Chuyên đề: Người già, vẫn cần tương lai...

Hẹn hò ở… viện dưỡng lão

30/10/2020 - 16:08

PNO - Điểm hẹn của ông và bà là băng đá trong Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc. Cả đời này, ông còn nợ bà chiếc nhẫn cầu hôn, áo cưới cô dâu...

Chương trình mừng ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 diễn ra trong cơn mưa lất phất. Buổi sáng ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) náo nhiệt cảnh các cụ đội nón, che dù, chống nạng quây quần bên sân khấu ca nhạc.

Gần tròn tháng kể từ ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), những câu chuyện về người già vẫn được giở ra rồi xếp lại. Những người già cô quạnh, vẫn cô quạnh. Chuyện của người già có thể là chuyện của đạo hiếu gia đình, cũng có thể do vấn đề tiện nghi xã hội. Nhưng, rào cản lớn và dai dẳng nhất với hạnh phúc người già hầu hết đến từ những định kiến đang lặng lẽ tồn tại…

Ngồi dãy ghế phía trên, bà Huỳnh Thị Ánh (sinh năm 1952) thoáng chút ngần ngại, hỏi: “Con ơi! Con có thấy chú Phát, chồng cô (lúc nãy con mới gặp) ngồi đâu không? Nãy giờ cô ngoái lại tìm hoài mà không thấy”.

Bà bị thoái hóa cột sống phải ngồi xe lăn, tôi giúp bà xoay người và chỉ về hướng ông ngồi ở dãy ghế kế cuối. Bà đảo nhìn qua lố nhố gương mặt đằng xa rồi tươi cười rạng rỡ, ông cũng đáp lại bằng cái gật đầu và đôi mắt nheo nheo. 

Bà Huỳnh Thị Ánh và ông Phùng Văn Phát là cặp vợ chồng duy nhất trong 279 người được nuôi dưỡng tại đây. Người ở khu liệt nữ, người ở khu liệt nam, mỗi sáng, điểm hẹn của ông và bà là băng đá ở đỉnh tam giác của hai khu ngó ra, bên khóm hoa tím, dưới hàng cây xanh. Bà phải nhờ nhân viên đẩy xe đến còn ông sau quá trình phấn đấu tập luyện đã có thể tự di chuyển với cây nạng.

Hỏi tên ông, nhân viên trung tâm ai cũng kể liền kỳ tích của một người tưởng chết ngay trên băng ca khi mới tiếp nhận mà giờ đã khỏe mạnh, đi lại được, tinh thần vui khỏe, tích cực, là nguồn cảm hứng sống cho nhiều người bại liệt khác cố gắng tập luyện.

Đón lấy phần quà cho bà đỡ nặng, ông ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe hôm nay thế nào, đêm qua ngủ có ngon không. Người viết bài hỏi đùa rằng bến hẹn khá thơ mộng, lãng mạn nhưng trống trải thế này, làm sao vợ chồng thể hiện tình cảm, nắm tay nhau hay một chút cử chỉ riêng tư? Bà Ánh bật cười, lắc đầu, nói: “Nắm tay, hôn hít gì nữa con ơi! Hai cái tay này nắm nhau cả ba chục năm rồi, chán rồi, càng nắm càng… mạt thôi!”. 

Ông tiếp lời bà, dòng hồi ức mấy mươi năm tuôn trào vừa để cho người khách thấu hiểu tình cảnh của mình, vừa lý giải cho chữ “mạt” mà bà vừa nhắc. Cùng tuổi, ông quê Long An, bà quê Trà Vinh. Ngày ấy ông làm nghề lơ xe, bến đậu gần cơ quan của bà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Thấy bà ngộ ngộ, duyên duyên nên ông bạo gan chọc ghẹo. “Mấy ông đi xe có ông nào hiền đâu cô” - ông Phát thú thiệt rồi liếc nhìn bà, cười… ranh mãnh. Nào ngờ bà cũng đặt tình cảm nơi ông nhưng khi nhờ tổ chức xác minh thì vướng mắc về lý lịch. Bà đứng trước ngã rẽ hoặc chia tay ông hoặc rời bỏ ngành, bước qua sự ngăn cấm của gia đình. 

Bà Ánh - ông Phát tâm sự nơi điểm hẹn trong khuôn viên trung tâm
Bà Ánh - ông Phát tâm sự nơi điểm hẹn trong khuôn viên trung tâm

Nói như ông “không có lửa nào mạnh bằng lửa tình”, hai người dắt tay nhau thuê nhà trọ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM để xây tổ ấm. Đời ở trọ, ông buông này bắt kia với nghề phụ xe đò, chạy xe ba gác chở vật liệu xây dựng, bán vé số còn bà thì ai thuê gì làm nấy, thâm niên trong nghề giặt đồ mướn.

Vợ chồng không có con mà cũng chưa một lần đi khám bởi nếu khám ra biết nguyên do từ vợ hay chồng thì cũng làm cho người ấy thêm mặc cảm, lo nghĩ, bận tâm. “Không con cũng chẳng sao, miễn vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, miễn cơm đủ no ngày hai bữa”… 

Về sau, bà bị thoái hóa cột sống nằm liệt, gánh cơm áo gạo tiền dồn lên xấp vé số của ông. Những lúc bị giật vé số, ông khóc ròng chạy về nhà, bà cũng khóc theo rồi vợ chồng kiếm chỗ vay tiền theo ngày để trả cho đại lý vé số. Thấy vợ chồng già yếu không con, lao đao lận đận, chủ nhà trọ và bà con hàng xóm giúp cho ký gạo, con cá, mớ rau hay quần áo cũ…

Rồi bất ngờ, ông bị tai nạn giao thông, không tiền điều trị nên càng lúc chấn thương càng diễn biến nặng, gây liệt chân. Tình thế này, chủ nhà trọ tìm cách gửi ông bà đến nhà nuôi người già. Ngồi trên chuyến xe chiều đưa đến một nơi lạ lẫm, nhìn chồng nằm liệt trên băng ca, hơi thở thoi thóp, da bọc xương cùng nhiều ổ loét, bà cắn răng để giọt nước mắt không nối đuôi nhau thành dòng. Lòng không dám nghĩ đến hai chữ tương lai.

Giờ thì ông bà sắp đón mùa xuân thứ tư ở mái nhà Thạnh Lộc, bà thân thương gọi nơi đây là mái nhà cuối đời của ông bà. Nơi đây không chỉ được ăn no ngày hai bữa như bà vẫn hằng mong mà được đến ba bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Có bác sĩ thăm khám hằng ngày, hằng bữa và kịp thời cho thuốc điều trị; có các cô nhân viên quan tâm, chăm sóc tận tụy như con mình; có những mảnh đời đồng cảnh ngộ để chia sẻ và nương nhau vui sống. 

Dù cả đời này, ông còn nợ bà chiếc nhẫn cầu hôn, áo cưới cô dâu nhưng cái tình của ông nơi điểm hẹn mỗi sáng, trong lời hỏi han, động viên bà cố gắng tập để tự đứng, tự đi chắc hơn ai hết, bà cảm nhận được… 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI