Phụ huynh "đấu" với mạng xã hội

Tôi bất lực với YouTube

27/11/2020 - 09:21

PNO - Một bé gái 3 tuổi treo cổ bằng khăn sau khi xem phim Heo Peppa, một cậu bé 8 tuổi cũng treo cổ trên móc áo nhà tắm và qua đời… là chuyện chỉ mới xảy ra tại Việt Nam.

Sau thời gian các bà mẹ toàn cầu “khủng hoảng” vì clip Momo hướng dẫn trẻ sát thương bản thân và người khác, YouTube đã có đợt truy quét, siết chặt các clip mà nội dung nhắm vào trẻ em, phụ huynh thở phào và có phần lơ là quản lý con em. Nhưng thực tế, thế giới mạng chưa bao giờ "sạch".

Chỉ trong vài ngày, hàng loạt thông tin về những đứa trẻ chị chấn thương và tử vong do bắt chước các clip trên mạng đập vào mắt, khiến người mẹ như tôi muốn điềm tĩnh cũng không dễ. Một cô bé 4 tuổi ở TPHCM treo cổ bằng chiếc khăn sau khi xem Peppa Pig; ngày 25/11, cậu bé 8 tuổi ở Đồng Nai được gia đình phát hiện ngưng thở trong trạng thái treo lơ lửng, cổ áo móc vào hàng móc áo trên tường; một cậu bé phải nhập viện cấp cứu với nguy cơ gãy cổ vì làm theo một clip nhào lộn trên mạng...

Trước đó, chuyên gia tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 phải vào cuộc “nắn” hành vi cho một cậu bé 4 tuổi, vì cậu có những hành động “thân mật” rất đáng lo ngại, do bắt chước các clip trên YouTube...

Khi được phát hiện, cháu bé 8 tuổi ở Đồng Nai đang ở tình trạng người treo lơ lửng
Khi được phát hiện, cháu bé 8 tuổi ở Đồng Nai đang ở tình trạng người treo lơ lửng, cổ áo móc vào dụng cụ móc áo đính trên tường. Hình ảnh do Công an Đồng Nai cung cấp.

Con tôi sắp 3 tuổi, và như đa số các bậc cha mẹ luôn thiếu thời gian, tôi không thể không cầu cạnh YouTube để đứa trẻ hiếu động của mình ngồi yên ăn hết bữa ăn. Không phải cho đến khi những tai nạn liên quan đến các clip trên mạng xảy ra tôi mới ý thức được sự hiểm nguy của việc con dán mắt vào màn hình ti vi, nỗi cảnh giác của tôi là thường trực, nhưng càng ngày tôi càng thấy bất lực. 

Ở lứa tuổi từ 3 - 6, hành vi của trẻ gần như là sao chép từ những gì mình được xem, đời thực lẫn trên mạng. Từ việc xem thụ động, con bắt đầu ra yêu cầu, và thực hiện lại. Đó là cách nhấn kèn xe "pí po pí po" của chiếc xe cứu hoả, là nhái theo điệu hát "pà bum pà bum" của loạt clip BabyBus... nhưng, khuất mắt đâu đó vẫn có những hành động mà một người mẹ "đầy cảnh giác" như không nhận ra. 

Một lần, con tôi bỗng dưng thẳng tay tát vào mặt cô bé hàng xóm nhỏ hơn 6 tháng tuổi, rồi khi thấy cô bé đứng sững ra vì chưa hiểu chuyện gì, thì "anh hàng xóm" tiếp tục xấn tới xô cô bé ngã ập xuống nền nhà, vừa xô vừa hô" "Bibi té, Bibi té".

Thì ra, người bạn Bibi của con trong loạt hoạt hình A., vốn được sản xuất cho lứa tuổi của con, trong một tình huống bị bạn va vào, đã té hệt như thế. Tình huống đó chưa nguy hiểm, nhưng tôi giật mình nhận ra: có những hiểm họa ẩn trong chính những bộ phim tôi nghĩ rằng vô hại.

Có lẽ rất nhiều bậc cha mẹ cũng nghĩ rằng clip, phim hoạt hình sản xuất cho thiếu nhi, thì đã được kiểm duyệt, mà không hay rằng với cách hiểu ngô nghê của trẻ, các clip được Việt hoá từ nước ngoài ấy chứa rất nhiều dị tố mà đôi khi là độc tố. 

Cứ mỗi đợt rộ lên những clip gây thương tích hay nhảm nhí, đặc biệt khi nội dung nhắm vào trẻ em, YouTube lại thực hiện một "chiến dịch" truy quét. Nhưng, thuật toán của AI (trí tuệ nhân tạo) không thể nào ngăn được sự "luồn lách" của con người. YouTube trả tiền cho người làm Youtube dựa vào lượt truy cập/xem các đoạn quảng cáo cài trong clip, nên mối lợi này đủ làm những người dựng clip bỏ qua mối nguy có thể xảy đến với người xem, dù đó là trẻ em.

Như chương trình heo Peppa (Pappa Pig) mà mọi đứa trẻ tuổi mầm non và nhi đồng đang xem, thực tế đó là chương trình hoạt hình dành cho đối tượng trẻ mầm non của Anh quốc, nhưng vì mối lợi, các clip Peppa Pig nhái ra đời nhan nhản với nội dung nghèo nàn, lồng tiếng Việt cẩu thả, không có tính giáo dục, thậm chí dạy trẻ nói năng hỗn hào, làm điều sai lệch...

Trẻ nhỏ luôn bị kích thích bởi những âm thanh bắt tai, những câu chuyện  gần gũi và có liên quan đến cuộc sống xung quanh. Người làm Youtube cho trẻ nắm được công thức đó, và họ chạy theo thị hiếu của trẻ, miễn lượt xem cao. Không cha mẹ nào có thể khẳng định sẽ không có phút lơ là, bởi mỗi khoảnh khắc trên các clip chỉ cần chừng 3 giây là đủ tác động và ảnh hưởng vào trí não trẻ.

Điều khó khăn, cũng là mâu thuẫn của phụ huynh chúng tôi là: Tuy bất an với YouTube, nhưng không thể "cạch mặt" YouTube. Điều tôi có thể làm chỉ là giảm liều lượng đến mức thấp nhất có thể, giám sát nội dung cao nhất có thể. Và nguy cơ con tôi bị clip độc hại tấn công vẫn còn nguyên. Tôi quá bất lực!

Hoa Di ( Q2, TPHCM)

Chuyện con trẻ mê mạng xã hội, nghiện YouTube, TikTok không mới. Báo Phụ Nữ từng thực hiện nhiều loạt bài chia sẻ cách "lôi con ra khỏi màn hình công nghệ", nhưng nội dung và các thuật toán của thế giới số liên tục thay đổi, người làm Youtube mỗi lúc thêm "quái chiêu" và bọn trẻ cũng nhanh chóng có những thủ thuật mới để qua mắt cha mẹ.

Mời bạn góp ý kiến cho diễn đàn Phụ huynh "đấu" với mạng xã hội, chia sẻ tâm tư và những bí quyết quản lý con hiệu quả.

Bài viết, ý kiến xin gửi về địa chỉ mail online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI