103 tuổi, ngoại vẫn cầm đinh, cầm búa

12/09/2022 - 10:43

PNO - Ngoại năm nay đã 103 tuổi, vẫn còn cầm đinh, cầm búa tra cán cuốc, đóng từng nhát chính xác không trật phát nào.

Ngoại tra cán cuốc
Ngoại tôi 103 tuổi, vẫn tra cán cuốc


Vừa thấy tôi về thăm nhà, sau giây phút ôm hôn hỏi han nói cười hỉ hả, ngoại “nhờ vả” luôn: “Mai con có đi chợ, mua giúp ngoại cái cán cuốc, hôm bữa đào hố trồng cây chuối, cán cuốc cũ quá gãy mất rồi. Nói mẹ con rồi mà quên miết. Không có cuốc cào, cỏ dại lên đầy vườn”. 

Tôi chưng hửng, cha và em trai tôi đang vắng nhà, ngoại mua cán cuốc mang về thì ai tra? Như đoán được thắc mắc của tôi, ngoại cười cười nói: “Bây đừng có mà coi thường bà già này nha. Ngoại vẫn tra cán cuốc, vẫn dọn cỏ, làm vườn bình thường à nghen”.

Tôi nhìn ngoại ngạc nhiên quá đỗi. Ngoại năm nay đã 103 tuổi, vẫn còn cầm đinh, cầm búa tra cán cuốc, đóng từng nhát chính xác không trật phát nào.

Rồi không đợi tôi hỏi thêm, ngoại chỉ đàn gà lúc nhúc trong chuồng mà hằng ngày bà vẫn băm rau, trộn cám nuôi lớn. Vườn rau xanh mướt quanh nhà nào khoai lang, rau muống, diếp cá, xà lách nhật… cũng công ngoại gieo trồng, chăm sóc, bắt sâu, nhổ cỏ mà hình thành.  

Nhớ cái đận năm ngoái, ngoại trồng nhiều rau, gà nuôi đẻ nhiều trứng, nhà ăn không hết. Ngoại hái rau, cột từng bó, lặt ngọn bí bỏ vào từng bịch nhỏ, mang trứng gà ra, bày hàng lên tấm bao bố đặt trên thềm hè trước nhà, bán cho người quen quanh xóm.

Nhiều người đi ngang tỏ lòng xót thương, nhiều tiếng xầm xì: “Con cháu đâu không nuôi mà để bà già cặm cụi bán từng bó rau đắp đổi qua ngày”. Nghe điều tiếng, mẹ tôi và các dì cương quyết không cho ngoại ra ngoài bày rau, trứng gà ra bán nữa. Rau nhiều quá thì mang cho quanh xóm, trứng gom lại rồi gửi con cháu xa nhà. Cả nhà quyết tâm không cho ngoại làm bất cứ thứ gì, chỉ ăn chơi ngủ nghỉ mà thôi.

Không được làm việc, người trở nên bải hoải, bần thần, rồi ngoại lăn đùng ra bệnh một trận thừa sống, thiếu chết. Những ngày tôi ở bệnh viện chăm ngoại, lúc nào tỉnh dậy, ngoại cũng cầm tay tôi năn nỉ: “Khi nào ngoại ra viện, con nói mẹ và các dì cho làm việc lại nghen. Chứ ở không, chân tay thừa thãi, giống sống thừa, người cứ yếu dần đi”.

Ngoại ra viện, mẹ tôi và các dì không ai còn dám cản ngăn ngoại làm việc. Gà lại đầy chuồng, rau quả cây trái lại lúc lỉu khắp vườn. Nhiều khi thấy ngoại luôn tay làm việc, bê thúng rau, mài dao, tra cuốc… mọi người trong nhà lao vào làm giúp mau mau để ngoại được nghỉ ngơi. Nhưng mà không, xong việc này lại lòi ngay ra việc khác. Ngoại bảo mình ở không là cuồng chân, cuồng tay, không chịu được, mệt người. Nói rồi ngoại “bới” việc ra làm. 

Ngoại lựa tìm những tấm vải lành lặn, tự cắt ra khâu áo cho mình. Những chiếc áo len cũ bị sứt chỉ, ngoại tháo ra, đan lại. Ngoại tự xỏ kim mà không cần phải nheo mắt đeo kính, đường kim mũi chỉ không còn đều đặn nhưng vẫn ngay hàng thẳng lối cho ra một chiếc áo lành lặn. Dù trong tủ đồ, ngoại có rất nhiều quần áo đẹp nhưng ngoại rất thích những chiếc áo tự khâu của mình, mặc hoài. Ngoại bảo những thứ gì mình tự tay làm ra, dùng thích hơn đi mua.

Ngoại nay đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh” nhưng vẫn luôn giữ nếp sinh hoạt từ xưa đến giờ. Cứ 5g sáng, ngoại dậy tập thể dục trường sinh dưỡng lão. Không huyết áp, không tim mạch, không xương khớp, không mỡ máu… Bác sĩ kiểm tra bảo ngoại “cứ vô tư mà sống”. 

Khi vận động cơ thể và ăn sáng xong, ngoại ra vườn và bắt đầu một ngày làm việc của mình. Trừ những khi ốm đau, mệt mỏi, bà mới phải nhờ đến con cháu. Bình thường ngoại cũng tự giặt quần áo, căn phòng riêng của ngoại được ngoại lau dọn sạch như lau như li, lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp thơm tho sạch sẽ. Đi xa thì thôi, về đến nhà, đứa cháu nào cũng muốn vào phòng ngoại, ôm bà hít hà rồi ngã ra giường nằm nghe bà kể chuyện.

Ngoại là cả một kho tàng chuyện xưa, chuyện nay, bà hình như không quên bất cứ chuyện gì. Chuyện nào ngoại cũng nhớ cụ thể, rõ ràng, chi tiết, chúng tôi chỉ còn tròn mắt ngồi nghe. 

Những câu chuyện của chúng tôi từ ngày còn lẫm chẫm biết đi, khi nào cũng được ngoại kể đi kể lại làm chị em tôi cười ngả cười nghiêng. Chuyện vui bà kể nhiều lần, nhất là những chuyện ngoại vào TPHCM thăm chúng tôi. Chị em chúng tôi đứa đi học, đứa đi làm. Bà ở nhà một mình, dọn dẹp thu giở hết tủ đồ của mấy đứa cháu ra xếp đi xếp lại. Đến khi chúng tôi lấy đồ, tìm mãi không ra vì ngoại xếp gọn gàng quá.

Ở thành phố, mấy đứa cháu đi làm, ngoại chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong nhà, chưa được ba bảy hai mươi mốt, ngoại đã một hai đòi về với rẫy vườn. Ngoại bảo tay chân ở không, không được làm việc, tù túng khó chịu.

Vườn rau của ngoại
Vườn rau của ngoại

Ông ngoại mất từ khi bà còn rất trẻ. Một mình ngoại thức khuya, dậy sớm buôn gánh bán bưng, lo việc nhà, việc nước nuôi bốn đứa con nên vóc nên hình. Thời chiến, những đận giặc càn quét, gánh con chạy giặc vất vả cơ hàn, đói triền miên... ngoại kể lại rành rọt như mới vừa xảy ra hôm qua, như ngay trước mắt. 

Ngoại cười thật tươi: “Những gì đã trở thành kỷ niệm thì không thể nào quên. Còn thì bà cũng đã quên nhiều chuyện rồi, nhất là những chuyện không vui, nhớ làm chi!”.

Tôi hỏi sao ngoại hay quá, chuyện chi cũng rành rẽ, trí óc vẫn còn minh mẫn, không nhớ nhớ quên quên. Ngoại nói: “Già gì thì già nhưng không được để già trí não. Cũng phải rèn luyện giữ lắm mới được như thế. Bằng cách nào ư? Thì thường xuyên cập nhật tri thức bằng cách đọc sách báo, nghe thông tin thời sự để trí não không bị lão hóa”.

Ngoại cho tôi hiểu thêm về quan điểm sống, chọn lựa những chuyện vui, còn chuyện buồn bỏ qua. Những hận thù, sân si quên càng nhanh càng tốt. “Đời mình, mình cứ bình tĩnh sống, siêng năng vận động cả tay chân lẫn đầu óc, rồi thì mọi chuyện cũng an bình vượt qua, sẽ sống vui, sống khỏe cho đến già”.

Ngoại nhìn tôi âu yếm mỉm cười. Hàm răng ngoại còn nhóng nhánh nhai hạt mắc ca rôm rốp, vẫn đều tăm tắp vẹn nguyên, chưa rụng chiếc nào. 

Thuỷ Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI