Về thu xếp lại

23/07/2023 - 06:08

PNO - Người già nên tự lo cho mình, tự làm hài lòng mình, không nên trông chờ con cái mà khiến chúng thêm vất vả.

Rồi ai cũng phải già, người xưa bảo “thất thập cổ lai hy” có nghĩa qua tuổi 70 đã gọi là già, là hiếm. Tuổi già khó vui, sức khỏe suy sụp, trí óc không còn minh mẫn, hoạt động cũng vụng về, lóng ngóng và kéo theo nhiều nỗi buồn đau khác.

Con cháu đã lớn, người già không còn quyền uy trong gia đình như thời xưa, khi họ cố sức làm việc để nuôi nấng các con. Họ cô đơn trong chính ngôi nhà của họ, nhất là những người đàn ông phải chịu cảnh vợ đã qua đời, chẳng còn ai để cùng sống với tuổi già.

Tác giả (bìa phải) luôn biết cách tìm niềm vui bên bạn bè nhưng vẫn đau đáu về những ngày sắp tới của mình
Tác giả (bìa phải) luôn biết cách tìm niềm vui bên bạn bè nhưng vẫn đau đáu về những ngày sắp tới của mình

Con cháu lớn lên có gia đình riêng phải lo, phải làm việc để xây dựng tương lai, phải chăm sóc con cái nên nhiều lúc người con quên mất mình còn một người cha. Người già cô độc với những nỗi buồn không được chia sẻ. Họ tìm đến bè bạn để tâm sự đôi điều nhưng cũng chẳng bao giờ nói hết được nỗi lòng.

Dù đang ở trong ngôi nhà do chính tay mình tạo dựng, dù không lệ thuộc kinh tế, tiền bạc của con cái nhưng khi có việc nhờ con, người già phải xem sắc mặt, tâm trạng của con mới dám mở lời. 

Người già lắm bệnh nhưng những khi bệnh thông thường thì tự đi bác sĩ, đi mua thuốc chứ ít khi làm phiền đến con.

Lúc nào bệnh nặng, đau đớn quá, người già mới nhờ đến con hỗ trợ. Tôi cũng thế. Không phải các con tôi không có hiếu với cha mà có lẽ vì người già không muốn làm phiền đến con cái. Chuyện gì làm được thì tôi tự làm. 

Ở tuổi già, trí óc bắt đầu lộn xộn nên thường làm hư cái này, bể cái kia, hỏng cái nọ. Nếu được con thông cảm thì hạnh phúc nhưng gặp đứa hay trách móc thì cũng đành im lặng mà chịu trận. Nỗi cô quạnh của người già chỉ mong có một lời thăm hỏi, khi đau ốm mong có người chăm lo.

Nhưng thời nay, ai cũng bận rộn với công việc nên con cái thường chỉ gửi một câu hỏi rồi thôi. Người già sống như thế nào, ăn uống ra sao, sức khỏe có vấn đề không, con cái ít để ý. Do vậy, người già sống lầm lũi như cái bóng, như kẻ ở trọ trong nhà mình.

Bây giờ, nhờ y tế phát triển, máy móc hiện đại, việc thăm khám, xét nghiệm tương đối dễ dàng… giúp tuổi thọ con người cao hơn, lượng dân số già nhiều hơn nhưng những người cô độc cũng nhiều hơn.

Đã qua tuổi 70, dù có nhà cửa đàng hoàng và kinh tế tự lo được, tôi vẫn quyết định tìm một nhà dưỡng lão có đủ điều kiện theo yêu cầu của mình để sống những năm tháng cuối đời.

Ở đó, tôi sẽ được chăm lo cơm ngày 3 bữa, không còn cảnh cơm hàng cháo chợ. Ở đó, tôi sẽ có người lo thuốc men, chăm sóc khi trái gió trở trời.

Ở đó, người già không thấy mình là gánh nặng cho các con để chúng toàn tâm lo cho con chúng.

Ở đó cũng có những người đồng lứa, có cả những người hoàn cảnh giống mình, tâm tư giống mình, thế nên ta có đối tượng để dễ trút lời tâm sự.

Người già đôi khi nhạy cảm, có những câu chuyện mang tính thế hệ, chưa chắc nói được với con. Chỉ chuyện cha con nhìn nhau, nhận ra ta đã thuộc về 2 thế hệ là đã khó mở miệng, khoan nói đến việc con lắng nghe và thấu hiểu được người già. 

Riêng tôi, ở tuổi già, tôi thấy mình đã làm tròn trách nhiệm với các con và cũng chẳng nghĩ nhiều đến chuyện chúng phải báo hiếu, phụng dưỡng lúc mình run rẩy vì chân yếu, khó tính, kén ăn do tuổi già. Nước mắt chảy xuôi mà, người xưa đã nói vậy rồi.

Tôi đã đến nhà dưỡng lão Củ Chi, thấy cơ sở vật chất cũng ổn nhưng xa quá, tôi sẽ khó được gặp gỡ bạn bè. Vì thế, tôi đang cố tìm một chỗ ngay trung tâm thành phố để tuổi già còn kiếm được niềm vui. Có trung tâm dưỡng lão của Nhà nước ở nội thành nhưng là nơi dành cho những người lớn tuổi không gia đình, điều kiện sinh hoạt khó phù hợp.

Hôm trước có một anh bạn dự định mở một nhà dưỡng lão ở Hàng Xanh. Vừa nghe, tôi ủng hộ liền nhưng có lẽ kế hoạch này còn phải chờ một thời gian nữa, tôi chưa biết có kịp cho mình hay không. Nghe nói ở quận 7 (TPHCM) có một nơi khá tốt dù giá hơi cao, tôi cũng muốn đến xem. Thì cứ liệu cơm gắp mắm, khả năng đến đâu, chọn chỗ phù hợp với túi tiền của mình, miễn thoải mái là được. 

Xứ ta dù đã có nhiều thay đổi trong quan niệm về gia đình nhưng vẫn quẩn quanh những thói quen, tập tục từ xưa.

Do vậy, việc con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão rất dễ bị phê phán và gièm pha rằng con bất hiếu, bỏ rơi, không chăm sóc cha mẹ. Tôi cho rằng đó là quan niệm lỗi thời. Ngày xưa, ông bà, cha mẹ, con cháu ở chung một nhà, gọi là tứ đại đồng đường nên có điều kiện chăm sóc nhau. Đồng thời, đó là giai đoạn của xã hội nông nghiệp nên công việc của mỗi người không bị ràng buộc thời gian; việc phụng dưỡng, chăm lo cho người già không gặp nhiều trở ngại.

Ở xã hội công nghiệp hiện tại, mô hình đại gia đình nhiều thế hệ khó tồn tại vì các thành viên trong nhà đều bận rộn mưu sinh. Người trẻ phải lo toan với nhiều áp lực của xã hội và công việc, người già cô đơn suốt ngày trong căn nhà vắng là chuyện bình thường.

Do đó, việc người già cần nhà dưỡng lão là một thực tế và một nhu cầu. Rất tiếc nhu cầu đó chưa được đáp ứng phù hợp và có nhiều sự lựa chọn, tương đồng với sự phát triển xã hội và dòng chảy thời gian, ít nhất là ở hiện tại. 

Thôi thì nếu không có chỗ ưng ý tuyệt đối thì chấp nhận ở mức tương đối. Sẽ có nơi có thể không khiến mình hài lòng hoàn toàn nhưng nếu ta biết đủ thì sẽ đủ. Người già nên tự lo cho mình, tự làm hài lòng mình, không nên trông chờ con cái mà khiến chúng thêm vất vả.

Dẫu sao tuổi thanh xuân đã qua, giờ đã lên hàng lão, về thu xếp lại cũng là vừa. 

Đỗ Duy Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI