Ba mẹ già - món quà trên cao

06/10/2020 - 05:27

PNO - Não người đầy định kiến, đến một lúc, định kiến đó xâm lấn, phủ lên trên cả chính những “nạn nhân”. Từ một người thay vì tự hào và vui vẻ tận hưởng chút minh mẫn còn sót mà thời gian chưa kịp lấy đi, người già chỉ còn lại những ngày ray rứt và mặc cảm. Định kiến đó ăn sâu vào tất cả, để thay vì nói lời chúc mừng rằng mẹ của bạn sống thọ, một người lại thốt lên câu cảm thán, chia buồn.

1. Não người thì đầy định kiến. Bà lão mà tôi gặp trong viện dưỡng lão vào mùa tết năm ngoái đã khiến tôi không thôi ám ảnh suốt cả năm trời về điều đó. Bà kể, một người bạn của con trai bà, khi biết mẹ của bạn mình sắp 80 tuổi, đã thốt lên: “Tội nghiệp anh!”.

Câu nói làm bà khóc nhiều đêm sau đó, như một cuộc thức tỉnh. Bà đã ở ngôi nhà đó, hằng ngày không có niềm vui nào khác cho đến khi nghe tiếng xe máy của con trai đi làm về. Bà vẫn khỏe, bà nghĩ thế và bà còn nghĩ tuổi 80 của mình cũng là món quà đối với con cháu. “Nhưng cuối cùng, người già luôn là gánh nặng với người khác, dù đó là người già nào”, bà nói. Từng là người có chút công, nên bà xin vào viện dưỡng lão khá dễ dàng.

Mỗi ngày của bà bây giờ trôi qua với nhiều tiếng người, trong một khuôn viên rợp cây xanh, không còn là không gian hai tầng lầu vắng lặng hoặc chỉ còn tiếng ti vi độc thoại. Nhưng nỗi cô độc thì đặc quánh.

Bà làm tôi nghĩ đến mẹ mình, người vừa qua ngưỡng 70 và nhớ đến ngoại, người đã qua đời cách đây nhiều năm ở tuổi 76. Bà, mẹ tôi, ngoại tôi và bao nhiêu người già đang hiện hữu xung quanh, đến một giai đoạn, tất cả đều bỗng rụt rè, ngại ngần nhiều hơn khi đưa ra các đề nghị, yêu cầu nào đó.

Mẹ tôi từng là người đàn bà chèo chống một mình nuôi gần chục đứa con ở tuổi 38 vì cha tôi mất sớm. Cuộc sống buộc bà trở thành người quyết định và kiểm soát mọi thứ. Vậy mà từ lâu rồi mẹ tôi bỗng mất nhuệ khí thường thấy - mà nghĩ lại thì mẹ bây giờ chẳng khác mấy ngoại tôi ở những năm cuối đời.

Mẹ không còn nói to như ngày xưa về việc mẹ muốn ăn món gì, muốn đi những đâu, muốn mua xấp xải màu nào. Giờ thì tôi biết, đó là vì cái cảm giác mình là người già - với định kiến người già thì luôn là gánh nặng cho người khác. 

Não người đầy định kiến, đến một lúc, định kiến đó xâm lấn, phủ lên trên cả chính những “nạn nhân”. Từ một người thay vì tự hào và vui vẻ tận hưởng chút minh mẫn còn sót mà thời gian chưa kịp lấy đi, người già chỉ còn lại những ngày ray rứt và mặc cảm.

Định kiến đó ăn sâu vào tất cả, để thay vì nói lời chúc mừng rằng mẹ của bạn sống thọ, một người lại thốt lên câu cảm thán, chia buồn. 

Chỉ khi mỗi cá nhân, xã hội không thể hiện tuổi già đi cùng sự  vô dụng, cha mẹ mới không phải là người vô dụng - Ảnh: Petro Times
Chỉ khi mỗi cá nhân, xã hội không thể hiện tuổi già đi cùng sự vô dụng, cha mẹ mới không phải là người vô dụng - Ảnh: Petro Times

2. Tháng Vu Lan vừa qua, một chuyên gia xã hội đã lược điểm rồi kêu lên: “Chưa khi nào tình trạng con cái ngược đãi, bạo hành cha mẹ già lại diễn ra nhiều như hiện nay”. Và hầu hết sự ngược đãi đều diễn ra dưới áp lực của việc chăm sóc và tài chính. Một cách nào đó, xu hướng gia đình chuyển dần từ quy mô truyền thống (đại đồng đường) sang gia đình hạt nhân để lại nhiều bất nhẫn. Người già mang nhiệm vụ lưu giữ hồn cốt, truyền thống, kết nối những giềng mối cho con cháu nhưng lại nằm trong nhu cầu được tách rời của con cháu. 

Trong tổng thể, đó chính là sự thiếu chuẩn bị của xã hội. Cuộc sống càng có nhiều đòi hỏi, người trưởng thành càng đắn đo, cân nhắc nhiều hơn trước việc tạo nên một sinh linh. Nhưng, người già thì mỗi ngày cứ già đi, không dừng được. Sự chưa chuẩn bị ấy được nhìn thấy khắp nơi, ở một thế-hệ-nằm-giữa khi hằng ngày xoay vần giữa những đứa trẻ do mình tạo ra và những người tạo ra mình đang từng ngày hóa ngược thành trẻ thơ.

Sự chưa chuẩn bị ấy còn nằm ở chính người già - thời gian thì luôn đúng hẹn nhưng con người thì không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Những đứa con loay hoay với tuổi của cha mẹ bao nhiêu, người già loay hoay với tuổi của mình gấp nhiều lần bấy nhiêu. 

“Chúng ta giờ đây đang nói về một giai đoạn mới trong cuộc đời vốn dài như giai đoạn sau trong cuộc đời trưởng thành”, Tiến sĩ Joseph Coughlin - tác giả của Kinh tế tuổi thọ: Mở khóa thị trường phát triển nhanh nhất và bị hiểu lầm nhất thế giới - nói.

Áp lực xã hội với dân số già là điều có thật, nhiều nhất là áp lực tài chính khi các quốc gia cần có một hệ thống y tế, lương hưu và luật định để bảo vệ đối tượng vốn yếu ớt này. Trong dịch COVID-19, vết thương được nhìn thấy rõ nhất ở xã hội phương Tây chính là người già. Trước sự quá tải của mạng lưới y tế, người già đã nằm ngoài những sự lựa chọn.

Người già đang dần bị đẩy khỏi thế giới mà họ từng góp công xây dựng, bị trở thành người vô dụng. Nhưng, chăm sóc người già không phải là công đoạn “tri ân”. Trên tất cả, người già vẫn ở đây, với giá trị không thể thay thế trong việc kết nối và hàn gắn. Có những vết thương trên đời, dù có là bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ có thể được chữa lành bởi những bàn tay chỉ còn da và xương mang tên mẹ cha.

Bao nhiêu người đã đi qua những ngày trống rỗng chỉ vì một ngày bỗng trở thành kẻ-trưởng-thành-mồ-côi. Đó là cái trống rỗng không gì có thể lấp đầy, dù là tột đỉnh danh vọng hay quyền lực.

Tôi từng chứng kiến một người đàn ông, vốn hô phong hoán vũ nơi công sở, mỗi buổi chiều về đến nhà là bước vào phòng nắn đôi chân đã yếu của cha mình, dù đó là ngày nắng hay ngày mưa. Đó không phải là trách nhiệm, đó là tận hưởng những yêu thương vốn còn ngắn hạn, vì mãi mãi sau này anh sẽ không còn có nữa. 

Những đứa con loay hoay với tuổi của cha mẹ  bao nhiêu, người già loay hoay với tuổi của mình gấp nhiều lần bấy nhiêu  - Ảnh: Vnexpress
Những đứa con loay hoay với tuổi của cha mẹ bao nhiêu, người già loay hoay với tuổi của mình gấp nhiều lần bấy nhiêu - Ảnh: Vnexpress

3. Ở một số nước, nhiều công việc phù hợp với độ tuổi và sức lực dành cho người về hưu ra đời, ngày càng nhiều ứng dụng công nghệ dành cho người già hiện diện. Xem người già là một đối tượng kinh tế tiêu dùng, đó chính là giải pháp, là sự chuẩn bị của xã hội. Nhưng ngay cả khi chúng ta đang sống trong một xã hội chưa kịp bắt nhịp với người già, tự trong bốn vách ngôi nhà mình, mỗi người đều có thể tự chuẩn bị cho mình. Sự chuẩn bị khởi đi từ nền tảng yêu thương, giúp trẻ-già đi qua cùng nhau và sẽ cùng có giải pháp.

Người mang trên vai số tuổi tri thiên mệnh, thực tế không sợ chữ “già”, cái mà họ sợ hãi là mình bỗng trở nên vô dụng, với con cháu, với xã hội. Mà cảm giác vô dụng đó chẳng đến từ đâu xa. Chỉ cần một lần thể hiện sự hoài nghi khi cha già bắt đầu làm công việc gì đó, chỉ cần một câu nói trong vô ý “chỉ bấy nhiêu mà sao mẹ cũng không nhớ?”… những đứa con, cháu đã truyền vào đấy một thông điệp và đương nhiên, với người già, thông điệp ấy gói gọn trong hai chữ “vô dụng”.

Bình thản nhìn tuổi già của cha mẹ như đó là điều vốn thuộc về đấng sinh thành chính là sự chuẩn bị tốt nhất, cho mình và cho người khác. Sự bình thản sẽ giúp mỗi đứa con, thay vì cau có và phiền toái trước những bất tiện mà tuổi già của cha mẹ gây ra, lại bật cười như thể đó là điều ngộ nghĩnh bất ngờ.

Chỉ có những người con bình thản (vì thấu hiểu) mới có thể kiên nhẫn với sự vụng về và nhớ nhớ quên quên của cha mẹ, như cha mẹ đã từng kiên nhẫn đến thế nào khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Chỉ khi mỗi cá nhân, xã hội không thể hiện tuổi già đi cùng sự vô dụng, cha mẹ mới không phải là người vô dụng. 

Có những trường hợp bạo hành cha mẹ như người phụ nữ bị bắt mới đây ở Long An nhưng đó chỉ là quá cá biệt. Phần đông còn lại, tôi tin rằng với những đứa con, tuổi già của cha mẹ là món quà vô giá. Thông tin tiêu cực dễ đập sâu vào trí nhớ hơn tích cực, đó là thực tế. Nhưng theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2019, Việt Nam hiện có tới 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu. Đó là bức tranh khác biệt, đáng trân trọng và đáng để hạnh phúc. 

Lương Hàn Chinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI