Về quê, mà nhớ thương Thành phố

31/07/2021 - 16:57

PNO - Dịch bệnh bùng phát dữ dội, những dòng người lần lượt rời TPHCM về quê mang theo niềm hy vọng an trú. Nhưng trong sâu thẳm mỗi người, mảnh đất miền Nam bao năm dang rộng vòng tay cưu mang, cho họ cuộc sống yên bình là quê hương thứ hai. Việc phải rời đi trong tình cảnh bắt buộc để lại trong lòng những người lao động xa xứ niềm yêu thương, tiếc nuối và mong chờ ngày dịch bệnh được khống chế để trở lại.

Quê ở xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), hơn 10 năm trước khi tốt nghiệp trung cấp, chị Nguyễn Thị Khánh Ly rời quê vào TPHCM lập nghiệp. Thành phố là chốn mưu sinh, cũng là nơi xe duyên, cho chị tạo dựng một mái ấm gia đình.

Hôm lên chuyến tàu SE74 trở về quê tránh dịch, chị mang theo đứa con gái 6 tuổi, chồng chị vẫn ở lại TPHCM. “Anh ở lại phần vì lần về này phải nhường cho những người yếu thế như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người ốm đau. Phần khác cũng hy vọng dịch sớm được khống chế, công việc suôn sẻ trở lại để đi làm kiếm sống. Dịch khiến hai vợ chồng thất nghiệp từ tháng 5 tới nay rồi, kinh tế cũng rất khó khăn” - chị Ly nói.

Người lao động Quảng Trị rời Tp.Hồ Chí Minh trở về quê tránh dịch vẫn luôn đau đáu mong mỏi miền Nam sớm khỏe lại
Người lao động Quảng Trị rời TPHCM trở về quê tránh dịch vẫn luôn đau đáu mong mỏi mảnh đất miền Nam sớm khỏe lại

Về đến quê nhà, ở trong khu cách ly, mỗi ngày chị đều hỏi thăm chồng qua điện thoại về chuyện ăn ở, chăm sóc sức khỏe và tình hình dịch bệnh nơi mình vừa ra đi. Chị Ly bảo, đưa con về được đến quê hương trong lòng vui lắm. Nỗi âu lo dịch ập đến ở thành phố khiến chị nhiều đêm thao thức. Về được đến quê, nhận những nụ cười và cái nắm tay cổ vũ của mọi người, lòng chị như dịu lại.

“An tâm là vậy nhưng xa xóm trọ ở phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức, tôi cũng buồn tiếc nuối. Mình gắn bó với nơi đó cả quãng thanh xuân. Dù ở trọ nhưng mọi người quan tâm nhau lắm, lúc khó khăn đều hỏi thăm, thương lắm” - chị Ly trải lòng.

Trong khu cách ly ở huyện Gio Linh, Trương Thị Nhỏ Lệ (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM), cô sinh viên quê nghèo Triệu Phong (Quảng Trị) chia sẻ: “Về quê rồi em bớt lo lắng vì bây giờ chuyện tìm mua thuốc điều trị chống đông máu cho căn bệnh mãn tính của em đã khá dễ dàng”.

Sinh viên Trương Thị Nhỏ Lệ trên chuyến xe trở về quê hương Quảng Trị
Sinh viên Trương Thị Nhỏ Lệ trên chuyến xe trở về quê hương Quảng Trị

Được về quê, sau 14 ngày cách ly, cô sinh viên nhỏ bé ấy sẽ được trở về trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Mọi nỗi lo khác có thể tạm thời gác lại. Lệ bảo, không còn lo nữa nhưng sao em cứ thèm cảm giác kẹt xe, cái ồn ào, tất bật ở Sài Gòn.

“Còn nhớ ba năm trước khi mới vào Sài Gòn nhập học, em choáng ngợp bởi thành phố đông đúc, xe cộ trên đường chật cứng như nêm. Nhưng lâu dần thành quen. Người thành phố cũng ân tình lắm, nhiều khi em lỡ đường cũng được cho đi nhờ xe, trời mưa bất chợt cũng có người lạ cho che nhờ ô. Ở thành phố xa lạ, những cảm giác đó đối với em ấm áp và yêu thương lắm, như tiếp thêm cho em động lực để học tập. Giờ em vẫn mong ngày trở lại để được đến giảng đường học tập và gặp bạn bè”, Lệ bộc bạch.

Quyết định chọn miền Nam lập nghiệp, 7 năm trước, Trần Thị Thủy, cô gái miền biển bãi ngang xã Triệu An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) xuôi xe đò vào TPHCM sinh sống và làm việc rồi lập gia đình. Dịch COVID-19 bùng phát, Thủy đang mang thai đứa con thứ 2 nên khi nghe tin tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện cho công nhân về quê, cô đã cùng chồng đăng ký ngay và dắt díu nhau đưa con trở về.

Không còn cách nào khác, về để bảo vệ con và gia đình, bảo vệ con nhỏ và cũng là để góp phần giảm cho Thành phố. Thủy nói: “Tàu đi qua địa phận Quảng Trị, cả hai vợ chồng đều vui mừng, như kiểu cả gánh nặng về nỗi lo bệnh tật được đặt xuống. Vợ chồng mình chỉ cho con quê mình qua ô cửa sổ tàu hỏa”.

Về quê, nhưng thương nhớ đất TPHCM khôn cùng
Về quê, nhưng ai cũng nặng lòng thương nhớ với Sài Gòn

Nhắc đến mảnh đất miền Nam, Thủy bất chợt chùng giọng: “Sài Gòn mùa này thời tiết mát mẻ lắm. Cuộc sống khi chưa có dịch COVID-19 thật nhộn nhịp, an ổn. Dù xa quê nhưng sự bao bọc, cưu mang của Sài Gòn đã bù đắp nỗi thiếu hụt, nhớ nhung của mình. Thành phố cho mình công việc để sinh sống. Phải rời thành phố một cách bất đắc dĩ như thế này mình thấy buồn. Chỉ mong miền Nam nói riêng và cả nước nói chung hết dịch bệnh để trở lại cuộc sống yên bình, con trẻ được đến trường và người lớn đi làm việc bình thường mỗi ngày”.

Cuộc “viễn chinh” vào miền Nam lâu nay thường mang theo nhiều khát vọng với những lao động nghèo miền Trung về một việc làm ổn định, một cuộc sống có nhiều đổi thay. Dịch bệnh không loại trừ nơi nào, trong khó khăn, giông bão, quê nhà luôn là điều người ta tìm về. Nhưng miền Nam, Sài Gòn trong trái tim những người con xa xứ cũng luôn mang một niềm yêu thương, gắn bó. Thành phố trở bệnh, họ đành phải rời đi. Về quê, một nơi an trú tốt hơn, song trong lòng họ luôn đau đáu, mong ngày trở lại. Rồi Thành phố và đất nước sẽ bình yên trở lại, họ lại quay về với quê hương thứ hai, hòa trong những dòng xe cộ tấp nập để đã thèm cái cảm giác kẹt xe, lời thăm hỏi chân thành và sự sẻ chia của những người xa lạ mà thân thương.

Ngọc Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI