Từ khi mất trí nhớ, ngày nào ba tôi cũng đi tìm mẹ

28/02/2022 - 17:00

PNO - Khi tôi về tới sân nhà, ba luôn hỏi: "Anh tới tìm ai?". Với em gái tôi, mỗi ngày câu ba nói vẫn là: "Sao cô giống vợ tôi vậy?"

Nhận được điện thoại em gái ở quê, tôi lặng người. Lẽ ra khi em thông báo ba tỉnh táo trở lại, tôi phải mừng, nhưng không hiểu sao lòng tôi nghẹn lại.

Ba tôi năm nay gần 80 tuổi. Năm ngoái mẹ tôi bị cảm rồi ra đi đột ngột khiến cả nhà sốc. Với ba, sự ra đi không báo trước của mẹ như một cú quật ngang. Ông nhớ nhớ, quên quên và rơi vào trạng thái lẫn lộn mọi thứ. Ngày nào ông cũng đi tìm mẹ. 

Hồi mẹ tôi còn, ba mẹ tôi thường khắc khẩu. Những tháng năm về già, mẹ trở nên khó tính hơn, ba thì hay quên những thứ lặt vặt. Những câu chuyện thường nhật, ít khi ba mẹ có thể hàn huyên trọn vẹn cùng nhau.

Ba mẹ sẽ kết thúc trò chuyện bằng những rộn rã của sự bất đồng. Nhiều khi, ba mẹ giận dỗi nhau hệt như con trẻ và anh em tôi lại phải đứng ra “hòa giải”.

Từ khi ba mất trí nhớ, chúng tôi càng sợ ngày phải xa ba (Ảnh minh họa)
Từ khi ba mất trí nhớ, chúng tôi càng sợ hãi ngày phải xa ba (Ảnh minh họa)

Vậy mà khi mẹ rời đi, ba không thể vực dậy sau cú sốc. Ba đi nhà này, tới nhà kia, những chỗ mẹ từng hay đến, nhà anh em bè bạn để tìm mẹ… Tới đâu, câu hỏi nhói lòng của ba cũng lặp lại: “Có vợ tôi ở đây không?”.

Ba quên mọi thứ, kí ức của ba chỉ nhường cho những gì liên quan tới mẹ. Mẹ thích gì, ăn món gì, mẹ hay nhắc tới ai… Ba quên cả con gái, con trai ba đang hàng ngày trông chừng để ba không bị đi lạc.

Em gái tôi từng òa lên nức nở, khi bỗng dưng ba loẹt quẹt lại gần em rồi hỏi: “Trời ơi, sao cô giống vợ tôi quá vậy? Cô có thấy bà ấy ở đâu không?”.

Em kêu lên: “Con là con gái ba mà. Ba sao vậy?”. Nhưng ba không để tâm đến lời em nói, đôi mắt ba sau câu hỏi đã nhìn mông lung vào vô định. Giây phút đó tôi mới hiểu ra tình yêu ba dành cho mẹ sâu sắc đến nhường nào. Khắc khẩu không có nghĩa là lòng họ bớt yêu thương nhau. Và cuộc đời điều quan trọng nhất chính là tình nghĩa vợ chồng.

Những ngày sau đó, ba đi tìm mẹ thường xuyên hơn. Áo ba chúng tôi phải kẹp một mảnh giấy nhỏ ghi vài dòng thông tin để khi ba lạc còn có người báo giúp.

Vậy mà đến một ngày không biết sao ba lạc tới tận nhà ngoại cũ. Ngôi nhà trước đây ngoại tôi ở, rồi sau bán đi để về quê. Ngôi nhà ấy cách nhà tôi tới 6km. Khi có người báo giúp, tôi và em gái hớt hải tới thì ba vẫn còn đứng ở cổng ngôi nhà đó lẩm bẩm: “Sao kì vậy, nhà vợ tôi mà”.

Hình minh họa
Người già như chiếc đèn dầu sắp cạn (Hình minh họa)

Chúng tôi làm đủ mọi cách nhưng ba vẫn không thể nào bớt lẫn. Chính xác hơn trong trí nhớ của ba, điều duy nhất còn chứa đựng lại là mẹ và những điều liên quan tới mẹ. Mỗi khi tôi về tới sân nhà ông đều hỏi: "Anh tới tìm ai?". Cô em gái được ba cưng chiều, yêu thương đến vậy, nhưng mỗi ngày ba thường nói với em: "Sao cô giống vợ tôi vậy?"

Em tôi nói, những ngày gần đây ba đột nhiên tỉnh táo lại, khiến em sợ... Ba như từ kí ức với riêng mẹ trở lại cuộc sống hiện tại cùng các con. Ba chấp nhận sự thực mẹ đã rời xa ba, ba hỏi han em việc này việc khác trong nhà rồi nói ba muốn ăn bữa cơm với đầy đủ cả nhà.

Sự việc ba tỉnh táo sau gần một năm trời nhớ nhớ quên quên khiến chúng tôi phát hoảng. Ba hệt như ngọn đèn dầu sắp cạn. Và tôi phải nắm tay vợ mình rất chặt để ghìm lại những giọt nước mắt.

Hóa ra trong đời, công danh sự nghiệp, tiền bạc tình ái… rồi cũng chỉ là phù du, chỉ có sự yêu thương vẹn nghĩa tình với người bạn đời đã từng kề vai sát cánh mới là mãi mãi.

 Đ. Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI