Bố làm xem ôm vẫn nhất quyết phải nuôi con bằng hàng ngoại

19/05/2016 - 07:30

PNO - "Hai bố mẹ ăn cơm rau, cơm mắm thật đấy những cũng chẳng hề gì, cực mấy tôi cũng chịu được hết", anh Tùng chia sẻ.

Tâm lý sính đồ ngoại càng ngày càng trở thành xu thế chung của người Việt. Đặc biệt là các ông bố, bà mẹ bỉm sữa. Nhiều người nghĩ rằng, đứa trẻ sinh ra phải được chăm sóc một cách tốt nhất và chỉ đồ ngoại mới giúp họ yên tâm khi nuôi con. Ngay cả khi cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vì tương lai của con em, các bậc phụ huynh vẫn luôn cố gắng hết mình để mang lại những gì tốt đẹp nhất cho con.

Đây là một chia sẻ có thực của một ông bố trẻ - anh Nguyễn Thanh Tùng (36 tuổi, làm nghề xe ôm trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).

Tranh thủ lúc vắng khách, anh Tùng không ngại ngần chia sẻ về cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của mình: "Vợ chồng tôi đã lấy nhau được 3 năm rồi nhưng không dám sinh con luôn, cố làm ăn tích cóp 2 năm sau mới dám sinh.

Vốn gia đình cũng khó khăn, không được học nhiều nên chỉ xong cấp hai là cả hai đứa nghỉ ở nhà làm thuê phụ bố mẹ. Lấy nhau xong hai đứa cũng lên trên này, thuê một phòng trọ nho nhỏ rồi đi làm thuê. Vợ tôi thì làm gia công ở một xưởng in, lương mỗi tháng cũng chỉ được 3,5 triệu. Còn tôi, lúc đầu thì đi làm phụ hộ nhưng do công việc vất vả quá nên không theo được, đành theo nghề xe ôm này".

Bo lam xem om van nhat quyet phai nuoi con bang hang ngoai
Dù khó khăn đến đâu, anh Tùng vẫn cố gắng mua đồ ngoại để nuôi con với mong muốn con được phát triển trong điều kiện tốt nhất.

Anh Tùng chia sẻ trong niềm vui, vợ anh vừa sinh cậu con trai đầu lòng được hai tháng. Tuy vậy đây cũng là giai đoạn vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. "Kể từ khi vợ mang bầu tôi cũng đã thấy vất vả rồi. Vợ tôi nghén nhiều, đi làm buổi đực, buổi cái nên thu nhập không đều. Tháng lương của vợ mua hộp sữa bầu là đã hết veo rồi. Lương tháng của tôi vừa đủ để trang trải cho tiền thuê nhà với ăn uống.

Thực ra thì cũng có nhiều loại sữa nội vừa tầm tiền nhưng bây giờ hàng rởm, hàng nhái nó nhiều nên cố mua đằng ngoại cho nó chắc ăn. Dù sao ăn cũng cho con chứ cho ai.

Tuy nhiên, giai đoạn này mới là giai đoạn vất vả hơn. Đứa trẻ sinh ra rồi thì trăm thứ nó rằng vào. Từ sữa, nào bỉm, dầu tắm, khăn, tã đến cái tăm bông... cái gì cũng đắt. Hàng của thằng ngoại có nhiều thứ cứ gấp đôi, gấp ba của Việt Nam ấy.

Nhưng được cái, dùng đồ ngoại thì yên tâm lắm, không phải lo nghĩ gì hàng đểu ảnh hưởng đến khỏe của con. Suy cho cùng thì cũng chỉ sinh để 2, 3 lần là cùng nên cũng chẳng có nhiều. Tính trước được việc nuôi con tốn kém nên vợ chồng tôi phải dành hai năm để tích cóp đấy. Bây giờ mới có cái mà chi tiêu chứ không thì cũng chết dở".

Anh Tùng tâm sự, từ ngày vợ sinh anh phải cố nhiều lắm. Trước, có khi 10, 11h giờ tối là anh đã về nghỉ nhưng bây giờ cứ phải chạy đến 12h, 1h, cố được đồng nào hay đồng đấy. Có hôm chạy xe cả thâu trưa, chẳng kịp về ăn cơm. Vợ có gọi điện giục về thì đành nói dối là ăn quán rồi. Nhưng cũng chẳng sao hết "tất cả vì tương lai con em chúng ta mà", anh Tùng vui vẻ nói.

"Đi làm về muộn nhưng nhìn con được uống những bình sữa thơm ngon, chất lượng cũng thấy yên tâm. Hai bố mẹ ăn cơm rau, cơm mắm thật đấy những cũng chẳng hề gì, cực mấy tôi cũng chịu được hết. Miễn con được lớn lên trong điều kiện tốt nhất, bố mẹ nghèo nhưng không để con thua kém, thiệt thòi so với con nhà người ta là được.

Nhiều khi tôi vừa trêu vợ vừa trêu con: Đấy tè dầm cái là đi bay cái bỉm, mất bữa sáng của bố rồi!, thế là cả nhà được trận cười rôm rả".

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI