Anh ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 kéo dài hơn 1 năm

22/04/2022 - 06:29

PNO - Các nhà nghiên cứu tại nhiều bệnh viện ở London kêu gọi các phương pháp điều trị mới khẩn cấp cho những bệnh nhân nhiễm bệnh dai dẳng.

Mới đây, Anh đã báo cáo về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 lâu ngày, trong đó 2 người nhiễm bệnh kéo dài hơn 1 năm.

Cụ thể, 1 bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc COVID-19 vào năm 2020 và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus trong 505 ngày trước khi chết. Trước đây, trường hợp mắc COVID-19 kéo dài nhất được xác nhận bằng PCR được biết đến là một người Mỹ sống sót sau ung thư ở độ tuổi 40, có kết quả dương tính trong 335 ngày.

Các bác sĩ tại Guy cho biết ghi nhận một vài trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài.
Các bác sĩ tại Guy ghi nhận một vài trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài

Ngoài bệnh nhân nhiễm bệnh trong 505 ngày, một bệnh nhân thứ hai cho đến nay đã có kết quả dương tính trong 412 ngày và có thể vượt quá kỷ lục 505 ngày vào cuộc hẹn tái khám tiếp theo. Mùa hè năm ngoái, các bác sĩ ở Bristol tiết lộ rằng một bệnh nhân 72 tuổi, Dave Smith, đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong gần 10 tháng.

Các nhà nghiên cứu tại King's College London và Quỹ tín thác NHS của Guy và St Thomas đã theo dõi 9 bệnh nhân bị nhiễm bệnh dai dẳng để xem virus tiến triển như thế nào trong quá trình lây nhiễm của họ. Tất cả bệnh nhân đều bị suy giảm hệ thống miễn dịch do cấy ghép nội tạng, nhiễm HIV, ung thư hoặc các liệu pháp điều trị bệnh khác.

Các ca nhiễm bệnh thường kéo dài trong 10 tuần hoặc lâu hơn. Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu đặc biệt dễ bị nhiễm virus kéo dài. Trong nghiên cứu mới nhất, bốn trong số chín bệnh nhân đã chết, và COVID-19 được xem là nguyên nhân dẫn đến tử vong chiếm đến 33-50% số ca. 

Các phân tích di truyền cho thấy 5/9 bệnh nhân, ít nhất có một đột biến được tìm thấy trong các biến thể đáng lo ngại. Loại virus thu được từ bệnh nhân bị nhiễm trong 505 ngày mang 10 đột biến phát sinh riêng biệt trong một số biến thể chính bao gồm Alpha, Gamma và Omicron.

Một bệnh nhân khác trong nghiên cứu có khả năng đã bị nhiễm virus “bí ẩn” hiếm gặp, khi xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 mặc dù đang bị nhiễm bệnh. Sau khi nhiễm biến thể Alpha vào năm 2021, các triệu chứng của bệnh nhân giảm dần và xét nghiệm âm tính nhiều lần nhưng sau đó biến thể Alpha quay trở lại và gây ra các triệu chứng khác, mặc dù biến thể này không còn tồn tại ở Anh. Theo các chuyên gia, virus có thể đã ẩn náu sâu trong phổi của người bệnh, nơi mà các cây chọt mũi và họng không thể phát hiện ra nó.

Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết có thể có một số người sẽ không bao giờ hết nhiễm virus. Trong khi các loại thuốc kháng virus và liệu pháp kháng thể giúp ích cho nhiều bệnh nhân, thì các phương pháp điều trị bằng kháng thể tại các phòng khám ngày nay kém hiệu quả hơn đối với Omicron so với các biến thể trước đây. 

 Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI