Khổ sở vì "yêu con vô điều kiện"

20/08/2023 - 07:31

PNO - Nhiều bà mẹ ông bố “phục tùng” con, biến mình thành nô lệ của con. Tới khi con hư, họ ôm đầu tự hỏi: "Mình đã sai ở đâu?".

Sao bà mẹ người ta giàu, ba mẹ lại nghèo?

Chị Hoài Thu (Gò Vấp, TPHCM) không thể nào quên nỗi đau đớn, thất vọng khi cô con gái học lớp 9 lớn tiếng: “Tại sao ba mẹ nghèo? Tại sao ba mẹ chỉ kiếm được có chừng đó tiền?”.

Chị Thu và chồng đều làm nhà nước. Trải qua tuổi thơ vất vả nên khi có con, họ quyết tâm dành cho con những gì tốt nhất.

Dù kinh tế gia đình không khá giả, họ cũng quyết chọn cho 2 con học trường có mức đóng góp cao. Từ đồ ăn thức uống tới đồ dùng sinh hoạt, bất cứ cái gì tốt nhất họ cũng cố mua bằng được cho con.

2 đứa trẻ nghiễm nhiên coi những yêu cầu của chúng cần phải được đáp ứng ngay lập tức, không hề biết mỗi lần sắm đồ là cha mẹ lại phải tằn tiện, "bóp mồm bóp miệng". Mỗi khi thấy bạn bè có gì, chúng lại về xin ba mẹ. 

Từ sau dịch COVID-19, công việc của vợ chồng chị Thu không còn được như trước. Cơ quan cắt giảm biên chế, thu nhập giảm nhiều. Chị Thu bắt đầu phải tính toán chi ly việc chi tiêu trong gia đình. Lương của chị Thu chỉ được 11 triệu đồng. Chồng chị cũng nhỉnh hơn chút, anh đưa cho vợ 10 triệu đồng. Thế nhưng, tiền học phí và học thêm của 2 con mỗi tháng đã tốn 13 - 14 triệu đồng. Giữa thời bão giá chị có căng kéo kiểu gì thì vẫn không đủ chi tiêu.

A
Nhiều bậc cha mẹ phục tùng con cái vô điều kiện (ảnh minh họa)

Đã thế, sang năm con gái lớn thi vào lớp Mười nên tiền học thêm khá nhiều. Chị cũng ướm hỏi con định lựa chọn học thêm môn nào, môn nào tự học ở nhà. Nhưng cô bé nói các bạn đang học cái này, cái kia và con cũng phải học. Chị chỉ đành cố “thắt lưng, buộc bụng”.

Gần đây, cô bé xin chị Thu đặt hàng cho một đôi giày hiệu có giá bằng nửa tháng lương của mẹ. Thương con nhưng với hoàn cảnh kinh tế hiện tại, chị Thu không thể đồng ý. Không được đáp ứng, cô bé giận dỗi và than thở không ngại ngần ba mẹ nghe thấy: “Tại sao ba mẹ nghèo?" 

Thấy mẹ im lặng, cô bé hét lên: “Sao người ta kiếm được cả trăm triệu đồng mỗi tháng, mẹ lại chỉ kiếm được có chừng đó tiền?”.

Chị Thu cố bình tĩnh giải thích cho con về tình trạng kinh tế gia đình. Tuy nhiên, càng giải thích thì cô bé càng không chấp nhận. Cô bé cho rằng, cô phải chịu cảnh nghèo do ba mẹ kém tài. Đến mức này, chồng chị Thu không còn kiềm chế nổi.  Anh thu dọn quần áo của con vào vali, đuổi ra khỏi nhà và bảo con “đi tìm ba mẹ giàu mà sống”.

Con tự quyết nên quyết… nghiện game

Tình huống chị Thu gặp phải không hề cá biệt. Gia đình anh Lê Văn Thuận (ngụ tại Bình Chánh, TPHCM) đang nỗ lực "nắn lại" đứa con nghiện game sau hơn chục năm được chiều vô điều kiện.

Hiếm muộn, nhiều năm mới sinh được một mình bé Bun, vợ chồng anh Thuận dành cho con tất cả. Vợ anh chọn cách dạy dỗ theo kiểu “tôn trọng tuyệt đối quyền trẻ em”. Chị yêu cầu cả gia đình để con tự lập, để con tự quyết. Đứa trẻ luôn là người ra lệnh, muốn gì là cả nhà phải răm rắp phục tùng.

Mỗi khi anh Thuận muốn điều chỉnh cách ứng xử của con, cả vợ và mẹ đều phản đối, nói phải yêu con, yêu cháu hết lòng. Cả gia đình bị bé Bun coi như... Osin. 

Mới học lớp 8 nhưng Bun liên tục nhắc nhở cả nhà về quyền trẻ em, quyền con người và khẳng định quyền tự quyết. Cũng có khi cha mẹ thấy hành vi của con không đúng mức, nhưng dù nói gì cũng bị cậu bé mắng lại. Cách đây nửa năm, anh chị thấy con khoá trái cửa trong phòng, ai gọi cũng không mở, sau đó thì biết con trai đã nghiện game. 

“Vì mẹ và bà nội luôn nói để con tự học, để con tự do. Đi học về là cu cậu vào phòng đóng sầm cửa lại, chẳng ai có quyền vào phòng nên không quản lý được”, anh Thuận buồn bã nói.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách - Viện tâm lý lâm sàng MP (Hà Nội) - cho rằng, trên thực tế, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đang chăm chiều con cái một cách thái quá. Họ nói phải tôn trọng con, mà không hiểu nên tôn trọng cái gì, tôn trọng như thế nào, tôn trọng như vậy có đúng không? Nhiều bà mẹ, nhất là thế hệ đầu thế hệ 8X trở về trước “phục tùng” con theo cách rất lạ mà các vị chuyên gia cũng không thể lý giải. Họ tự biến mình thành nô lệ của con.

Theo bác sĩ Hồng Bách, nguyên nhân của tình trạng này là do cha mẹ không hiểu về tâm lý của trẻ, chiều chuộng thái quá làm đứa trẻ tưởng rằng chúng được quyền đòi hỏi vô lối. Đứa trẻ tin rằng đáp ứng nguyện vọng của chúng là nhiệm vụ của ba mẹ, nếu không làm vậy có nghĩa là ba mẹ không có trách nhiệm với gia đình. 

“Điều này sẽ tạo ra thế hệ những đứa trẻ ích kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với chính nó và gia đình. Chúng không biết cảm thông, thương cha mẹ và coi ba mẹ phục vụ chúng là đương nhiên. Sự vô cảm với gia đình sản sinh ra sự vô cảm với xã hội. Trong tương lai, nhân sinh quan của những đứa trẻ đó sẽ cực kỳ hạn hẹp”, bác sĩ Hồng Bách cảnh báo.

Nguyên Bình 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thao 21-08-2023 15:15:13

    Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách - Viện tâm lý lâm sàng MP (Hà Nội) - cho rằng, trên thực tế, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đang chăm chiều con cái một cách thái quá. Họ nói phải tôn trọng con, mà không hiểu nên tôn trọng cái gì, tôn trọng như thế nào, tôn trọng như vậy có đúng không? Nhiều bà mẹ, nhất là thế hệ đầu thế hệ 8X trở về trước “phục tùng” con theo cách rất lạ mà các vị chuyên gia cũng không thể lý giải. Họ tự biến mình thành nô lệ của con.

    MÌNH CŨNG 8X ĐÂY MÀ SAO MÌNH CÓ CHIỀU CON ĐÂU NHỈ, ẶC ĐỌC THẤY CŨNG MẮC CƯỜI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI