Cái lý của người già

14/05/2020 - 09:53

PNO - Về quê sống vài tháng, “cãi nhau” với má vài tăng thì tôi ngộ ra cái lý của người già mà những người chưa già như tôi chẳng thể nào hiểu được.

Hai má con thường cự nự chuyện má cứ xách giỏ đi chợ, dù về là biết bị ca bài ca quen thuộc: “Trời ơi, con đã dặn má đừng đi chợ nữa, vì má nằm trong nhóm nếu nhiễm COVID-19 thì nguy hiểm lắm, đợi khi nào hết dịch mới được đi”.

Lần nào má cũng cười hề hề: “Cơ bản là tụi bây phải sống chứ má tám mươi rồi chết sống quan trọng gì đâu. Mà yên tâm, lần nào má đi chợ cũng bịt khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn kỹ lưỡng lắm”.

“Trời, má nói chuyện giỡn chơi, chuyện sống của má sao không quan trọng được, bộ định để con cháu mồ côi à?”, mình càu nhàu mà không cách nào giận được vì má muốn các con ở nhà cho an toàn, và cũng nhớ chợ nữa. Tuổi má đi chợ hỏi han nhau vài câu là niềm vui. Hôm có chỉ thị giãn cách xã hội, má gọi thêm 20kg gạo, ra chợ mua nào cá thịt, nào rau mắm. Con gái gào lên: “Trời ơi, kiểu gì chẳng đủ ăn, má mua chi nhiều dữ”. 

Má lại cười hề hề: “Tại tụi bây không biết thôi, chứ sống qua chiến tranh loạn lạc rồi dịch bệnh các loại má biết, khi hữu sự, một chút mắm muối cũng không có mà ăn”. Cũng vì sống qua nhiều biến cố mà hình thành thói quen của má, hễ thấy mắm muối, đường, bột ngọt, gạo thóc còn một nửa là lo đi mua, khác với mình, hết sạch chai vẫn tỉnh bơ, xách xe chạy ra chợ hay siêu thị chưa được năm phút là có xài.

Vài ngày sau, bạn mình kể trên Facebook rằng chung cư nhà bạn bị cách ly 14 ngày vì có người nhiễm COVID-19 đột ngột và nhanh chóng nên trở tay không kịp. Nhà vừa hết đồ ăn, cũng may là bạn bè ở ngoài viện trợ vào. Lúc đó, bạn mới thấy má đúng. Má bạn tám mươi và cũng là người luôn trữ gạo, mắm, muối, đường, dầu ăn trong nhà. Ôi, thương làm sao thói quen của những bà già đã đi qua biết bao biến cố trong đời! 

Đây là lần ở quê lâu nhất trong hai mươi năm qua nên mình có dịp nhìn thật kỹ căn nhà của má. Nhà đã được sửa lại khang trang nhưng vẫn còn vô số thứ cũ kỹ. Ban đầu, mấy anh em mình bàn với má dở bỏ, xây nhà mới trên miếng đất ấy, nhưng má nhất định chỉ sơn lại, lợp mái, chạy lại điện nước, không làm thêm bất cứ thứ gì nữa. Được thôi, nhà má thì má có quyền. Vậy là mấy đứa cháu vỡ mộng nhà ngoại “lên lầu” có thêm một số phòng riêng để tết nhất, giỗ kỵ về ở cho đã.

Sợ má tiếc tiền, mấy đứa con mỗi đứa một tiếng động viên: “Không sao đâu má, tụi con thong thả tiền xây lại nhà”, nhưng má nhẹ giọng: “Ba bây ở nhà này hơn 30 năm rồi, đập hết xây lại thì không còn chút kỷ niệm nào của ổng nữa, tội nghiệp”. 

Ba mất bốn năm, má không muốn căn nhà trở nên xa lạ với người quá cố. Mình dọn dẹp nhà mỗi ngày, thấy đồ này đồ kia cũ ơi là cũ nên thường “ủ mưu” đem quăng. Má biết tính mình hay bỏ đồ cũ, nhất là đồ cũ không cần thiết nên lần nào mình dọn nhà má cũng đứng xớ rớ canh. Cái bình thủy màu vàng cũ mèm lại mất nắp, mình nói má thôi bỏ đi, mua cái mới cho đẹp, má cản: “Bậy, bình thủy này mua hồi má đẻ anh Sơn mày, còn xài ngon tới giờ à, đựng nước nóng đến gần hai ngày chớ giỡn”.

Nhà có cái quả tròn màu xanh, hồi xưa ba má hay đựng giấy tờ quan trọng, mấy chục năm nay giấy tờ đã cất trong tủ khóa lại, cái quả xanh gần như không cần dùng tới. Mình nói dẹp đi cho rộng tủ, má cầm lên nhìn ngắm: “Cái này má mua hồi đẻ anh ba Hải mày nè, thấy nhựa hồi đó tốt ghê chưa, xài đến giờ còn mới nguyên, đồ bây giờ mua vài năm là gãy bể liền”. “Hồi má đẻ anh Sơn” là đã 42 năm, “hồi má đẻ anh Hải” cách đây 52 năm, qua hai lần dọn nhà không bao giờ má quên đem theo.

Mỗi món đồ má mua đều là kỷ niệm, nhất là kỷ niệm ấy đánh dấu những khoảnh khắc chuẩn bị cho con trẻ chào đời. Má bỏ sao đành. Hơn nữa, thời đó khó khăn, không nhiều hàng tiêu dùng, mỗi món đồ má mua được đều phải dành dụm rồi chờ đợi mới có đồ ưng ý mà mua, nên cầm được món đồ mới trên tay có nhiều cảm xúc lắm. 

Lúc xưa, 18 tuổi xa nhà đi học có kịp hiểu được suy tư của má, bình thường cũng chỉ tạt về nhà vài bữa rồi đi, nay có dịp ở lâu mới hiểu má hơn. Bèn hỏi, thanh xuân của má là gì, chẳng phải là hai mươi tuổi lấy chồng rồi sinh bảy đứa con nên những món đồ gắn liền với con cái là kỷ niệm. Nhìn chúng, má thấy tuổi trẻ, là thời mạnh mẽ và sung sức, là sống mà không cho phép mình gục ngã, ngã là phải đứng dậy đi tiếp.

Cuộc sống của những bà già xưa cũ có lẽ đa phần đều là vậy, thanh xuân gắn liền với con cái và những ngày tháng “cày cuốc sấp mặt” để nhìn chúng lớn lên. Nó khác hoàn toàn với phụ nữ hiện đại được hít thở căng lồng ngực với không khí khắp bốn phương trời, đặt cho mình bao nhiêu là câu hỏi: mình là ai? Ý nghĩa của cuộc đời mình là gì? Điều gì thật sự làm mình hạnh phúc? Ước mơ của mình đâu rồi?… và rất bận bịu để trả lời chúng. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI