Bố mẹ kiếm càng nhiều tiền, con càng cảm thấy cô đơn

07/10/2018 - 09:55

PNO - Ở nhà bố mẹ hay dùng điện thoại, máy tính, không thường xuyên nói chuyện với em, vậy mà còn đánh em, tất cả là vì mẹ.

Tuổi 12, sang năm 13, 14, 15... Nhưng tuổi 12 rất buồn. Bố mẹ trở nên khá giả bao nhiêu thì càng khác bấy nhiêu. Ngày xưa em và bố mẹ luôn nói chuyện, luôn chơi đùa với nhau, chơi đố vui, mẹo cùng nhau, nói chung là nó rất vui. Nhưng khi bố mẹ em trở nên khá giả, công việc ngập đầu, không có thời gian nói chuyện với con cái, tính nết thay đổi, hay đánh, chửi em khi chưa biết rõ vấn đề. Em ghét tuổi 12 và còn kéo dài.

Bo me kiem cang nhieu tien, con cang cam thay co don
Tâm sự của cô/cậu bé 12 tuổi được gửi vào trang giấy, để đốt và phóng đi vào thinh không

Từ bé giờ em chẳng viết gì về mẹ ngoài mẹ cứ bắt em làm việc nhà, học, phải được hạng 1... Tại mẹ và bố mà thành tích học tập của em giảm nghiêm trọng, hay nói chuyện trong lúc học, là bởi em thiếu tình thương của bố mẹ. Ở nhà bố mẹ hay dùng điện thoại, máy tính, không thường xuyên nói chuyện với em, vậy mà còn đánh em, tất cả là vì mẹ. CON GHÉT MẸ, con ước mẹ như ngày xưa, hiền biết bao.

Thật kỳ lạ! Giữa thời đại công nghệ trao cho con người đủ mọi phương tiện kết nối, loài người lại trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Hậu quả rõ ràng và đáng sợ: ngày càng nhiều trẻ vị thành niên tìm cách hủy hoại bản thân, làm những chuyện “điên rồ”, thậm chí tự tử. Bao gia đình tan nát chỉ vì người ta quá cô đơn, thất lạc nhau và lạc cả chính mình trên hành trình cuộc sống.

Những ngày qua, câu chuyện một cô (hoặc cậu) bé tuổi 12 viết những dòng tâm sự chán ghét lứa tuổi của mình, chán ghét cuộc sống cô đơn vào giấy, xếp thành máy bay, đốt và phóng đi khiến mạng xã hội thêm một lần dậy sóng. 

Người ta hỏi nhau điều gì đang xảy ra, làm thế nào mà một đứa trẻ 12 tuổi lại có thể viết chữ in để nhấn mạnh “CON GHÉT MẸ”. Người ta hốt hoảng nhìn lại con em mình, thở phào khi thấy chúng “vẫn ổn”, nhắc nhau quan tâm hơn đến con trẻ và… hết - như vẫn hành xử trước vô số sự kiện hot trên mạng.

Mọi thứ trên đời luôn ổn cho đến khi chúng… không ổn. Hầu hết những đứa trẻ trước khi tự kết liễu cuộc đời đều rất ổn - nghĩa là vẫn đi học, vẫn ăn uống, nói chuyện “bình thường” như chúng vẫn thế. Mãi cho đến khi chúng ra đi, người thân mới chợt nhớ ra vài dấu hiệu bất ổn ở chúng - thứ mà các nhà tâm lý gọi là tín hiệu cầu cứu - thứ mà chúng ta vẫn thường bỏ qua.

Bo me kiem cang nhieu tien, con cang cam thay co don
Những đứa trẻ trong các gia đình có cha mẹ “chí thú làm ăn”, luôn bận rộn sẽ dần mất kết nối với cha mẹ. (Ảnh minh họa)

Những đứa trẻ trong các gia đình có cha mẹ “chí thú làm ăn”, luôn bận rộn sẽ dần mất kết nối với cha mẹ. Chúng sẽ tìm đến những người bạn trên mạng, vào game để giải tỏa nỗi cô đơn dù trên thực tế những cách này chẳng giúp người ta bớt cô đơn. 

Ai dám bảo đảm rằng trên không gian mạng, những đứa trẻ bức bối, muốn chứng tỏ sự hiện hữu của mình không tham gia vào trò chơi Blue Whale (Cá voi xanh) - trò chơi khuyến khích chúng hủy hoại bản thân và cái đích cuối cùng là tự sát? Ai dám chắc rằng, bọn trẻ sẽ không gặp phải các đối tượng xấu, lừa đảo trên mạng? 

Oái oăm thay, trước những nguy cơ ấy, cách người lớn sử dụng là nghiêm cấm trẻ vào mạng, tịch thu điện thoại, khóa máy tính - nhốt trẻ vào chiếc lồng cô đơn vốn đã quá chật hẹp. Sao chúng ta không dành thời gian cho con trẻ? Bởi chúng ta quá bận. 

Thật không? Thật! Chúng ta bận xem clip hài trên mạng để giải trí, bận nhậu, bận tám chuyện với bạn bè, bận ngồi quán để… thở, để giải tỏa bớt áp lực công việc. Chúng ta đã bỏ quên bọn trẻ, và thật tai hại, chúng ta bỏ quên cả nỗi cô đơn của chính mình. Ta không hề ý thức rằng mình cũng đang là nạn nhân bị vi-rút cô đơn tàn phá.

Đã bao nhiêu lần trong đời chúng ta cảm thấy bất lực trong việc nói chuyện với chồng/vợ? Khi người phụ nữ hoảng loạn với những nếp nhăn thấp thoáng đâu đó ở đuôi mắt, cố gắng truyền tín hiệu đến chồng, anh chồng vẫn đang bận… vui bên bàn nhậu. Ở chiều ngược lại, “các bà” không hiểu cánh đàn ông đã khổ sở như thế nào trước ngồn ngộn công việc; để rồi mỗi khi chúng ta vừa mở ti vi lên mong tìm chút bình yên là bị giận hờn, trách móc không biết quan tâm vợ con, lười biếng, vô trách nhiệm…

Từ bé, tôi đã có đam mê đặc biệt với bút máy, thích viết chữ, nhưng chỉ có thể đứng ngắm những cây bút đắt tiền trong tủ kính. Cho đến khi trưởng thành, cuộc sống dễ thở hơn, tôi tự cho phép mình mua bút, tập viết. Tôi chọn ra quán cà phê, ngồi viết vào cuốn tập nhỏ - viết về nỗi cô đơn. Có lẽ ở nhà bạn đời của tôi cũng đang cô đơn khi không có chồng phụ nấu cơm. Có lẽ nàng đang quát con không lo học hành, chỉ biết chúi mũi vào Facebook. Có lẽ mẹ tôi đang lủi thủi tưới mấy giò lan, mắt trông đám con cháu lâu quá chẳng về. Thì hẳn rồi, chúng tôi bận rộn quá mà. Lát nữa tôi còn hẹn nhậu với bạn. Vợ tôi sẽ đi làm tóc và con tôi chắc cũng có lịch online chat với đám bạn. 

Đời tôi, đời ta quả thật cô đơn!

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI