“Bà chằn”

04/04/2014 - 17:08

PNO - PN - Có mau mà dậy đi không?

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau khẩu lệnh ấy, nếu thấy nó không động đậy gì, thể nào mẹ cũng giật tung cái chăn nó đang đắp trên người và bắt đầu “bài ca vọng cổ” mà nó đã thuộc làu.

Uể oải bước ra khỏi giường, nó làu bàu sau lưng mẹ vài câu đủ nhỏ để mẹ không nghe thấy.

Nhiều lúc nhìn đám bạn thân, nó cứ ao ước: Sao mà chúng nó sướng thế, bố mẹ nâng như nâng trứng, ngoài việc học chẳng phải động tay vào việc gì, thích cái gì có cái đấy. Ngày nghỉ, bạn nó thích ăn gì, chơi gì tùy thích chứ không như nó, ngủ nướng một chút mẹ cũng gào ầm lên, cái điện thoại rẻ tiền tậm tịt muốn đổi cái khác cũng chờ mẹ xem xét. Mà kinh tế nhà nó có đến nỗi nào đâu. Đó là chưa kể nỗi bực bội khi vừa ngồi lướt web được vài phút đã bị mẹ gọi, sai làm việc này, giục làm việc kia; xin tí tiền tiêu vặt cũng bị nhắc nhở. Không chỉ có dịp hè, Tết, cứ mỗi tháng một lần bị mẹ “triệu” về quê thăm ông bà, cô chú… Trong mắt nó, mẹ nó chẳng khác nào một "bà chằn" vừa nóng tính, vừa khó chịu lại nhiều lời.

“Ba chan”

Hồi còn học cấp III, nó ấp ủ ý định lúc nào ra trường đi làm có tiền nó sẽ thuê nhà ở riêng. Chị họ nó cảnh báo: một mình thuê nhà ở cũng chẳng dễ dàng và sung sướng gì đâu. Nhưng nó không bận tâm. Chí ít thì nó cũng thoát được sự xét nét và khắt khe hàng ngày của mẹ.

Ra trường đi làm, cái ý định đó đành gác sang một bên vì tiền lương không nuôi nổi bản thân. Hàng tháng, nó không xin tiền mẹ nhưng tiền điện nước, dầu gội, xà phòng… mẹ đều “bao cấp”. Và thế là bất đắc dĩ nó phải học cách sống tiết kiệm, cách lo toan, chăm chút mọi công việc trong nhà.

Nó 25 tuổi. Bạn bè cùng lứa rục rịch lấy chồng. Đứa đám cưới rình rang, đứa tổ chức bữa tiệc vu quy đầm ấm. Nó cũng có vài anh chàng đeo đuổi nhưng cứ nghĩ đến việc buộc mình vào cái bổn phận làm vợ, làm mẹ lại thấy ái ngại nên cứ lững lờ. Thấy nó “án binh bất động”, mẹ nó nhắc: "Con gái có thì, kén cá chọn canh hay ham chơi lắm rồi đến khi hết xuân phai sắc, muốn có đứa con ẵm bồng cũng khó".

Năm lần bảy lượt nghe mẹ giáo huấn rồi nó cũng chịu lên xe hoa. Chồng nó là cậu bạn cùng tuổi học cùng trường và là con út trong gia đình đông con, kinh tế cũng chẳng khá giả gì. Ngày hai bà thông gia gặp mặt nhau, mẹ chồng tương lai nó tốt bụng, thật thà, vẻ mặt băn khoăn:

- Con gái bà từ nhỏ sống sung sướng, không biết về nhà tôi nó có chịu được không?

- Bà cứ yên tâm. Từ nhỏ, cháu nó cũng đã được răn dạy, uốn nắn rồi bà ạ. Nhưng là dâu con trong nhà, tránh sao được sai sót, va vấp, có gì nhờ bà chỉ bảo thêm.

Năm năm sau, đám bạn bè nó có vài đứa ly hôn, vài đứa cứ gặp mặt là than thở, mệt mỏi vì phải lo toan nhiều thứ, có đứa bất hòa với bố mẹ chồng, nhưng nó vẫn sống bình yên, hạnh phúc bên chồng và hai đứa con. Vợ chồng nó cũng đã dành dụm mua được một căn hộ nhỏ.

Cũng chưa có gì to tát nhưng bạn bè nhiều đứa ngưỡng mộ nó giỏi vượt khó. Còn mẹ nó, mỗi lần gặp bà thông gia lại mát mặt vì được tiếng khen có đứa con gái ngoan, chịu khó, biết đối xử, biết lo toan công việc nhà chồng.

Chưa một lần nói ra nhưng trong lòng nó biết ơn mẹ nhiều lắm. Nếu không có “bà chằn” khó tính dày công “khổ luyện”, liệu nó có được cứng cáp để đương đầu với cuộc sống?

 Thu Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI