Bi kịch chất chồng

27/03/2014 - 15:40

PNO - PN - Hàng xóm cạnh nhà tôi cứ vài ba bữa lại gây náo loạn. Từ khi còn nhỏ, tôi đã quen chứng kiến việc người đàn ông nhà bên ấy mỗi lúc say xỉn đều kiếm chuyện gây gổ với vợ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lần nào cũng vậy, ban đầu, cô cố lờ đi, không thèm để ý đến chú. Thậm chí vài lần cô còn bồng con sang nhà tôi để trốn tránh. Nhưng có lúc không chịu đựng được nữa, cô lên tiếng đáp trả. Hai vợ chồng to tiếng. Đồ đạc đổ bể, văng tứ tung. Hai đứa con nhỏ sợ hãi gào khóc. Những người xung quanh đã quen chuyện ấy nên chẳng ai xen vào. Chỉ khi nào vợ chồng họ có nguy cơ đả thương nhau thì mọi người mới chạy đến can thiệp.

Cô bảo, kẻ thù lớn nhất trong đời cô chính là rượu. Không ít lần cô muốn giải thoát cho mình và các con. Nhưng sau cơn xung đột vài ngày, mọi thứ lắng dịu, cô lại không nỡ phá vỡ hôn nhân. Bởi lúc không có hơi men, chú hiền lành, ít nói, biết đỡ đần cho vợ nhiều việc.

Bi kich chat chong

Khoảnh khắc hạnh phúc của họ không nhiều, vì chú ngày càng nghiện nặng. Ban đầu, chú chỉ vui thú khi tập hợp được bè bạn. Về sau, chú có thể ngồi uống một mình, rồi đến độ bữa ăn nào cũng phải có chai rượu bên cạnh. Gia đình hầu như không có ngày bình yên. Một thời gian dài, cửa lớn cửa nhỏ trong nhà họ đều trơ khung sắt, vì sau những lần xung đột, kính cứ thay xong lại vỡ, lại thay. Trên tay cô lộ rõ mấy vết sẹo lồi và mắt trái của chú không còn nhìn thấy rõ. Đó là hậu quả của những lần kẻ say người bức xúc, dẫn đến chẳng ai nhịn nhường ai.

Sự tàn phá của ma men khiến chú già yếu nhanh hơn những người đàn ông bình thường. Mang nhiều bệnh nan y, chú năm lần bảy lượt kiêng rượu mà vẫn không xong. Anh con trai lớn bây giờ “nối gót” cha, hôm nào đi làm về cũng nồng nặc bia rượu. Thêm hai cậu con rể không chịu thua kém anh vợ. Thử tưởng tượng phải sống trong ngôi nhà nhỏ thường xuyên có bốn người đàn ông say xỉn quậy phá để hiểu sự khốn khổ của người phụ nữ và nhất là những mái đầu trẻ thơ. Trụ cột triền miên chìm trong hơi men nên mấy mẹ con cô buộc phải gánh vác kinh tế gia đình. Dù cật lực thế nào, nhà cô vẫn thuộc diện nghèo nhất xóm.

Mới đây, bốn cha con cùng “gầy tiệc” rồi phát sinh mâu thuẫn lúc đã ngà say. Anh con trai vác hung khí rượt cha và hai cậu em rể chạy khắp xóm. Cô can ngăn, bị con đánh một gậy vào lưng, đến nỗi phải nhập viện.

Có lần, tôi hỏi con trai cô rằng nhậu có ngon không. Anh cười, bảo say thử một lần thì biết. Anh chê tôi, nói con trai mà không biết nhậu là “đồ bỏ”. Rồi anh tâm sự, ngày xưa chẳng biết tại sao mình lại tập uống rượu. Có lẽ tại buồn chán, tại thất vọng về gia đình của mình. Hồi nhỏ, chứng kiến ba má đánh nhau, anh thề lớn lên sẽ không đụng đến một giọt rượu nào. Vậy mà…

Tôi kể cho ba tôi nghe lời bộc bạch của anh hàng xóm. Ba tôi không ngạc nhiên: “Hồi còn trẻ, ba nó cũng nói với ba những lời giống như thế”. Tôi giật mình. Một thế hệ đã đi qua, một thế hệ tiếp nối lặp lại và một thế hệ tiếp nữa cũng đang trượt trên chính những sai lầm cũ. Biết rõ sự chịu đựng của người thân, biết rõ nỗi buồn của con trẻ, vậy tại sao họ không dứt ra được?

Nhớ hôm gia đình họ ẩu đả, mấy cháu nhỏ sợ hãi trốn ngoài bụi chuối. Đầm đìa nước mắt nhưng không cháu nào dám khóc, sợ bị phát hiện. Mai này lớn lên, liệu các cháu có sống tốt, hay lại viện lý do “thất vọng gia đình”? Tôi lo, nếu người lớn không kịp sửa sai, bi kịch sẽ chất chồng.

 Thành Duy

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: vi motchunhau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI