“Siêu thị má” sau dịch

07/05/2020 - 05:13

PNO - Ba chồng tôi điện, bảo về lấy đồ ăn, vì “má bây mua đồ tích trữ chống dịch, giờ ăn không hết, sắp bung cửa tủ lạnh luôn rồi”.

Chồng tôi làu bàu: “Cái bệnh tích cốc phòng cơ của má gặp dịch này càng tái phát nặng”. Mấy tuần trước, má điện hối tôi mua lương thực tích trữ, kẻo dịch ập tới là trở tay không kịp.

Tôi trấn an má: “Nhà nước luôn đảm bảo an ninh lương thực, hàng tiêu dùng cũng rất dồi dào, không cần tích trữ. Rủi bị cách ly, chính quyền cũng tiếp tế lương thực tận nơi”. Má giận, trách tôi chủ quan, không biết lo xa. Má điện chồng tôi, mắng vốn: “Vợ mày không nghe lời má, phen này hết gạo nấu cũng đừng kêu”.

Vợ chồng tôi về nhà, thấy xó bếp chất đầy mấy thùng mì, gạo. Tủ lạnh lủ khủ xúc xích, lạp xưởng, tôm khô; có cả trứng vịt, giò chả, há cảo, thịt xông khói… Vì chứa quá nhiều thứ, nhiệt độ không đủ, nên có vài món đã đổi mùi, vài món sắp hết hạn sử dụng.

Ba chồng tôi bảo: “Lấy hết đi con. Ba má già, ăn bao nhiêu. Ba nói mà má bây đâu có nghe”. Má tỉnh bơ: “Nhờ tôi mua nhiều, tụi nó mới có mà mang đi”. Tôi điện em chồng, bảo về “chia của”. Cô em giãy nảy: “Đồ của má mười thứ ăn được một. “Siêu thị má” lại bán đắt hơn siêu thị nhà nước gấp đôi. Em chả dại”. Tôi thở dài, bấm bụng xếp các thứ còn ăn được vào giỏ. Gửi má ít tiền gọi là “chia sẻ”. Nghĩ nhỏ em nói đúng, mua đồ “siêu thị má” chỉ có lỗ tới xương.

Trước giờ, má có tật thích mua đồ về để dành, nhất là mấy dịp giảm giá. Dù chỉ giảm mươi phần trăm cũng đủ làm má hớn hở, “rẻ vầy, không mua cũng uổng”. Nhiều món hàng chỉ giảm khi hóa đơn tiền triệu trở lên, má cố ráng mua cho đủ chuẩn để được giảm giá. Má dạy tôi: “Đàn bà phải biết tích cốc phòng cơ, thu vén khéo léo để chồng con nhờ. Giảm một đồng đỡ một đồng. Tiền không phải dễ kiếm”. Tôi thấy lý thuyết và thực hành của má dường như sai sai sao ấy.

Cũng vì “tích cốc phòng cơ” mà nhà má không khác gì nhà kho. Vài ba tháng, vợ chồng tôi lại về “thanh lý hàng tồn” giùm má. Đôi khi hàng giảm giá chỉ là vài cái thau, xoong nồi, còn hàng kèm theo thì đủ thứ thượng vàng hạ cám. Ba chồng tôi hay nói vui: “Ba giao tay hòm chìa khóa cho bả, rủi gặp khóa gỉ, hòm thủng, có nhiêu hết nhiêu. Mai mốt thất nghiệp, ba mở cửa hàng là có đủ mọi thứ”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi vợ chồng tôi mới cưới, tháng nào chồng cũng để riêng một khoản trả nợ. Tôi hỏi nợ gì, mãi chồng mới thú nhận, từ lúc chồng đi làm, tháng nào cũng đưa má tiền chợ, còn lại gửi má để dành cưới vợ. Đến lúc đám cưới, hỏi lại má chẳng còn đồng nào.

Chồng tôi phải méo mặt đi vay. Vợ chồng tôi dọn ra ở riêng. Má lôi từ trên gác xuống đủ cả nồi cơm điện, lò nướng, chén bát, gối ôm gối nằm… Kho đồ của má, ba gia đình xài không hết. Má chỉ đống đồ, mát mẻ: “Đó, tiền của bây vô đống đồ này chớ đâu. Má thấy rẻ mới mua, giờ tới lúc xài rồi nè”. Khổ nỗi, đồ của má thứ thì gỉ sét, thứ thì cắm điện vô là bốc khói.

Chồng hay dặn tôi: “Đàn bà tích cốc phòng cơ là đúng, nhưng “tích, phòng” thông minh, đừng vô tội vạ có ngày lâm nợ”. Tôi thì đang khổ vì phải làm trạm cuối, thu mua giá cao mọi thứ hàng tồn của má. Mùa dịch này, má càng tích trữ mạnh tay, tôi héo từ trong ruột héo ra. 

Nguyễn Minh Trang

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI