Bạn đời đồng tính

26/09/2014 - 19:30

PNO - PN - Quen mặc định giới tính dựa vào ngoại hình, ít ai có nhu cầu tìm hiểu giới tính của người mình sẽ lấy làm vợ/chồng. Cho nên, khi nhận ra rằng ngoại hình đã không “thông tin” đúng về người mình đang chung sống, người ta...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ban doi dong tinh

Không chấp nhận sự thật

Sốc, hoang mang, tổn thương tâm lý nặng nề là những điều mà người trong cuộc phải đối mặt. Tùy vào nhận thức và tính cách mà mỗi người phản ứng khác nhau, nhưng những phản ứng ban đầu lúc nào cũng đầy tuyệt vọng.

Hai năm trước, anh Ngô Văn Nguyện, giáo viên thể dục của một trường cao đẳng đem lòng say mê vẻ ngoài ngồ ngộ và cá tính nổi loạn của cô học trò Hoàng Thanh Thảo. Vì tuổi tác chênh lệch, lại thêm yêu quý tính cách của Thảo, bao nhiêu đòi hỏi của cô đều được Nguyện đáp ứng. Ngoài việc khẳng định mình rất truyền thống trong quan niệm về trinh tiết, Thảo còn đặt ra những nguyên tắc quái chiêu, kiểu như, không được hôn nhau quá ba lần/tháng, không được can dự vào chuyện bạn bè của nhau.

Chẳng ngờ, đến khi cưới nhau, những nguyên tắc ấy vẫn không thay đổi. Thậm chí, Thảo còn tự canh ngày rồi chỉ định vài ngày được phép… quan hệ tình dục trong tháng. Quá sức chịu đựng, Nguyện phản ứng thì Thảo cũng tung hê “không ở được thì chia tay!”. Ngay hôm sau, Thảo dắt cô bạn thân về nhà ở lại mấy ngày liền, rù rì chuyện trò thâu đêm suốt sáng. Đến ngày thứ năm, Nguyện bóng gió khó chịu về “vị khách” kia thì Thảo lạnh lùng tuyên bố: “Tôi yêu cô ấy!”.

Cú sốc ấy như biến Nguyện thành con người khác. Ý nghĩ bị lừa dối suốt thời gian qua khiến anh trở nên lầm lì, cục tính. Một mặt, anh tìm đọc tất cả các tài liệu liên quan đến cộng đồng LGBT(*); mặt khác, anh hằn học, dằn hắt vợ. Thảo năm lần bảy lượt bày tỏ nỗi khổ tâm của mình và đề nghị ly hôn, anh đều gạt phăng đi. Tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý, được giải thích đủ điều, Nguyện vẫn khăng khăng không chịu buông tay, bởi “ly hôn tức là chấp nhận cô ấy đồng tính”…

Thực chất, không ít người xem đồng tính là điều kỳ dị, là “tội lỗi không thể chấp nhận”; hoặc phổ biến hơn, người ta xem đó là một nỗi bất hạnh, thay vì tin rằng đó là điều bình thường, hiển nhiên cần được chấp nhận. Khi gia đình và xã hội vẫn chưa thực sự cởi mở, khi những thông tin khoa học về cộng đồng LGBT chưa được nhiều người đón nhận, thì sẽ không ít người nhầm lẫn giữa việc “chấp nhận sự thật” và “chấp nhận thua cuộc” trước người đồng tính. Nhưng, dù cho hành trình nhận thức có khúc khuỷu, gập ghềnh, người ta không còn lựa chọn nào khác là phải bước qua.

Ban doi dong tinh

Níu giữ

Thế nhưng, khi đã chấp nhận người đầu ấp tay gối của mình là người đồng tính, những bước đi tiếp theo cũng chẳng mấy dễ dàng.

Tết năm 2014, cúng giao thừa xong, anh Nguyễn Ba (Q.8) biến mất suốt ba ngày. Chị Đào Tuyết Hằng, vợ anh tất tả tìm chồng khắp nơi. Hết Tết, anh về, nói với vợ vỏn vẹn mấy chữ xin lỗi rồi vô phòng làm việc, ở lỳ, mặc chị sốt ruột hỏi han.

Lục lọi mớ hành trang đã theo anh trong cuộc biến mất bí ẩn, chị không thấy gì ngoài vài món đồ mới chồng mua trên đường đi. Nào ngờ sáng hôm sau, một cậu đồng nghiệp vẫn công khai mình là gay mặc cái áo khoác giống hệt chiếc áo chị vừa giặt cho chồng đêm qua. Thấy lạ, nhưng chị không hỏi han anh được lời nào dù hai vợ chồng làm cùng công ty. Một buổi tối lướt Facebook, chị lại bắt gặp tấm hình chụp anh và cậu đồng nghiệp cởi trần, khoác tay nhau đứng trên bãi biển. Hình ảnh được chính cậu ta đăng trên Facebook kèm những câu chữ ngọt ngào kể về chuyến đi Vũng Tàu vừa qua. Không kịp suy nghĩ, chị phóng qua phòng làm việc tìm anh. Những điều kỳ lạ về chuyến đi, về chiếc áo khoác và cả tấm hình trên Facebook được chị rành mạch nêu ra, anh đều lờ đi, chỉ bình thản đề nghị ly hôn để… giải thoát cho chị. Anh phủi bỏ mọi nỗ lực đối thoại của chị bằng câu nói: “Đừng hy vọng tình yêu nơi anh”.

Những ngày sau, nhà cửa rơi vào im lặng; chị đón đứa con đang gửi dưới quê lên để chăm sóc, bầu bạn. Anh vẫn lặng lẽ đi về, ngay cả việc ngủ chung, anh cũng từ chối. Cậu đồng nghiệp trẻ kia xin nghỉ việc. Anh cũng không nhắc đến chuyện ly hôn thêm lần nào. Còn chị, viễn cảnh mù mờ đằng sau hành trình “giải thoát” không khiến chị đủ can đảm để dứt ra. Nửa năm qua, chị cứ lặng lẽ thả trôi mình qua những ngày “yên ổn”: đi làm, đi chợ, chăm con. Mặc tiếng đời cười nhạo, chị vẫn muốn giữ quan hệ, bởi "anh chưa đoạn tuyệt tức là anh vẫn còn cần vợ”.

Cũng như chị Hằng, không hiếm người chọn cách im lặng duy trì cuộc hôn nhân như chuyện đã rồi, vì danh dự gia đình, vì tình yêu. Việc có người bạn đời đồng tính, xét cho cùng, cũng giống như việc chung sống với người không yêu mình, mọi nỗ lực hàn gắn hôn nhân cũng không hy vọng. Chọn cách của chị Hằng, nghĩa là đồng thời từ bỏ những khao khát về hạnh phúc riêng tư. Phụ nữ Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn này, để toàn vẹn gia đình. Để lựa chọn việc tiếp tục hay “giải thoát”, bạn cần hiểu rõ xu hướng của bản thân mình. Nếu vẫn còn khát vọng yêu đương, vẫn còn bị hấp dẫn với trò chơi tình ái thì việc níu giữ cuộc hôn nhân này sẽ chỉ làm hoang phí thời gian của cả hai bên. Trong khi, nguyện vọng được giải thoát để sống hạnh phúc vẫn luôn chính đáng với mọi người.

Hôn nhân bình phong

Chị Đinh Hồng Hạnh - chuyên viên tư vấn của Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) gọi hôn nhân giữa người đồng tính và người dị tính là “hôn nhân bình phong”, là một lựa chọn bi kịch của người đồng tính. Cho đến giờ, áp lực gia đình và xã hội, cộng với bao nhiêu kỳ vọng buộc phải đáp ứng vẫn đưa rất nhiều người đồng tính đến với lựa chọn này. Theo chị Hạnh, khi sự việc vỡ lở, nếu càng quẫy đạp bằng những phản ứng tiêu cực, người trong cuộc sẽ chỉ vướng víu nhiều hơn trong những rối rắm vốn đã không dễ dàng tháo gỡ. Việc đầu tiên mà những người vợ/chồng này cần phải làm là nhìn thẳng vào vấn đề, tìm ra sự thật bằng những thông tin khoa học. Họ phải vượt qua được tường thành tự ái và mặc cảm bị dối lừa để bày tỏ cùng nhau; hoặc trực tiếp, hoặc qua thư tay, tin nhắn, email. Hiểu rõ suy nghĩ của nhau là điều đầu tiên cần làm, rồi tùy vào bản lĩnh và quan niệm sống của mỗi người mà đưa ra một quyết định sáng suốt.

Mặt khác, chị Hạnh cũng chia sẻ, trong cả hai trường hợp, chị Thảo và anh Ba đều có thể là một người song tính (người yêu được cả người nam và nữ, trong những thời điểm khác nhau). Với người bạn đời song tính, nếu người còn lại đủ khéo léo thì hôn nhân vẫn có thể được cứu vãn.

 Minh Trâm

(*) LGBT là viết tắt của cụm từ lesbian, gay, bisexual và transgender/transsexual (những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính luyến ái, hoán tính/chuyển đổi giới tính).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI