Vì sao các bà nội trợ Ấn Độ đua nhau tự tử?

16/04/2016 - 08:39

PNO - Cứ ba vụ tự tử trên thế giới thì có một vụ xảy ra ở Ấn Độ, trong đó các bà nội trợ chiếm con số rất cao.

Năm 2014 có hơn 20.000 bà nội trợ Ấn Độ tự tìm đến cái chết, cao gấp bốn lần so với 5.650 nông dân. Theo Cục Chống tội phạm quốc gia (NCRB), từ năm 1997, mỗi năm Ấn Độ có 20.000 bà nội trợ tự tử, riêng năm 2009 con số này lên đến 25.092 vụ.

Thế nhưng, thực trạng đáng báo động này lại ít được chú ý ở Ấn Độ. Giáo sư chính trị Đại học Adelaide (Australia), ông Peter Mayer đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tình trạng tự tử ở Ấn Độ và đúc kết: ở phương Tây, hôn nhân là phương thức bảo vệ phụ nữ khỏi hành động tự sát; nghiên cứu ở Mỹ và Australia cũng cho thấy phụ nữ đã kết hôn có tỷ lệ tự tử thấp hơn so với phụ nữ độc thân cùng lứa tuổi, nhưng Ấn Độ là ngoại lệ.

Vi sao cac ba noi tro An Do dua nhau tu tu?
Rất ít nghiên cứu về vấn nạn tự tử của các bà nội trợ ở Ấn Độ - Ảnh: AFP

Theo ông Mayer và người đồng nghiên cứu Della Steen, tỷ lệ bà nội trợ tự tử cao ở Ấn Độ cho thấy sự thất vọng liên quan đến các vai trò xã hội, đặc biệt là trong hôn nhân. Ông giải thích: “Nhiều phụ nữ có ước mơ và khát vọng nhưng thường không được chồng ủng hộ, đôi khi cha mẹ ruột cũng không đứng về phía họ. Họ vướng víu giữa một hệ thống và môi trường xã hội khó lòng thoát ra”. Mâu thuẫn với vợ/chồng hoặc với cha mẹ, cũng như quan hệ giữa mẹ chồng ít học và nàng dâu học cao, bản tính không phục tùng, là những nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng, tiền đề của hà nh vi tự tử.

Chuyên gia tâm thần, tiến sĩ Harish Shetty cho biết, nguyên nhân tự tử của các bà nội trợ Ấn Độ đã không còn gói gọn trong bạo lực gia đình hay tra tấn đòi của hồi môn; hầu hết phụ nữ thành thị đã có gia đình tự sát vì trầm cảm, cô đơn hay thất vọng. Trong môi trường cạnh tranh ngày nay, phụ nữ trẻ chịu áp lực rất lớn để chứng minh năng lực của mình.

Sau khi kết hôn, họ lại được kỳ vọng trở thành người nội trợ hoàn hảo, thậm chí phải hy sinh sự nghiệp cá nhân. Phụ nữ có học ngày càng dễ bị trầm cảm vì chịu sự thôi thúc phải tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua sự nghiệp, trong khi những người xung quanh, đặc biệt là gia đình chồng, lại suy nghĩ khác.

Meena Pathak lấy chồng và tự nguyện từ bỏ công việc một nhân viên hành chính cấp cao để làm nội trợ. Khi con cái lớn lên, Meena cảm thấy mình vô dụng vì sự nghiệp đã lỡ làng, không còn các mối quan hệ xã hội, không còn cần thiết cho ai nữa. Sự nhàm chán và tù túng ngày càng tăng, Meena nhảy lầu tự tử năm 38 tuổi, để lại hai con trai 12 và 15 tuổi.

Swali Thathe là cô giáo, kết hôn năm 24 tuổi. Thay vì nếm mật ngọt hạnh phúc, vợ chồng cô mãi lận đận với chuyện sinh con. Chưa kể, vốn là người yếu ớt nhưng Swali phải gồng mình chăm sóc cha mẹ chồng bệnh tật. Trước khi nghỉ dạy ở nhà làm nội trợ, Swali từng suy nhược thần kinh, có lần còn bị đình chỉ lên lớp vì đánh học sinh khi mất kiểm soát trong cơn giận.

Cuộc sống trong gia đình chồng ngày càng bức bối, Swali có biểu hiện trầm cảm nhưng không được chồng quan tâm. Một ngày, quá tuyệt vọng, Swali đã bước ra ngoài từ cửa sổ căn hộ gia đình trên tầng 12. Có nhiều bằng chứng cho thấy, khi tầng lớp trung lưu càng phát triển ở Ấn Độ thì càng nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong sự lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI