WHO: Ấn Độ không phải là điểm nóng COVID-19 duy nhất trên toàn cầu

03/05/2021 - 06:45

PNO - Không riêng Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước Mỹ Latinh cũng đang hứng chịu những đợt tái bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.

12 tháng đã trôi qua nhưng những cảnh tượng tàn khốc của dịch bệnh tiếp tục hiện rõ ở Ấn Độ, nơi các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải bởi số ca mắc COVID-19 hàng ngày liên tiếp lập kỷ lục cùng hàng ngàn người chết vì thiếu oxy.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là điểm nóng COVID-19 duy nhất trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phong tỏa toàn quốc từ ngày 28/4, khi tỷ lệ lây nhiễm tại đất nước này đã ở mức cao nhất châu Âu.

Trong ngày 2/5, Iran cũng ghi nhận số người chết mỗi ngày vì dịch COVID-19 kỷ lục từ trước đến nay, nhiều thị trấn và thành phố buộc tái phong tỏa một phần để hạn chế sự lây lan trên diện rộng. Tổng thống Iran Hassan Rouhani thừa nhận nước này đang phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ 4.

Các công nhân làm việc liên tục tại lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ.
Các công nhân làm việc liên tục tại lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ

Trong khi đó, bức tranh COVID-19 trên khắp Nam Mỹ cũng ảm đạm không kém. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Brazil có hơn 14,5 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 400.000 người chết được xác nhận, là một trong những quốc gia có tỷ lệ người chết vì COVID-19 cao nhất trên thế giới.

Trước tình hình không thể kiểm soát dịch bệnh, một số quốc gia đã đề nghị giúp đỡ các điểm nóng COVID-19 mới. Những ngày gần đây, khá nhiều nước vận chuyển máy tạo oxy, máy thở và các vật tư y tế khác đến Ấn Độ.

WHO cho biết, trong khi các quốc gia phương Tây đang hướng tới việc xây dựng cuộc sống bình thường trở lại trong những tuần tới, thì tình hình dịch bệnh trên toàn cầu vẫn còn rất thảm khốc khi số ca mắc COVID-19 đã tăng 9 tuần liên tiếp và số ca tử vong tăng 6 tuần liên tiếp.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm: “Nói một cách tổng thể, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong tuần trước trên toàn cầu gần bằng số ca nhiễm được xác nhận trong 5 tháng đầu tiên đại dịch bùng phát”.

WHO cho biết, COVAX - sáng kiến chia sẻ vắc-xin công bằng nhằm cung cấp các liều giảm giá hoặc miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp - vẫn là cơ hội tốt nhất để mọi người đều có thể tiếp cận mũi tiêm nhưng hiện tại cũng đang bị gián đoạn. Bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) là nơi sản xuất các liều vắc-xin AstraZeneca vốn là nền tảng của sáng kiến COVAX hiện đang chuyển trọng tâm sang ưu tiên cho công dân của nước này.

"Con đường phía trước là đoàn kết: đoàn kết ở cấp quốc gia và đoàn kết ở cấp toàn cầu" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng đoàn kết toàn cầu là cách duy nhất để thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Minh Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI