Cha mẹ muốn con chăm chỉ học hành đâu sai!

03/04/2022 - 09:31

PNO - Tôi vẫn luôn biết ơn vì từ nhỏ cha mẹ sớm định hướng tôi học hành chăm chỉ. Đó là con đường thoát khỏi những nhọc nhằn.

Câu chuyện cậu học sinh lớp 10 tự tử vì áp lực học hành khiến không ít người bàng hoàng. Rất nhiều người trách móc, chỉ trích cha mẹ em. Tôi tin rằng không cha mẹ nào không thương con. Trong suy nghĩ của không ít phụ huynh, học tập là con đường tốt nhất để con em có tương lai tốt đẹp hơn.

Tôi nghĩ việc này không sai, nhưng hậu quả đau lòng để lại xuất phát từ cách thực hiện chưa đúng mà thôi. 

Nhiều ý kiến bình luận, chia sẻ về vụ việc nam sinh tự tử khiến dư luận rúng động
Nhiều ý kiến bình luận, chia sẻ về vụ việc nam sinh tự tử khiến dư luận rúng động

Cha tôi làm nông, cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Còn mẹ tôi, giữ xe cho khách đi chợ tại khu chợ nhỏ của thị trấn. Hơn ai hết, cha mẹ tôi hiểu hết những nhọc nhằn của 2 việc này. Làm nông, được mùa mất giá, được giá mất mùa… cứ liên tiếp diễn ra. Cuộc sống phụ thuộc vào "ơn trời mưa nắng phải thì".

Mẹ tôi cũng ròng rã mấy mươi năm phơi mình giữa cái không khí đặc quánh bụi bặm, mùi hôi của chợ búa. Nhưng có lẽ chua xót nhất chính là những ánh mắt dè dỉu, khinh khi từ những người "tầng trên" của xã hội. Cha mẹ tôi không phải người học thấp. Họ từng làm công nhân viên chức nhà nước, nhưng đồng lương ít ỏi, buộc phải chọn hướng đi khác, mà tôi tin chắc rằng cả hai đều không mong muốn. Dĩ nhiên, ông bà đều không mong những nhọc nhằn của đời họ lại viết tiếp trên cuộc đời của những đứa con.

Quê tôi hơn 20 năm về trước nghèo xơ xác. Không nhiều gia đình cho con được đi học đến nơi đến chốn. Phần nhiều nghỉ ngang. Con gái đi lấy chồng sớm, bán buôn ngoài chợ hay đi ở đợ. Thanh niên trai tráng thì cuốc đất, vét mương, làm thợ hồ… Một số lại chọn Sài Gòn để gửi gắm tương lai. Họ đi làm phục vụ quán nhậu, quán ăn, hay làm công nhân.

Bà Út - dì họ của cha tôi có một phân xưởng dệt, nhuộm vải. Một lần, cha thấy cả nhóm công nhân bị chủ xưởng chửi bới, mắng nhiếc vì làm không tốt, trong đó có cả những người quen từ vùng quê nghèo của chúng tôi. Đó cũng là lúc ông kiên quyết dạy bảo anh em tôi học để làm những nghề tốt hơn.

Không học hành tốt, nhiều thanh niên quê tôi thuở đó phải đi làm ruộng, làm thuê các việc như: cuốc đất, vét mương...
Không học hành tốt, nhiều thanh niên quê tôi thuở đó phải đi làm ruộng, làm thuê các việc như: cuốc đất, vét mương... (Ảnh minh hoạ)

Cũng vì thế, cha tôi cho anh Hai học chữ sớm. Cách đây ngót hơn 30 năm nhưng cha mẹ tôi có cách dạy con khá tiến bộ. 3 anh em chúng tôi chỉ được đưa đến trường ngày đầu, sau đó phải tự đi học, tự về nhà. Bài vở cha mẹ để chúng tôi tự học, ôn luyện. Con chữ, bài toán nào khó, ông bà mới nhúng tay vào hỗ trợ. Mỗi tuần, cha mẹ tôi sẽ kiểm tập vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, trước khi bắt đầu tuần học mới. Đến khi anh em tôi bước vào lớp 4, lớp 5, cha mẹ hầu như để chúng tôi tự lo liệu. Có lẽ, phần vì anh em tôi sớm có ý thức tốt cho việc học. 

Tôi chỉ nhớ cha hay kể chuyện về những kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo… thành công, được xã hội trọng vọng. Rất tự nhiên, những hình ảnh ấy bước vào cuộc sống của chúng tôi, như hạt mầm, bắt đầu sinh sôi, nảy nở. Vì chú trọng việc học nên cha tôi phản đối gay gắt chuyện ham chơi bỏ học, trốn học, không nghe lời thầy cô, không chép bài, không thuộc bài, không làm bài tập… Tôi nhớ, có lần anh trai và chị gái tôi trốn học đi chơi, cha tôi bắt được, đánh liền tù tì chục roi, khiến mãi sau này không ai dám tái phạm. 

Trong hành trình dài mấy mươi năm dạy con, có một điều thú vị là cha mẹ tôi rất mong con học thật giỏi nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Họ thường hay chỉ về những tấm gương học tập trên sóng truyền hình. Thuở đó phổ biến nhất là trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Chính những điều hết sức tự nhiên, nhẹ nhàng đó nung nấu trong tôi ý chí học tập, phấn đấu. Bởi lẽ, tôi cũng muốn tương lai, cuộc đời mình sẽ được như thế. Đó là sự tự thân vận động bên trong, chứ không có bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài. Cha mẹ tôi cũng vui vẻ chấp nhận, khi anh tôi chỉ học ở mức trung bình khá.

Anh em chúng tôi sớm được định hướng phải học tập chăm chỉ
Anh em chúng tôi sớm được định hướng phải học tập chăm chỉ (ảnh minh họa)

Chưa bao giờ có chuyện cha mẹ ngồi canh chừng tôi học bài. Cũng không bao giờ cha mẹ ép tôi phải đi học thêm nếu việc đó tôi thấy không cần thiết… Sau 10g, nếu thấy tôi chưa đi ngủ vì còn bận bài vở, cha mẹ tôi luôn khuyên đi ngủ sớm. Thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, thi đầu vào đại học, áp lực bủa vây, cha tôi lại khuyên giãn việc học ra, để đầu óc thoải mái. Cũng nhờ thế, tôi bớt căng thẳng. 

Càng lớn, tôi càng ý thức rõ giá trị của việc học hành chăm chỉ, mang lại thành tích tốt. Việc này không chỉ có ý nghĩa với riêng tôi, mà còn với cả gia đình tôi. Tôi theo học lớp đầu khối, vì thế phụ huynh phần lớn đều là công nhân viên chức, làm kinh doanh… Cha mẹ tôi, những người lao động chân tay, không vì thế tự ti, hay e dè, bởi lẽ thành quả học tập của tôi đã làm thay đổi tất cả. 

Mỗi nhà mỗi cảnh. Vì thế, tôi không phản đối những ý kiến rằng không cần học quá giỏi, chỉ cần lên lớp là được. Bởi lẽ, tôi nghĩ sống trước tiên phải vui, hạnh phúc. Và thước đo hạnh phúc với mỗi người là hoàn toàn khác nhau.

Riêng tôi, vẫn luôn biết ơn vì ngày đó cha mẹ sớm định hướng tôi học hành tốt. Hiện, tôi chưa thể gọi bản thân đã thành công, nhưng có cuộc sống tương đối ổn định. Hành trang để có cuộc sống hiện tại không thể thiếu con đường học tập vốn đã được nung nấu từ sớm bởi cha mẹ tôi.

Hà Anh (TP Thủ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI