Trung thu năm ấy

16/09/2013 - 08:20

PNO - PNO - Còn nhớ, năm đầu tiên tôi bước chân vào giảng đường, học khoảng hơn nửa tháng thì lớp trưởng thông báo “chiêu mộ chiến binh” để chuẩn bị tổ chức Trung thu cho trẻ em khuyết tật của tỉnh. Chưa bao giờ tham gia công tác...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong buổi ra quân đầu tiên, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho tôi là những khuôn mặt ngại ngùng nép sau cánh cửa. Trên đường đi, tôi nghĩ, khi chúng tôi đến, chắc các em sẽ ùa ra, vui cười hớn hở. Nhưng, dường như một nỗi buồn sâu thẳm nào đó đã níu chân những đứa bé ngây thơ kia lại. Sau một lúc giao lưu, các em mới bắt đầu hé nở nụ cười và bắt nhịp với trò chơi chúng tôi bày ra.

Trung thu nam ay
 

Rằm tháng Tám năm đó, tôi không thể nào quên. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những đứa trẻ bị câm cất tiếng hát. Âm thanh nghẹn ứ trong cổ họng của các em, chỉ còn tiếng “ư, a” phát ra theo điệu nhạc, nhưng niềm hạnh phúc vẫn ánh lên từ đôi mắt chúng. Mọi người xung quanh hát theo để át đi phần nào những mặc cảm các em đang cố giấu. Cũng trong đêm hôm ấy, lần đầu tiên tôi được thưởng thức điệu múa hồn nhiên của những em bị liệt, được xem diễn kịch câm và được nghe tiếng cười trong veo của một em bé thiểu năng trí tuệ. Vậy mà, lúc mới bước vào nơi đây, tôi đã có cảm giác rờn rợn, thậm chí không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của những đứa bé tội nghiệp ấy. Nghĩ lại, tôi thấy xấu hổ vô cùng.

Khi những trò chơi kết thúc, chúng tôi ra hiệu các em im lặng để tuyên bố “sự kiện” quan trọng nhất: tặng đèn lồng. Những đứa trẻ đưa đôi tay non nớt nhận lấy chiếc đèn xinh xắn, có bé chưa đến lượt cũng xòe tay ra để… đợi, có bé phải nhờ bạn xách giùm vì không còn cánh tay nào. Chúng tôi hòa nhịp hát bài “Chiếc đèn ông sao”, tiếng hát vang lên trong trẻo và ấm áp. Bỗng dưng, một em nắm lấy tay tôi hỏi: “Chị ơi, trăng ở phía nào ạ?”. Tôi bàng hoàng trước câu hỏi bất ngờ. Hóa ra, em bị khiếm thị. Tôi ngồi xuống, nâng cằm em lên phía có ánh trăng rọi vào: “Trăng ở ngay trước mặt em đó!”. Em bé nở nụ cười hiền lành: “Vậy hả chị? Em có thể ước được rồi!”.

Tôi không biết em đã ước điều gì, chỉ biết lặng yên cùng phút giây đó của em. Quanh tôi, hình như những đứa trẻ khác cũng đang thầm thì điều gì đó. Đối với những đứa trẻ như thế, có lẽ chúng đang ước được như người bình thường, được tự do chạy nhảy, được nhìn ngắm mọi vật xung quanh, được cất cao tiếng hát mà không bị tắc nghẹn…

Đó là đêm trăng đẹp nhất đời tôi. Tôi thấy mình thật quá may mắn vì được là một con người toàn vẹn.
 

VŨ HOÀI
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI