Bạn thuộc nhóm yêu bếp hay ghét bếp?

18/04/2020 - 14:07

PNO - Có ai đó nói đùa, thế giới đang phân cực rõ rệt thành hai nửa: yêu bếp và ghét bếp. Thế giới món ăn mênh mông, bỗng nhiên trở nên hữu hạn trong căn bếp nhỏ và cũng từ đó, hàng loạt triết gia ẩm thực ra đời.

Nhóm yêu có thể biến hóa mọi thứ thành tác phẩm nghệ thuật, không gian bếp thành thiên đường. Một cọng mì nhỏ cũng đủ cho thấy độ tinh tế, khéo léo như một nghệ sĩ. Nhóm còn lại thì thôi rồi, luộc quả trứng cũng be bét, nghĩ tới vào bếp là ngao ngán nên suốt mùa cách ly vẫn phải làm thân với các app đặt món ăn.

Một gia đình quây quần nấu ăn ngày giãn cách xã hội. Ảnh minh hoạ
Một gia đình quây quần nấu ăn ngày giãn cách xã hội. Ảnh minh hoạ

Các chị em và khá đông anh em cả đời cơm hàng cháo chợ, giờ cũng tập tành lặt rau, chiên trứng mà có khi phải chiên sao cho quả trứng ra hình trái tim. Vì cuộc sống thay đổi, sinh hoạt thay đổi, nhịp sống xoay quanh ăn ngủ trong nhà nên cái bếp bỗng trở thành tâm vũ trụ. Không tin? Bạn cứ lên Facebook, Zalo, Instagram sẽ rõ: thức ăn… ngập mặt!

Những tâm hồn lãng mạn từng vỗ ngực “ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn” giờ bỗng… ve sầu thoát xác. Bởi còn đề tài gì chiếm tâm trí chúng ta nhiều hơn “bữa nay ăn gì” nữa đâu! 

Mọi người lên “tour cách ly” bao gồm lê từ giường ngủ ra bếp rồi lê về, nên ngày đâu chỉ ăn 3 bữa như nhu cầu cơ thể, mà có khi bày vẽ như trẻ ăn dặm 5, 7 bữa mỗi ngày. Thế giới món ăn mênh mông, bỗng nhiên trở nên hữu hạn trong căn bếp nhỏ và cũng từ đó, hàng loạt triết gia ẩm thực ra đời. 

Ta đang thuộc nửa nào của thế giới?

Có ai đó nói đùa, thế giới đang phân cực rõ rệt thành hai nửa: yêu bếp và ghét bếp. Nhóm yêu có thể biến hóa mọi thứ thành tác phẩm nghệ thuật, không gian bếp thành thiên đường. Một cọng mì nhỏ cũng đủ cho thấy độ tinh tế, khéo léo như một nghệ sĩ. Nhóm còn lại thì thôi rồi, luộc quả trứng cũng be bét, nghĩ tới vào bếp là ngao ngán nên suốt mùa cách ly vẫn phải làm thân với các app đặt món ăn.

Tôi bắt đầu đi chợ, nấu ăn từ 6 tuổi. Lớn lên, tôi đọc hàng ngàn cuốn sách, tạp chí, bài viết dạy nấu nướng, theo dõi các kênh dạy nấu ăn nổi tiếng. Tóm lại là chuẩn lý thuyết. Thế nhưng, tới giờ, sau 40 năm say mê dùi mài kinh sử, các món ăn tôi làm, có mùi vị và màu sắc luôn thua xa đứa con trai lớp Tám chẳng học hành gì!

Các nhà lý thuyết suông hay cho rằng, thời nay cứ lên Google có hết, thì đấy, cũng trên mạng xã hội đấy, bao nhiêu thất bại chua cay không chỉ trả giá bằng cái bụng đói, mà còn làm tuột hết nhuệ khí trong phong trào sôi nổi khoe món mình nấu và kết luận: giáo sư Google lừa ta quá thể! 

Cùng với việc thế giới người ở nhà chia hai nửa yêu bếp - ghét bếp, các cuộc luận bàn về thiên chức, về nữ quyền, nam quyền cũng rầm rộ trên các diễn đàn, các trang cá nhân của KOLs. Mỗi người mỗi quan điểm, một góc nhìn. Đông nhất vẫn là trường phái cho rằng bếp thuộc về đàn bà. Bếp ấm thì nhà ấm, chân đế của hạnh phúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Họ nói những câu không bao giờ cũ: thiên chức của phụ nữ là nuôi con, vào bếp; của đàn ông là ra ngoài săn bắt, hái lượm. Chỉ đàn bà mới tỉ mẩn đong đầy yêu thương trong từng cọng rau, miếng thịt cho chồng con và ra sức chăm chút cho cọng rau ấy tươi nhất, miếng thịt ấy thấm gia vị ngon nhất. Đàn ông mà tính từng mi-li-lít nước mắm, từng củ hành củ tỏi thì nó hèn đi, sao mà làm việc lớn? Kết luận: đàn ông chỉ nên phụ giúp vợ khi họ hứng thú.

Phản đề quan điểm này là nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” ra đời ngay trong mùa cách ly với lượng thành viên tăng chóng mặt. Ngoài những hình ảnh vui cười là những chia sẻ thất bại trong chiến trường bếp. Những món ăn hỏng, những tai nạn nhà bếp phản ánh cuộc sống thực với đầy áp lực của đàn bà. Có ai đó nói vui: “Hóa ra không chỉ mình mình áp lực với các master chef đầy rẫy trên Facebook, mà còn rất đông đồng bọn. Nhẹ cả người!”.

Với Chí Phèo, món cháo hành Thị Nở rất ngon

Nhiều người nói, mùa cách ly là mùa… cãi nhau. Do không đi làm, không la cà quán xá nên ai nấy đều lên mạng like, “còm”, chat chít nhiều hơn. Ngoài những người xác định được mạng xã hội là nơi vui chơi, giãi bày, chia sẻ để tăng năng lượng tích cực, thì có rất nhiều người lên để cãi cọ.

Cãi cọ chuyện làm bếp bây giờ không chỉ có đàn bà, đàn ông trai tráng cũng “đông như quân Nguyên” với những lời miệt thị tung ra hỉ hả. Tôi không cổ vũ lối sống nhếch nhác, những căn bếp dơ bẩn, những món ăn cố tình hay vô tình mà có tạo hình phản cảm, nhưng không thấy hợp thì tôi rút lui, xem đó là một mặt khác của thế giới bếp, mình không thuộc về đó thì thôi. 

Tôi đồng ý rằng phải nâng tầm cuộc sống lên, không chỉ ăn no, mặc lành, mà phải ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng thế nào là ăn ngon mặc đẹp đâu dễ xác định. Đẹp với người nhưng lại trái mắt với người khác. Xã hội muôn màu con người cũng vô vàn thú vị, hà cớ gì phải đi vào những công thức răm rắp mà chê bai, gây áp lực cho nhau?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ai đó nói, muốn nấu ăn ngon chỉ cần học. Có lẽ chỉ đúng một nửa, bởi nấu ăn là bản năng, là năng khiếu trời cho. Có chị cứ ném rau vào nước là có canh ngon. Nhưng có chị từng đi học nữ công gia chánh hết nhà văn hóa này tới lớp nấu ăn của đầu bếp nọ mà luộc rau cả đời vẫn thâm xì, đỏ quạch; cắm nồi cơm phải dùng ngón tay đo nước mà khi khô khi nhão.

Tôi nghĩ, tài nấu ăn cũng giống việc một số người sinh ra đã có thể ngồi yên, tỉ mẩn khâu vá, nhưng người khác khi bị cách ly trong bốn bức tường sẽ stress. 

Cổ vũ khen ngợi người giỏi giang bếp núc là việc nên chứ. Nhưng thế nào là dở, là giỏi, cũng chỉ trên một tiêu chuẩn so sánh nào đó thôi. Sau người giỏi này sẽ có người ở tầm giỏi khác và họ sẽ sẵn lòng phán “không ngon!”. Cũng như bạn luôn thấy cơm mẹ nấu là ngon nhất. Thế nhưng mẹ bạn chưa chắc nấu ngon hơn mẹ người khác và cũng chẳng nên so sánh làm gì. Mẹ bạn nấu cho bạn với tất cả yêu thương, hiểu thói quen và khẩu vị của bạn, rồi bạn ăn với tất cả sự biết ơn… thì đó là món ăn ngon nhất rồi.

Mẹ chồng và chị chồng của tôi đều có khiếu nấu nướng. Họ nấu ăn bài bản, có thể mở tiệm, nhưng tôi lại không bao giờ muốn ăn món họ nấu. Vì họ hay dò xét, chê bai chuyện nhà chuyện xã hội bên bàn ăn.

Nhóm Ghép bếp, không nghiện nhà đang là hiện tượng của mạng xã hội
Nhóm "Ghét bếp, không nghiện nhà" đang là hiện tượng của mạng xã hội

Yêu hay ghét, ngon hay dở, suy cho cùng chỉ là khái niệm thuộc về cảm xúc. Mà cảm xúc thì không phải đồ thị thẳng tắp. Lúc này tôi rất yêu bếp vì tôi tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi lăng xăng rửa chén, lặt rau phụ việc cậu con trai. Cũng có thời điểm trong đời, tôi giật mình khi phát hiện cả 5-7 năm tôi không còn vừa đứng nấu vừa hát như hồi trẻ. Có thời điểm nấu nướng là áp lực, 12g đêm tôi chưa xong món cháo sáng mai cho con để đi làm, cái bếp còn dính bẩn và trên lầu là nùi công việc chưa giải quyết. Lúc ấy tôi sợ bếp. Một nỗi sợ không sao gỡ ra được.

Tôi biết quá nhiều chị kết hôn 10 năm vẫn không có khả năng cắm thành công một nồi cơm điện, những chị khác không thể luộc một miếng thịt cho chín hay chiên trứng cho mượt mà. Chẳng sao cả, họ vẫn có cuộc đời, gia đình và hạnh phúc của họ.

Tôi cũng biết vô số bạn nấu ngon, nấu giỏi mà không hề yêu bếp, đồng thời đó là vô số bạn nấu rất vụng nhưng si mê căn bếp nhà mình. Thị Nở chắc chắn yêu cái bếp nhá nhem của thị, vì nó giúp ra đời món cháo hành ấm lòng người đàn ông thị yêu. Nếu người đàn ông ấy chết rồi, thị sẽ nấu với tâm thế khác. Nếu người đàn ông ấy không chết mà bạc bẽo hoặc bạo hành, thị sẽ nấu với đôi mắt vằn đỏ và dằn mâm dằn chén cũng nên. 

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI