WHO phê duyệt vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc

08/05/2021 - 07:10

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa thông báo phê duyệt vắc-xin COVID-19 Sinopharm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Như vậy, Sinopharm là vắc-xin COVID-19 đầu tiên do một quốc gia không thuộc các nước phương Tây phát triển giành được sự ủng hộ của WHO. 

"Chiều nay, WHO đã đưa vắc-xin COVID-19 của Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp, biến nó thành vắc-xin thứ sáu nhận được chứng nhận của WHO về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng" - Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói trong một cuộc họp báo.

Ông Tedros cho biết thêm, một nhóm chuyên gia riêng biệt đã khuyến nghị tiêm hai liều vắc-xin Sinopharm cho những người từ 18 tuổi trở lên. 

WHO trước đây đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin COVID-19 do Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson… phát triển.

WHO phê duyệt vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc.
WHO phê duyệt vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc

Quyết định phê duyệt vắc-xin Sinopharm được thực hiện bởi nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO, nhóm này đã bắt đầu họp vào ngày 26/4 để xem xét các dữ liệu lâm sàng mới nhất cũng như phương thức sản xuất của Sinopharm.

Trong khi đó, một nhóm chuyên gia riêng biệt của WHO, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược (SAGE), từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng ở một số bệnh nhân từ dữ liệu do Sinopharm cung cấp. Dẫu vậy, nhóm vẫn tin tưởng vào khả năng phòng bệnh của vắc-xin.

SAGE nhận thấy Sinopharm có hiệu quả 78,1% trong việc phòng ngừa COVID-19 sau hai liều tiêm trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở nhiều quốc gia. Trước đó, nhà phát triển vắc-xin, Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh, thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc, đã công bố hiệu quả của vắc-xin này lên đến 79,34%.

Sau Sinopharm, WHO đang cân nhắc và ngay trong tuần tới có thể đưa ra quyết định về vắc-xin COVID-19 khác của Trung Quốc do Sinovac Biotech sản xuất. Trung Quốc đã triển khai khoảng 65 triệu liều vắc-xin Sinopharm và hơn 200 triệu liều vắc-xin Sinovac. Cả hai đều đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, những nơi gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vắc-xin được phát triển ở phương Tây.

Chung Thu Hương (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI