Cái ấm nhôm của má

26/07/2021 - 19:39

PNO - Đúng là mấy cái ấm đun siêu tốc bằng điện thì tiện lợi, còn cái ấm nhôm của má là cả một bầu trời tuổi thơ.

Một bữa dọn dẹp, “tổng kết” nhà cửa, ba tôi lôi ra cái ấm nhôm đen sì, cũ kỹ, ám đầy khói đen ở góc bếp. Ba bảo: “Không biết má mày tiếc gì cái ấm này không chịu bán ve chai”.

Mấy chị tôi mỗi lần về nhà là “tha” về bao nhiêu thứ, nào là nồi cơm điện, ấm đun siêu tốc, chảo chống dính… Vậy nên các loại nồi, cái chảo hay cái ấm từ hồi xa lơ xa lắc ở đâu má dồn lại bỏ vào bao, để vào một góc bếp. Má bảo, kệ cứ để đó cũng có khi dùng.

Thời ấm đun siêu tốc chưa ra đời, hầu như nhà nào cũng có cái ấm nhôm để nấu nước. Nấu nước ấm nhôm thường bằng củi hay trấu hoặc rơm. Bởi vậy, cái ấm nhôm dù bên trong sạch sẽ nhưng cái vỏ bên ngoài đen thui do đóng một lớp khói dày phía dưới đáy. 

Cái ấm nhôm thời đó thiết kế đơn giản nhưng rất tinh tế, đặc biệt là phần vòi ấm. Vòi ấm được thiết kế với độ cong vừa đủ để chế nước không bị chảy ra ngoài. Phần đầu vòi ấm hơi nhọn để dòng nước dù nhỏ cũng không hề vương vãi.

Đặc biệt, phần tay cầm bên ngoài được tra gỗ nên không làm nóng tay mà vẫn giữ được cả trọng lượng của ấm và nước. Nắp ấm làm dạng rời, dễ dàng vệ sinh bên trong thân ấm. 

Cái ấm nhôm thời đó hầu như ngày nào cũng phải “làm việc” và ngày tết thì hoạt động hết công suất. Buổi sáng, thế nào trên bếp lửa cũng phải có cái ấm để nấu một ấm nước sôi chế bình thủy pha trà buổi sáng.

Ngày nào má ra ruộng làm đồng, cái ấm nhôm lại được nấu thêm lần nữa để má mang theo. Những ngày giỗ chạp, cái ấm luôn đặt trên bếp lửa, luôn có nước sôi, nấu hết bình này đến bình khác để kịp pha trà đãi khách.

Thỉnh thoảng vừa nấu nước, má vừa lùi mấy củ khoai lang hay củ mì dưới bếp than. Nước trong ấm vừa sôi cũng là lúc củ vừa chín tới. 

Cái ấm nhôm của má hồi đó chứa gần hai lít nước. Chế đầy cái bình thủy 1 lít 8 thì còn dư một chút. Má nói khi đổ nước vào nấu nhớ đổ nước vừa đủ, đừng để đầy quá, nước sôi sẽ tràn làm bật nắp ấm. 

Má nói mấy cái ấm đun siêu tốc bây giờ tiện lợi, nhanh chóng nhưng dễ hư, nhất là chỗ cái nút công tắc bấm qua bấm lại. Má nói “bây mua cái ấm siêu tốc đó bằng má mua mấy chục cái ấm nhôm như vậy”. Đúng là mấy cái ấm đun siêu tốc bằng điện thì tiện lợi, còn cái ấm nhôm của má là cả một bầu trời tuổi thơ. 

Ngày xưa, hầu như xuống căn bếp nhà nào, nhất là nhà ở nông thôn, chắc chắn phải có sự hiện diện của cái ấm nhôm đen sì trên bếp lửa. Cái ấm ngày xưa nấu rất bền, khi nước sôi thì ấm có tiếng reo, khiến người ta dễ dàng nhận biết. 

Nhớ thời nhà còn có mấy đám lúa, hễ tới mùa gặt là cái ấm nhôm của má lại kiêm thêm vai trò mang nước ra đồng. Mỗi buổi sáng má đưa tôi 500 đồng đi mua đá cục (loại đá cây được đúc thành tảng to người ta ướp trong trấu để lâu tan). Đá mua về được rửa sạch lớp trấu rồi chặt thành những viên nhỏ, vừa đủ bỏ vào trong ấm và chế nước vô. 

Có hồi đi làm đồng về buổi chiều, má bỏ quên cái ấm ngoài ruộng. Sáng hôm sau má ra đồng, thấy cái ấm vẫn còn nguyên trên vị trí của nó, bỗng thấy cảm giác thân yêu đến lạ. Cái ấm dường như cũng có tình cảm, thân quen như một thành viên gia đình.

Chẳng biết vì tôi giống tính má hay không mà 7, 8 cái ấm đun siêu tốc bị hư, đứt mạch, tôi vẫn dồn để chung một chỗ. Mấy cái ấm đun siêu tốc có vòng đời khá ngắn, hư cái này tôi lại mua cái khác. Chỉ là, dồn một chỗ như vậy để biết đâu sau này xài lại được hoặc tiện đem đi sửa một lần… 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI