Vợ ơi, bói sao cho vui!

06/01/2018 - 09:00

PNO - Trong gia đình, các bà vợ thuộc “đạo thầy bói” sẽ điều hành nhất nhất y lời thầy. Ông chồng nào mà có lỡ ý kiến phản bác là có nguy cơ bị giận, hứng chịu những trận khóc lu bù: "Tui chỉ vì cái gia đình này!"

Cuối năm là dịp để người ta tổng kết thành bại của năm cũ, đồng thời chuẩn bị triển khai các dự định cho năm tới. Đây cũng là dịp cho những ông bà thầy bói làm việc hết công suất. Người thì xem gia đạo có bình an không, người thì bói sang năm vận mạng thế nào, làm ăn ra sao, chồng vợ có đầm ấm... Thành phần tin bói toán phần lớn là các bà, các cô, bởi phụ nữ thường sống cảm tính "dễ khóc, dễ tin" mà.

Vo oi, boi sao cho vui!
 

Xem bói để... giải trí

Thầy bói nắm được “thiên cơ”, thời nào cũng hiếm. Còn những thầy, bà mà mọi người rỉ tai nhau "hay lắm! Hay lắm" lại thường chỉ là những người giỏi nắm bắt tâm lý - vừa phán chung chung vừa hỏi linh tinh nhằm khai thác thông tin từ khách, để rồi qua đó tán chuyện. Đa phần phụ nữ đi xem bói đều biết điều này, song vẫn ưng nghe những tin tốt của mình qua miệng một nhân vật kỳ bí - thầy bói. Khi coi bói, "thầy" sẽ luôn phán chuyện vừa tốt vừa xấu, nhưng não ta có một cơ chế lạ lùng: chỉ nhớ những tin tốt lành sắp tới và tin vào điều mình tin, và thế là cảm thấy phơi phới, vui vẻ.

Coi bói kiểu này có tác dụng xả stress và chẳng gây hại cho ai. Kể cả nếu có mất chút tiền thì cũng xem như mua niềm vui cho mình. Tuy nhiên, những người không có xu hướng suy nghĩ tích cực, lạc quan thì sau màn coi bói sẽ là địa ngục của bản thân họ, cả chồng con cũng phải khổ lây.

Những bà vợ "đạo thầy bói"

Trong gia đình, các bà vợ thuộc “đạo thầy bói” sẽ điều hành nhất nhất y như lời thầy.

Với một số người thì xem bói cũng chỉ đơn giản như một trò giải trí. Họ sẵn sàng chi tiền, bỏ chút thời gian, thậm chí các nhân viên làm việc chung còn hùn tiền mời thầy bói về coi cho cả phòng. Coi xong, người này người nọ so độ giàu sang trong tương lai của mình rồi… cười.

Ông chồng nào mà có lỡ ý kiến phản bác là có nguy cơ bị giận, hứng chịu những trận khóc lóc lu bù: "Tui chỉ vì cái gia đình này".

Chị Kim là tiểu thương ở chợ. Vì mong gia đình yên ấm, làm ăn thuận lợi mà sẵn sàng đập, sửa hướng bếp, xoay giường, dời cửa sổ… mà vẫn có cảm giác chưa may mắn. Thầy nào phán bếp chưa hợp hướng là chị về chuyển ngay. Mỗi lần sửa đều ảnh hưởng đến thiết kế đường nước, đường điện; nhưng cả chục năm nay chị Kim vẫn sửa không mệt mỏi. Lần gần đây nhất, chị dời hẳn bếp từ tầng trệt lên lầu 1. Anh chồng cũng mệt mỏi, không thèm can ngăn nữa. Anh nói: "Thôi kệ, để bả làm cho bả an tâm. Cũng may mà thầy bói chỉ kêu sửa bếp chứ chưa kêu bả sửa mắt, sửa mũi, sửa mặt".

Còn trường hợp chị Mai Vân (trưởng phòng nội dung một công ty quảng cáo), kiến thức một bồ, nhưng việc gì cũng nghe theo lời thấy bói. Chị có một “thầy ruột”, làm cái gì, gặp ai đều gọi điện nhờ thầy gieo quẻ giúp, đến nỗi con bị tay chân miệng, thay vì đưa đi bệnh viện, chị lại gọi nhờ gieo quẻ. Anh chồng chịu hết xiết, nổi trận lôi đình, chị mới tỉnh.

Hay như chị Ly, có lần đi coi bói, thầy nói số mệnh chị phú quý cả đời nhưng lấy nhầm chồng. Chị hỏi nhầm thế nào thì thầy bảo: "Nói chung cô đừng hỏi về tình duyên của cô, xấu lắm. Bên cạnh chồng cô có bóng dáng một "con tiểu tam". Thế là chị về, ngẫm nghĩ ông thầy nói đúng, mình rõ là giàu, còn lấy nhầm chồng mà còn có con tiểu tam thì chắc chắn là chồng mình có bồ rồi. Chị lồng lộn ghen tuông, khiến chồng dở sống dở chết.

Vo oi, boi sao cho vui!
Ảnh minh họa

Vì sao các bà nghe lời thầy bói?

- Người không tự tin vào khả năng phán đoán của mình nên trước khi làm việc gì hoặc trước một sự kiện trọng đại, các bà thường đi xem bói. Những thầy bói càng khó gặp, càng bí ẩn thì càng được tin tưởng.

- Không bằng lòng với bản thân và những điều mình đang có nên mới kiếm tìm những yếu tố may mắn mà thầy bói nói, mong kích may mắn lên để mình bớt khổ.

- Những người yếu tâm lý, hay đau khổ cần một người biết lắng nghe và luôn đứng về phía mình. Có một việc không thể dứt điểm, nhất là chuyện tình cảm, chia sẻ với bạn bè hoài, người ta khuyên không được thì đâu ai còn muốn nghe. Duy chỉ có thầy bói ruột là hiểu, không hối thúc, không khuyên răn, luôn lắng nghe dù không bao giờ nghe miễn phí. Những thầy bói lúc này đóng vai trò như chuyên gia tâm lý. Mỗi tuần mà không gặp họ một lần thì "con bệnh" có cảm giác nặng nề, bứt rứt. Bệnh này, tùy đối tượng mà có khi kéo dài năm này qua tháng nọ. Đến khi các bà các cô giải quyết được vấn đề thì tự dưng sẽ không cần thầy bói nữa. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI