31 ca bệnh, 1 người tử vong, Huế tăng cường kiểm soát dịch liên cầu lợn

07/07/2025 - 19:19

PNO - Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố Huế đã ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó có một ca tử vong ngày 2/7.

Nạn nhân chết do nhiễm liên cầu lợn là anh B.V.C (50 tuổi, trú phường Thuận Hóa, TP Huế). Anh C. đi làm về có biểu hiện sốt nhưng vẫn ăn uống bình thường, đáp ứng thuốc hạ sốt. Lúc 11g ngày 2/7, anh C. thấy mệt nên được người nhà đưa đi Bệnh viện Trung ương Huế khám nhưng đến chiều cùng ngày thì tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế, qua lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân (ngày 2/7) và đến ngày 4/7, kết quả cho dương tính với Streptococcus Suis (liên cầu khuẩn lợn). Như vậy, từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố Huế đã ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó có một ca tử vong như đã nói trên.

Riêng trong tháng 6, số ca mắc tăng đột biến với 25 ca (gấp hơn 4 lần so với 5 tháng trước đó). Tất cả các ca bệnh đều được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều 7/7, Sở Y tế thành phố Huế có văn bản cho biết, đã phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện Trung ương Huế để theo dõi sát tình hình, đồng thời chỉ đạo các Trung tâm Y tế cơ sở khẩn trương điều tra, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định.

Sở Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát như giám sát dịch tại cơ sở y tế, cộng đồng và qua sự kiện; tổ chức thu dung, cách ly và xử lý ổ dịch khi phát hiện ca nghi ngờ. Công tác phối hợp liên ngành với ngành nông nghiệp, thú y và chính quyền địa phương được tăng cường để chia sẻ thông tin và kiểm soát dịch lây từ động vật sang người, đặc biệt là liên cầu lợn.

Sở Y tế khuyến cáo không chủ quan, không giấu dịch và không để xảy ra tình trạng lây lan từ những thói quen thiếu an toàn trong tiêu dùng.
Sở Y tế khuyến cáo không chủ quan, không giấu dịch và không để xảy ra tình trạng lây lan từ những thói quen thiếu an toàn trong tiêu dùng.

Một trong những điểm nhấn trong công tác phòng dịch là việc thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp số 1352/QC-SYT-SNNPTNT giữa Sở Y tế với Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) giai đoạn 2024–2025 về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao. Báo cáo dịch bắt buộc được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện, theo Thông tư 54/2015/TT-BYT.

Sở Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh lòng lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn chết bất thường. Khi chế biến thực phẩm, cần sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay kỹ bằng xà phòng. Thịt lợn cần được mua từ nguồn có kiểm dịch rõ ràng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tại nhà.

Sở Y tế nhấn mạnh: “Đây là bệnh có thể phòng được nếu người dân chủ động thực hiện các khuyến cáo. Không chủ quan, không giấu dịch và không để xảy ra tình trạng lây lan từ những thói quen thiếu an toàn trong tiêu dùng”.

Qua điều tra dịch tễ, nhà bệnh nhân và các hộ lân cận không nuôi lợn, trong 2 tuần qua trong khu vực không có tình trạng lợn mắc bệnh. Những người tiếp xúc trong gia đình và xung quanh nhà bệnh nhân hiện chưa phát hiện thấy trường hợp có biểu hiện bệnh tương tự. Theo thông tin từ cán bộ thú y phường Thuận Hóa, hiện tại địa phương cũng không xảy ra dịch lợn tai xanh.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI