Bước chênh vênh sang tuổi người lớn

26/11/2021 - 11:47

PNO - Chênh vênh là cảm giác của người đọc khi cầm trên tay cuốn "Giã từ thơ ngây" của nhà văn Hàn Quốc Park Hyun-wook.

Đó không chỉ là cảm giác chênh vênh của những đứa trẻ - trên ngưỡng cửa của sự trưởng thành, giữa bản năng và khát vọng, giữa tự do và ràng buộc, giữa chân thật và lầm lạc, mà chỉ cần một thoáng hụt chân là cuộc đời của chúng sẽ trôi rất xa; đó còn là cảm giác về cách tiếp cận đề tài của chính tác giả, khi viết về tuổi mới lớn dưới góc nhìn tính dục, đi chênh vênh trên lằn ranh của dung tục và trong sáng. 

Trên lằn ranh mong manh ấy, nhà văn Park Hyun-wook đã rất vững tay, như cuộc đời của những đứa trẻ trong câu chuyện cuối cùng cũng đi về phía tương lai, dù chưa hẹn trước nhưng không hề mất phương hướng. 

Giã từ thơ ngây lấy những đứa trẻ đang lớn làm trung tâm. Đó là thế giới của cậu bé Jun Ho và bạn bè. Như đi trên dây, những đứa trẻ phải dựa vào chính mình để không bị té ngã. Người lớn không can dự trực tiếp, thậm chí vắng mặt, chỉ xuất hiện qua những lời kể, dấu ấn xúc cảm, vậy mà đóng vai trò như những cây sào để các bạn trẻ vững vàng hơn đi đến trưởng thành.

Sau lưng những đứa trẻ đang chênh vênh là những người lớn đổ bóng quan niệm, dẫn dắt hay tạo áp lực cho chúng. 

Jun Ho không có bố, ở chung với mẹ và cậu, cậu gọi họ là chị Suk Kyung và anh Myung Ho - cách gọi mang tính đùa vui, mà thể hiện sự gần gũi, không khoảng cách thế hệ. Và thực sự là vai trò của người mẹ, người cậu của Jun Ho trong tiểu thuyết chỉ hướng dẫn chứ không ép buộc răn đe. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của Jun Ho.

Chọn Jun Ho, một cậu bé bình thường, tập tành vi phạm những “điều răn” như hút thuốc, tàng trữ phim sex để làm nhân vật chính triển khai câu chuyện mà không phải là đứa trẻ “xuất sắc” như Young Seok, tác giả Park Hyun-wook đã thể hiện góc nhìn riêng cũng như quan điểm giáo dục cởi mở của mình. 

Young Seok và thấp thoáng phía sau là bóng dáng ba mẹ cậu như một sự so sánh đối lập với Jun Ho. Young Seok là một đứa trẻ chậm chạp mà theo lời Jun Ho thì “tôi cày cuốn sách ba tiếng thì nó cày sáu tiếng, có hôm tôi chỉ học một tiếng thì nó học cả mười tiếng”. 

Seok luôn sống trong áp lực bị so sánh với cô em họ Seo Young, khiến cậu bị stress. Đến mức Jun Ho có thể rút ra khái quát rằng: “Hầu hết bọn trẻ đều bị “một thằng” làm khổ.

Nó là thằng “con nhà người ta”. “Thằng ấy” là kẻ thù chung của toàn bộ học sinh cả nước. Con nhà người ta học hành giỏi giang, con nhà người ta đỗ đại học quốc gia, con nhà người ta giành được giải thưởng nọ kia, con nhà người ta không làm bố mẹ phải phiền lòng…”.

Ba mẹ của Seok tiêu biểu cho số đông phụ huynh luôn kỳ vọng vào sự trưởng thành của con mình. Và quả thật, nỗi niềm “con nhà người ta” không chỉ là nỗi khổ của các cô cậu bé trong Giã từ thơ ngây, trong phạm vi Hàn Quốc, mà còn là vấn đề không của riêng ai, của riêng quốc gia nào khi rất nhiều những bậc cha mẹ luôn muốn con mình không được thua kém con nhà người khác.

Kết quả của áp lực này là, Seok đậu tốt nghiệp với điểm cao mà vẫn tuyệt vọng tới mức không muốn sống nữa vì không vào được Đại học Quốc gia Seoul. Cậu lao vào ôn thi lại từ đầu với hy vọng năm sau sẽ đậu. Khi được Jun Ho an ủi “xuất sắc thế này còn kêu gì”, Young Seok đáp: “Tao chỉ mong bố mẹ tao cũng nghĩ như tụi mày”.

Cái nhìn của Jun Ho lại là: “Mày học hành chăm chỉ thế còn gì nữa. Chỉ bố mẹ mày mới có vấn đề thôi!”. Nhưng liệu có bao nhiêu phụ huynh nhìn ra vấn đề mình tạo ra cho con cái, ranh giới giữa kỳ vọng và áp lực?

Trái ngược với ba mẹ của Young Seok, khi Jun Ho buồn bã vì điểm thấp, mẹ cậu đón nhận kết quả với tâm lý bình thường: “Mẹ không kỳ vọng gì ở con à?”, cậu bé hỏi. “Kỳ vọng gì con?”, bà mẹ ngạc nhiên.

“Thì, như mẹ của những đứa khác ấy. Kiểu như mong con mình đỗ vào trường đại học nọ kia chẳng hạn”, Jun Ho nói.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chị Suk Kyung đã cho cậu bé một đáp án của tình thương, rằng mẹ không thể ép con làm điều mà mẹ không thể làm, rằng chỉ cần con không làm điều xấu, sống không hại ai là được. Chị nói với con: “Khi mẹ mang thai con, điều mong mỏi duy nhất của mẹ là sinh con ra. Khi con chào đời, điều mẹ muốn là nuôi con khôn lớn. Không phải mẹ sinh con để bắt con thành sinh viên… Con có mặt trên đời và lớn lên khỏe mạnh bình yên là đã hoàn thành bổn phận của mình rồi”. 

Tấm lòng yêu thương chân thành giản dị của người mẹ dẫn đường cho con theo một hướng giáo dục cởi mở, tôn trọng cá tính và tự do.

Điều này khiến cho Jun Ho luôn thấy hạnh phúc. Suy cho cùng, thứ con người hướng đến không phải là theo đuổi hạnh phúc hay sao?

Bên cạnh chị Suk Kyung, anh Myung Ho bổ sung cho Jun Ho về những vấn đề tế nhị và nhạy cảm của cậu trai mới lớn, bao gồm cả tình dục và định hướng tương lai. Người cậu chỉ đưa lời khuyên, bầu bạn, nhưng đã phát hiện ra năng lực viết văn của cháu ngay từ những trang viết xoàng xĩnh tầm thường, thậm chí dung tục.

Nếu Jun Ho đi trên lằn ranh mong manh của những điều cấm kỵ, thì lòng thương yêu vô bờ của người mẹ, sự hướng dẫn không áp đặt của người cậu đã giúp cậu đi đúng hướng. Và cuối cùng thì, dù tương lai lựa chọn thế nào, có một điều chắc chắn là xác lập của Jun Ho về bản thân: “Tôi sẽ sống một cách tử tế, ở bất cứ phương diện nào”. 

Đằng sau mỗi đứa trẻ trưởng thành, bao giờ cũng có bóng của người lớn. Nhưng làm thế nào để tốt cho con em, thì quan điểm mỗi người mỗi khác. Với Giã từ thơ ngây, Park Hyun-wook đã cho chúng ta một điểm nhìn gợi mở dựa trên nền tảng triết lý tình thương, mang lại một thế giới trẻ thơ hồn nhiên với khát vọng hướng đến làm người tử tế. 

An Duyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI