Học sinh của tôi trầm cảm vì sức ép từ cha mẹ

02/04/2022 - 15:29

PNO - Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng cách ứng xử của cha mẹ vô tình tạo áp lực cho con, khiến chúng nghi ngờ tình yêu thương đó.

Vụ việc nam sinh trường chuyên nhảy lầu tự tử trước mặt bố một lần nữa nhắc nhở phụ huynh về cách thức quan tâm, chăm sóc con cái.

Trong suốt những năm làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chứng kiến nhiều trường hợp cha mẹ tạo áp lực nặng nề cho con, nhưng họ không hề biết điều ấy.

Có nhiều hành động lời nói gây áp lực cho con mà ba mẹ không hề nhận ra. Ảnh minh họa
Có nhiều hành động lời nói gây áp lực cho con mà ba mẹ không hề nhận ra (Ảnh minh họa)

Nhìn chung, đây là những người rất quan tâm đến việc học hành của con, chỉ là không đúng cách. Họ định hướng con đi theo mục tiêu của mình mà không hề quan tâm đến sở thích, nhu cầu, ước mơ của con. Năm cuối cấp, việc chọn ngành, chọn nghề cũng gây nhiều xung đột giữa phụ huynh và học sinh.

Rất nhiều em có năng khiếu ca hát, muốn theo đuổi con đường âm nhạc, nhưng ba mẹ buộc phải theo ngành kinh tế để có tương lai ổn định. Một học trò cũ của tôi sau một thời gian điều trị trầm cảm, ba mẹ mới đồng ý cho em từ bỏ công việc ở một ngân hàng lớn để học nghề nấu ăn. Em tâm sự, suốt những năm đi học ở trường đại học tài chính và đi làm đúng nghề được đào tạo, em thấy cuộc đời thật vô nghĩa.

Hàng ngày phải đối diện với những dãy số, em thấy thật kinh khủng. Cố gắng mãi em mới tốt nghiệp, được gia đình lo cho việc làm. Đến khi em làm nhầm lẫn chứng từ bị thất thoát tiền, rơi vào trầm cảm vì áp lực công việc. Tận khi em chia sẻ căn bệnh trầm cảm, cha mẹ mới thôi ngăn cấm em từ bỏ hết để làm lại từ đầu.

Nếu không vì sự ngăn cản đó, em đã không mất nhiều thời gian để tìm được hướng đi đúng cho mình. Giờ em thấy vui vẻ với công việc đầu bếp ở khách sạn, dự định sẽ mở một tiệm bánh của mình.

Cha mẹ học sinh khi trao đổi với tôi, các anh chị thường quan chỉ tâm đến thành tích, điểm số chứ ít quan tâm đến cảm xúc của con trẻ. Hiếm khi tôi nghe các câu hỏi hay thông tin liên quan tới niềm vui - nỗi buồn - sự bất an của con trên lớp.

Nhiều học sinh tâm sự, điều các em ghét nhất là bị so sánh với người khác nhưng ba mẹ luôn vô tình hoặc “cố tình” làm thế. Những tấm gương “con nhà người ta” được nhắc đến trong các bữa ăn gia đình làm con nuốt cơm không nổi. Dần dần con thấy khó chịu áp lực, không muốn tâm sự hay trò chuyện với ba mẹ nữa.

Sự so sánh không phù hợp có thể hủy hoại ý chí niềm tin và cả tương lai của một đứa trẻ. Tôi từng giật mình khi nghe một học sinh nam tâm sự: “Em không hiểu sao, ba mẹ không được như ba mẹ người khác". Hoá ra, chỉ là cha mẹ em cứ muốn em phải bằng người anh, người em trong dòng họ.

Thật sự so sánh không làm cho đứa trẻ giỏi hơn mà chỉ nhen nhóm lòng ghen ghét, đố kị của nó nhiều hơn mà thôi. Khi giảng dạy, tôi rất cố gắng tránh việc so sánh học sinh này với học sinh kia, đơn giản vì mỗi em có một sở trường, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau nên tất cả mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng.

Tôi nhớ, cách đây hai năm, một cô bé học trò lớp tôi chủ nhiệm có ý định tự tử nhưng may sao được bạn bè phát hiện khuyên răn. Khi gặp phụ huynh để trao đổi, người mẹ vẫn một mực khẳng định “Chị không hề ép con điều gì”, “Ở nhà con muốn gì được nấy, được tạo điều kiện thoải mái hết mức để học hành”…

Nhưng chị không biết rằng, mỗi ngày thường lặp đi lặp lại câu nói với con: “Mẹ đã từ bỏ nhiều thứ để lo cho con, con phải học thật giỏi” đã vô tình đặt lên con một gánh nặng. Vợ chồng chị ly hôn nhiều năm, chị không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con gái.

Con chị thương mẹ, cố gắng học hành, nhưng kết quả không như mong muốn, khiến em thấy mình vô dụng, có cảm giác tội lỗi, muốn giải thoát khỏi bế tắc. Khi biết được lý do con muốn chết, chị đã khóc vì cứ nghĩ câu nói kia là động viên con cố gắng.

Áp lực con trẻ gánh trên vai
Áp lực con trẻ gánh trên vai rất kinh khủng nếu không có cách giải tỏa kịp thời sẽ dẫn đến hành động dại dột (Ảnh minh họa)

Nhiều người bao biện: Cuộc sống ai chẳng áp lực, sau này trưởng thành đi làm ra xã hội còn kinh khủng hơn so với đi học. Nhưng mấy ai thấu hiểu, áp lực xã hội còn dễ chịu hơn áp lực từ người thân. Vì khi gặp chuyện ở ngoài, còn có gia đình để trở về, để nương tựa, còn áp lực từ chính gia đình mình thì chẳng có chỗ nào mà bấu víu.

Cha mẹ nào cũng thương con, muốn con có cuộc sống tốt; bản thân mỗi đứa con cũng luôn muốn mình tốt nhất để không phụ lòng cha mẹ, nhưng nhiều cách ứng xử của ba mẹ đã vô tình tạo áp lực cho con khiến chúng nghi ngờ về tình yêu của ba mẹ.

Đừng bao giờ coi vấn đề của con trẻ là nhỏ nhặt, nhất là về cảm xúc, tâm trạng. Nếu bất chợt nghe tiếng thở dài của con, mong cha mẹ hãy hỏi han, đi tận cùng để biết được nguyên nhân, đừng thờ ơ bỏ qua vì nghĩ đó chỉ là chuyện vặt.

Minh Vy (Giáo viên THPT tại Q12, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI