Biết cách tiêu tiền, đỡ phiền hậu vận

24/08/2023 - 14:12

PNO - “Chuyện là, ngày xưa ông bà không dạy ba mẹ kiếm tiền, tiêu tiền và quản lý tiền… nên ba mẹ cứ nghèo hoài”.

Cứ mỗi lần gặp nhau, tôi và một người chị thân quen thường cám cảnh kể khổ với nhau như vậy khi nhắc chuyện dạy con tiêu tiền như thế nào cho đúng, độ tuổi nào thì nên dạy con ý thức được giá trị của đồng tiền để sau này... đỡ phiền.

Nói đỡ phiền, vì xung quanh tôi và chị bạn tôi có nhiều câu chuyện xài tiền vô tội vạ, tiêu tiền không đúng lúc hoặc sử dụng tiền không hợp lý nên làm ra bao nhiêu tiền cũng đội nón bay đi. Chưa kể những lần giúp người vô cớ, giúp vì muốn giúp mà không tìm hiểu rõ động cơ của người muốn nhận, để rồi đến khi lận đận lại trách hờn người ta vô tư, vô tâm, thậm chí là vô ơn.

Mới đây, trong lần mở các podcast của cô bạn học, tôi nghe được câu chuyện kể về quan điểm giúp người liên quan đến đồng tiền đáng suy nghĩ. Cô ấy bảo ai cũng vốn có lòng trắc ẩn và giúp đỡ người khác luôn là bản chất thiện lương có sẵn trong mỗi người. Tuy nhiên, giúp người khác, nhất là người hoạn nạn như thế nào cũng cần phải biết dung hòa và biết cách giúp. Chẳng hạn như cho cần câu sẽ hơn cho con cá, nhưng khi người ta đói quá, đến miếng ăn còn không có thì khoan nói chuyện xa xôi, hãy để cho họ có cái gì đó bỏ bụng cho qua cơn đói đã. 

Theo cô bạn, khi giúp người, phải biết cách giúp và giúp trong khả năng điều kiện, hoàn cảnh và số tiền mình có, không cần cố hoặc gồng mình lên để giúp. Đó cũng là một trong những cách tiêu tiền có ý nghĩa và hợp lý.

Đối với trẻ nhỏ, cũng cần rèn luyện và hướng dẫn các con biết tiêu tiền cho những việc tốt, ý nghĩa trong cuộc đời hơn là để các con sử dụng đồng tiền một cách không ý thức hay hiểu rõ giá trị. Cô bạn bảo, nếu vậy thì người lớn cũng nên tự học cách tiêu tiền, học cách làm cha mẹ... thì đời sống mới ổn.

Tôi chưa lập gia đình nên chưa thấm sâu lắm câu chuyện ba mẹ xài tiền như thế nào để hợp lý, làm gương cho các con mình. Chỉ biết rằng, hồi nhỏ không ai dạy tôi biết cách tiêu tiền hay kiếm tiền như thế nào để cho đúng hết. Thậm chí, thuở xưa ông bà tôi còn xem việc nhắc đến tiền như một hành vi phản ánh lối sống thực dụng, trẻ con chỉ cần ăn học, không phải lo kiếm tiền và không nên cho xài tiền quá sớm.

Sau này bôn ba giữa cuộc sống, qua rất nhiều biến cố, tôi từng tiếc và nói giá như mình được chỉ bảo cách kiếm tiền minh bạch, xài tiền hiệu quả, thì không phải quá nhiều lận đận mỗi khi cần tiền đầu tư cho bản thân, như tham gia một khóa học, tặng mình một chuyến đi du lịch...

Mới đây, tôi được tham dự sự kiện CEO Kids dành cho trẻ dưới 14 tuổi. Hôm đó chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ câu chuyện khiến tôi suy nghĩ. Bà Lý Thị Mai nói, gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là các con. Thế nhưng, trong một số chuyên đề dạy con biết cách tiêu tiền, nhiều bố mẹ nói với bà rằng, các con còn nhỏ làm sao biết tiêu tiền. 

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ: “Theo tôi, chúng ta đừng sợ tiền, cũng như đừng sợ tình yêu. Bởi nếu không có tình yêu thì sao chúng ta sống, chúng ta có gia đình? Tiền cũng vậy. Không có tiền, chúng ta cũng không tồn tại được. Vậy tại sao chúng ta sợ nó?”.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ quan điểm về cách dạy con xài tiền trong một sự kiện
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ quan điểm về cách dạy con xài tiền trong một sự kiện

Theo bà, người lớn sợ nói đến tiền vì không biết nó. Có thể nhiều người  đang cầm tiền tỉ, cả triệu đô trong tay, nhưng mà họ vẫn không biết cách dạy con tiêu tiền thế nào cho đúng: “Nếu chúng ta muốn có một tuổi già thảnh thơi, an vui và hạnh phúc thì bây giờ hãy cho các con tiếp cận sớm với đồng tiền. Bởi vì chỉ khi nào các con biết được giá trị của đồng tiền, các con mới ý thức được tiêu tiền như thế nào”.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ rằng, nhiều năm làm việc tư vấn tâm lý bà thấy rằng thái độ trước đồng tiền chính là thái độ trước cuộc sống. Nghe bà nói, tôi bất chợt nhận ra một chân lý muộn màng cho bản thân: Biết cách tiêu tiền,  đỡ phiền hậu vận.

Trương Quốc Phong

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI