan sát, thích nghi và ý thức độc lập”. Cả khán phòng vừa mới sôi nổi chợt tắt lịm.

Năng lượng được giải phóng ở mọi phương diện nơi Vân, được sinh ra từ một khát khao đã từng len lén thời ấu thơ, rồi được lặng lẽ nuôi nấng cho đến khi bùng nổ. Sống trong một gia đình neo người, mỗi lần mẹ đi vắng, Vân chỉ còn một mình, tự lo liệu hết mọi sinh hoạt, ứng xử. Trong một nhóm bạn cùng lên sân khấu, Vân không bao giờ được xếp đứng trước, hay giữ vai trò lĩnh xướng.

Vân học giỏi. Nhưng đối diện với những bài tập khó, những câu hỏi cắc cớ của một đứa trẻ ham học hỏi, Vân chỉ có một mình. Mẹ quá vất vả, bận bịu. Chuyện học thêm ngoài giờ cũng nằm ngoài khả năng. Ra đường, lên lớp; quan sát thái độ của người lớn, Vân tự lý giải rằng mình “không thuộc chuẩn dễ thương, bắt mắt như các bạn”.

Cham den uoc mo: Van
Vân và mẹ

“Đã vậy, mình còn mơ làm MC, mơ được đi du học, mơ vươn ra thế giới” - Vân nói, giọng hài hước pha chút ngậm ngùi. Trong suy nghĩ non nớt ngày ấy, Vân đã bao lần mong mình khác đi - dễ thương hơn, đủ đầy hơn. Rồi, giữa ước muốn viển vông ấy, cô chọn cách sống “có ích hơn”. Năm lớp 11, Vân được nhận học bổng với 70% chi phí du học Mỹ. Chuyện như một giấc mơ. Cũng được nhận học bổng như Vân, một vài học sinh xuất sắc của trường THPT Lê Hồng Phong năm ấy hồ hởi lên đường, nhưng Vân quyết định... từ bỏ. 30% phần chi phí còn lại là quá nặng nề so với hoàn cảnh của mẹ con Vân.

Nhưng rồi chuyện “vươn ra thế giới” cũng đã bao lần thành hiện thực. Năm 2008, Vân là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tàu “Semester At Sea” để giao lưu văn hóa cùng 800 học sinh Hoa Kỳ. Năm 2009, cô đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh thanh niên Đông Nam Á 2009 tại Thái Lan. Năm 2013, cô là một trong ba đại diện thanh niên Việt Nam tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới tại Trung Quốc, đại diện Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2015, Vân là một trong 10 đại diện châu Á được Quỹ khoa học quản lý Nhật Bản - Hoa Kỳ cấp học bổng Lãnh đạo về đổi mới và quản trị tri thức, học tại bốn quốc gia: Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan.

Bây giờ, cô gái đang sửa soạn để sang Mỹ học cao học về truyền thông theo chương trình học bổng Fulbright vẫn lặng lẽ làm, chỉnh sửa video hàng đêm để ra mắt vlog mỗi tuần, hồn nhiên chia sẻ bao câu chuyện hài hước, bao diễn xuất công phu - chỉ để truyền đạt duy nhất một thông điệp: “Hãy ước mơ và sống tích cực để chạm đến ước mơ”.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI