Có nên ngồi cạnh khi con học?

02/04/2022 - 09:36

PNO - Trong vụ việc thương tâm của em học sinh nhảy lầu tự tử ở Hà Nội, có hình ảnh người cha ngồi cùng khi em học bài lúc 3 giờ sáng... Chuyện tương tự không bao giờ có ở nhà tôi, vì tôi cho rằng việc học là của con. Cha mẹ không "học phụ", cũng không được ngồi kè kè như "cai ngục".

Khi đi họp phụ huynh, tôi từng bị người ta giận vì đứng lên phản đối chuyện ngồi kè kè bên con, cùng con học bài. Những người kể ra chuyện kèm con học ở nhà thường rất tự hào về điều đó. Giáo viên rất khen ngợi chuyện đó.

Cha mẹ ép quá mức, sẽ phản tác dụng
Trong mọi chuyện, cha mẹ ép quá mức, sẽ phản tác dụng (Ảnh minh họa)

Kết bạn với nhiều phụ huynh của 2 đứa con (một đang học lớp 10 - bằng tuổi nam sinh vừa nhảy lầu tự tử ở Hà Nội và một lớp 2), tôi thấy có hai mẫu cha mẹ cơ bản: "cha mẹ cai ngục" và "cha mẹ thả nổi".

Tôi sẽ nói về mẫu "cai ngục" tiêu biểu, đó là những người mẹ ông bố thích kèm chặt con. Càng chặt càng tốt - theo họ - vì thả ra là chúng hư hỏng, chúng chơi game, chúng chat chit.

Hai con tôi, một bé học tích hợp tiếng Anh, một bé học song ngữ tiếng Pháp, tức là học thêm một chương trình của nước ngoài khá nặng, lớp các con học thường được xem là lớp đầu khối.

Ngay đầu vào lớp 1, các con song ngữ Pháp đã qua kỳ thi đánh giá IQ. Với lớp tích hợp tiếng Anh, mỗi năm học sinh nào không theo được chương trình, nhà trường sẽ chuyển sang lớp bình thường. Tức để theo các lớp như vậy, trẻ đều có trí óc, ý thức tốt trên lớp, kết quả học hành không tệ.

Vậy, tại sao khi các con đã có thể học lớp đầu khối, mà ở nhà cha mẹ không để con tự giác học hành? 

Có một nữ phụ huynh làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, công việc trong ngày cực kỳ bận rộn và căng thẳng, nhưng cô cho biết, suốt bao năm, cứ tối tối ăn cơm xong là hai mẹ con cùng ngồi học.

Trước mỗi kỳ thi, cậu bé T. không ăn không ngủ được vì "áp lực toàn 10". Chỉ cần nhận điểm 9, T. đã khóc nức nở tại lớp. Nay là học sinh cấp III một trường chuyên hàng đầu TPHCM, khi điểm không như ý (tức là 8 - 9 điểm) chàng trai cao gần mét tám sẽ "khóc" kiểu khác: vò đầu bứt tóc, tức giận, stress, không nói chuyện với ai... 

Đi họp phụ huynh, có lần mẹ T. than với tôi:

- Con em trước kỳ thi sụt 2kg rồi. Nó gầy quá, hệt thằng nghiện, xót quá chị ơi.

Tôi chia sẻ với nữ phụ huynh và hỏi:

- Có phải do em và ba bé tạo áp lực không?

- Chúng em có ép đâu! Em bắt con đi ngủ sớm. Cái thằng này nó thế. Nó sẵn tính hay lo lắng, lại không chịu thua ai, cũng không chịu thua chính mình.

- Có khi nào do từ nhỏ em đã đưa ra mục tiêu học hành, em đã kèm con chặt quá? Hay bây giờ em "nói lại" đi, mẹ không cần điểm 10, không cần con không cần học giỏi...

- Em nói hoài mà nó không nghe chị ơi.

- Vậy, có thể cách nói của em vẫn mâu thuẫn với mục tiêu và kỳ vọng của gia đình...

Áp lực do bài vở, thầy cô, trường lớp đã quá nặng nề. Thêm một bà mẹ khắc nghiệt nữa là trẻ không chịu nổi (Ảnh minh họa
Áp lực do bài vở, thầy cô, trường lớp đã quá nặng nề, thêm một bà mẹ khắc nghiệt kè kè bên cạnh nữa là trẻ không chịu nổi (Ảnh minh họa)

Có thể nhiều bà mẹ ông bố phản đối tôi khi đọc bài này. Tôi từng nghe: "Con em mà không ngồi kè là nó không học, nó chạy lung tung, nó lo ra...", "Con chị khác con em. Con em mà không hò hét chửi bới là không học"....

Năm ngoái, con tôi trai tôi học lớp 9, đại gia đình tôi gây nhiều áp lực trước kỳ thi vào cấp III, vì ai cũng muốn cháu đậu vào trường chuyên. Tôi thì không hề dao động, vì tôi nghĩ con có thể học "trường làng", thậm chí trường nghề cũng có sao!

Tôi nói với con: "Trong trường hợp tệ nhất, con rớt trường công, phải ra học trường tư, thì mẹ sẽ tính. Có ba năm cấp III thôi mà. Bác V. ở cơ quan mẹ còn bán nhà đầu tư học hành cho các chị, thì mẹ làm được. Đừng quá căng!".

"Làm gì mà căng" là câu thường gặp ở nhà tôi. Khi các con còn cấp I, qua 10 giờ đêm mà con tôi còn vật lộn với mớ bài và chưa đi ngủ, ba cháu sẽ bắt đi ngủ, "để mai tính, đảm bảo sức khoẻ đã". Có lần cháu khóc, năn nỉ ba được thức thêm để làm bài cho xong.

Tôi cũng "xin" chồng: "Thôi cho con hôm nay đi ngủ trễ, nếu con lo  lắng cũng không thể nhắm mắt ngủ được". "Nhưng ngày mai con phải cam kết sẽ làm bài nhanh gọn hơn nhé", tôi yêu cầu con như vậy.

Có lần tôi còn cùng nhóm phụ huynh gửi lên trường ý kiến về việc giáo viên bộ môn giao bài quá nhiều, vì trong lớp có những bé gái tuổi dậy thì chỉ được ngủ sau 1,2 giờ sáng để hoàn thành bài vở. 

Bạn thấy tôi viết như trên, có thể nhận xét: "Lý thuyết quá! Làm gì có nhà nào giống nhà nào, đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào!". Nhưng tôi thì nghĩ, mình đã sinh con ra, thì cố hiểu con để lựa theo khả năng, tính cách, tâm lý, hoàn cảnh... mà áp dụng cách nuôi dạy nào cho hợp lý và hiệu quả.

Là người làm công việc tổ chức, sản xuất mảng sách thiếu nhi và sách làm cha mẹ suốt 10 năm trời, trong tôi hình như có sẵn "một bồ lý thuyết" lẫn tinh thần "bảo vệ quyền vui chơi của tuổi thơ". Điều ấy khiến các bạn, các chị có con trước tôi hay cười cợt: "Cô chỉ giỏi lý thuyết thôi. Đẻ con ra rồi biết!"

Khi tôi sinh ra 2 đứa con, tôi kiên trì theo lý thuyết của mình (thật ra là kinh nghiệm đúc kết của hàng triệu ông bố bà mẹ, được các nhà tâm lý học, xã hội học tổng hợp  lại..., chứ đâu phải lý thuyết của tôi).

Tôi muốn con tôi học hành với tâm lý thoải mái, vui vẻ. Thỉnh thoảng, khi các con ham chơi, bê trễ bài vở, tôi và chồng thống nhất chỉ nhắc các con về nhiệm vụ, trách nhiệm học hành, chứ không ép, không la mắng; đặc biệt không quy về đạo đức, nhân cách... vì tôi cho rằng việc ấy phản tác dụng.

Tôi nói rõ: "Việc học là của con, không phải của mẹ. Con thiếu bài thì con không hoàn thành nhiệm vụ. Con phải giải trình với thầy cô. Thế thôi". 

Thực lòng, tôi quan tâm và tập trung hơn cho các thứ khác: thái độ của con khi tôi đón từ cổng trường, cách con trả lời câu hỏi "Hôm nay con đi học vui không", "Nay ở trường có sự kiện gì không, kể mẹ nghe với"... Tôi chú trọng nhắc con vận động, giải trí, tập thể thao, giao lưu với bạn...

Buổi tối, tôi và chồng không lượn vè vè phía sau khi con ngồi học, vì tôi biết các con rất ghét điều ấy, nó rất áp lực. Thử hình dung đi, khi bạn làm gì đấy, mà có một "cai ngục" soi mói, thi thoảng lể kể, trách móc hoặc la lối... bạn có thể làm tốt việc của mình không? Chắc chắn là không rồi!

Tuy vậy, trong tầm bao quát của mình, tôi vẫn quan sát được giờ các con ngồi vào bàn, bàn học có gọn gàng không, đèn bàn có đủ sáng, lưng con có thẳng... Thái độ học hành, tác phong học hành - theo tôi quan trọng hơn kết quả. Mà thực ra thì, khi thái độ học hành và tác phong học hành ổn, kết quả cũng ổn theo mà thôi!

Thu Minh (Tân Phú, TPHCM)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI