Vợ chồng nửa đời lệch pha:

Vợ chỉ thích những gì… chồng ghét

16/12/2020 - 09:40

PNO - Bất hạnh thay, cái “đồng sàng dị mộng” khiến người ta phải thường trực sống chung với cảm giác cô đơn giữa những người thân, ngay dưới mái gia đình.

Họ đều là trí thức. Họ yêu nhau rồi lấy nhau hoàn toàn tự nguyện. Ngày ấy, anh An bị thu hút bởi cái vóc dáng “mình hạc xương mai” và bản tính vừa nhu mì, vừa lắng sâu, vừa kín đáo của chị Thùy. 

Còn chị Thùy bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài đẹp trai, cộng thêm đôi kính cận dày cộp lẫn phong thái nói năng từ tốn, kiệm lời của anh An. Trời sinh chị Thùy từ bé đã không ưa loại đàn ông “bán cá” - mồm mép thô tục hoặc tía lia tép nhảy, anh An thì không như vậy. Ở anh, chị chỉ thấy một nhược điểm duy nhất: anh nghèo.

Kệ, nghèo thì nghèo nhưng anh trí thức, cho dù trí thức thất thời lỡ vận. Thời “vàng son” của chị, không hiếm những người đàn ông có vật chất, quyền lực theo đuổi, nhưng cuối cùng chị đã chọn anh. Đó là một quyết định dũng cảm giữa cái thời khốn khó - người ta sẵn sàng vì áo cơm mà xem nhẹ, hoặc thậm chí “khai tử” luôn những giá trị tinh thần…

Chỉ đến khi về sống chung dưới một mái nhà, họ mới cảm thấy… ngỡ ngàng. Cái ngỡ ngàng ban đầu chỉ manh nha - rồi ngày càng lộ rõ. Anh An là người thực tế, chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền mà rất ít - nếu không muốn nói là chẳng thèm - để ý đến những thứ (theo anh là phù phiếm) như văn chương, nghệ thuật.

Anh cũng đọc sách, nhưng là sách triết học, tôn giáo hoặc sách dạy cách làm ăn. Chị Thùy, trái lại, lãng mạn và mơ mộng. Chị yêu những cái anh ghét và… ghét đúng những cái anh yêu.

Cùng đọc sách, nhưng anh không bao giờ đọc sách chị mua, cũng như chị không bao giờ đọc sách anh mua. Chuyện vãn thì, lâu dần, chỉ còn là trao đổi giới hạn xoay quanh những mối quan tâm chung như nhà cửa, con cái, chuyện làm ăn… Chất tâm tình, chia sẻ của những cuộc chuyện trò kiểu ấy đương nhiên là… bằng không.

Công bằng mà nói, thời gian đầu, họ cũng cố gắng chia sẻ sở thích cùng nhau; nhưng cứ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mãi lâu dần đâm chán. Vậy là cạch, chuyện ai nấy biết; nếu có nhu cầu sẻ chia thì tìm đến bạn bè…

Họ yêu đúng thứ người bên kia ghét, và ghét đúng thứ người bên kia yêu thích - Ảnh minh họa
Họ yêu đúng thứ người bên kia ghét, và ghét đúng thứ người bên kia yêu thích - Ảnh minh họa

Thật tình, anh An không phải người xấu. Anh yêu thương và lo lắng cho vợ hết mực. Nhưng anh thuộc típ người thô vụng. Thế nên, cái tình thương của anh hoặc giấu kín, hoặc biểu hiện quá đỗi thật thà - thật thà đến mức thô thiển. 

Chị Thùy lại tinh tế và nhạy cảm. Chị bị dị ứng trước những biểu hiện tình thương không khéo léo và nhiều khi không đúng chỗ kia. Đêm tân hôn, chính sự vụng về của anh đã làm chị đau đớn đến suýt ngất đi. Và từ ấy, chị luôn có cảm giác bất an, nếu không muốn nói là sợ hãi chuyện gối chăn.

Về phía anh An, có vẻ như anh cũng nhận ra, nhưng anh bất lực. Đã bảo, trời sinh anh vốn thô vụng, anh không biết cách nào để cải thiện tình hình. Tệ hơn, cái bất an của chị lâu dần lan cả sang anh, bắt đầu gây tê liệt những nơ-ron thần kinh cảm xúc nơi anh. Đây thực sự là hiệu ứng dây chuyền của sự lãnh cảm. Gối chăn đã nguội lạnh thì tình chồng vợ cũng khó mà nồng ấm, nhất là khi người ta vẫn còn đang trong thời kỳ sung mãn của cuộc đời… 

Mà đã hết đâu, ở anh An còn tồn tại thêm một cố tật chết người: thói gia trưởng. Anh gia trưởng, còn chị lại không “hiền thục” như lúc đầu anh tưởng. Ẩn giấu đằng sau vẻ yếu đuối, nhu mì là một cá tính ngang ngạnh. Trí thức và ngang ngạnh, chị Thùy luôn có sự đòi hỏi đến mức cực đoan về quyền bình đẳng giới. Đương nhiên, xung đột là chuyện khó tránh khỏi, và dù xung đột diễn ra dưới hình thức “nóng” hay “lạnh” cũng đều hàm chứa bên trong những yếu tố tệ hại của một cuộc chiến.

Một cuộc chiến có kết cục là cả hai phe đều thua, đều khổ sở nhận ra cái vòng luẩn quẩn phi lý không đường thoát mà cả hai đã lỡ dính vào…
***
Bây giờ thì cả anh An, chị Thùy đều đã bước vào tuổi xế chiều. Con cái, nhu cầu giữ thể diện gia đình cùng kinh nghiệm tuổi tác phần nào giúp anh chị kiềm chế, không để xung đột bùng vỡ đến mức tệ hại. Nhưng những đợt sóng ngầm của cảnh “đồng sàng dị mộng” vẫn còn đó. Và, bất hạnh thay, cái “đồng sàng dị mộng” luôn khiến con người ta phải thường trực sống chung với cảm giác cô đơn giữa những người thân, ngay dưới mái gia đình. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI