Trẻ em Hồng Kông bị khủng hoảng tâm lý vì sống trong căn hộ "hộp diêm"

07/07/2025 - 20:36

PNO - Một khảo sát mới cho thấy, trẻ em Hồng Kông sống trong các căn hộ chia nhỏ chật chội có nguy cơ cao gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và ảnh hưởng đến học tập.

Trẻ em Hồng Kông gặp nhiều vấn đề về tâm lý, tỷ lệ trầm cảm cao khi sống trong các căn hộ chật hẹp.
Trẻ em Hồng Kông gặp nhiều vấn đề về tâm lý, tỷ lệ trầm cảm cao khi sống trong các căn hộ chật hẹp.

Đây là nghiên cứu do Đại học Thành phố Hồng Kông phối hợp cùng Tổ chức Xã hội Cộng đồng (SoCO) thực hiện.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 6/2023 đến tháng 8/2024, với sự tham gia của 1.032 trẻ em trong độ tuổi từ 9-12. Trong đó, gần 50% đang sống trong các căn hộ chia nhỏ (subdivided flats) – vốn có diện tích trung bình chỉ khoảng 14m², tương đương một nửa so với diện tích nhà ở tiêu chuẩn tại Hong Kong. Những không gian sống chật chội này thường không có phòng riêng, thiếu ánh sáng tự nhiên, thông gió kém và hầu như không đủ diện tích cho trẻ em học tập hay vui chơi.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm trẻ cho rằng mình thiếu không gian học và chơi trong nhà có mức độ trầm cảm, lo âu và căng thẳng tâm lý cao hơn đáng kể. Đáng chú ý, chỉ số trầm cảm ở nhóm thiếu khu vực vui chơi cao hơn 16% so với nhóm có điều kiện sống tốt hơn.

Tiến sĩ Arbitor Ma Yiu-chung từ Trường Nghệ thuật và Khoa học Xã hội cảnh báo, nhận thức chủ quan về sự thiếu thốn không gian có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần.

Báo cáo cũng chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa không gian sống và thành tích học tập. Chỉ khoảng 55% học sinh thiếu không gian học tại nhà đạt điểm A hoặc B ở các môn Toán và Ngữ văn Trung Quốc – thấp hơn gần 10% so với những em được học tập trong không gian phù hợp. Điều này cho thấy không chỉ sức khỏe tinh thần mà cả quá trình tiếp thu và phát triển tư duy của trẻ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trong số các em sống trong căn hộ chia nhỏ, 39% nói rằng không có đủ khu vực để học, trong khi 44% cảm thấy không có không gian để chơi. Những tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với trẻ em sống trong nhà công, nhà ở chuyển tiếp, chung cư tư nhân hay nhà ở xã hội.

Không gian sống chật chội cũng ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ,
Không gian sống chật chội cũng ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ,

Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện phỏng vấn sâu với 54 trẻ để tìm hiểu thực tế cuộc sống. Nhiều em cho biết không có bàn học hoặc không đủ thiết bị học trực tuyến. Một số phải chia sẻ thiết bị với người thân, học trong điều kiện thiếu ánh sáng hoặc bị làm phiền bởi tiếng ồn từ các hộ gia đình khác chung tòa nhà.

Tom Liang Kwan-ho, 13 tuổi, sống trong một căn hộ vỏn vẹn chưa đến 10m² tại khu Sham Shui Po, kể: “Em phải nằm sấp trên giường để học vì không có bàn. Phòng rất tối, ánh đèn yếu khiến em khó đọc chữ. Khi cả nhà nấu ăn hoặc bật tivi, em không thể tập trung”.

Trước thực trạng này, bà Sze Lai-shan, Phó giám đốc SoCO, đề xuất chính quyền và cộng đồng nên đẩy mạnh xây dựng các trung tâm học tập, không gian sinh hoạt công cộng cho trẻ em thuộc nhóm có hoàn cảnh khó khăn phải sống trong các căn hộ chia nhỏ chật hẹp, đồng thời kéo dài thời gian mở cửa tại các trường học.

Giai đoạn hai của nghiên cứu hiện đã được triển khai, sẽ tiếp tục phân tích mối liên hệ giữa không gian sống và các chỉ số phát triển nhận thức, cảm xúc ở trẻ. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng kết quả sẽ góp phần định hướng chính sách nhà ở và hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo trẻ em ở Hồng Kông được phát triển trong môi trường tốt hơn.

Thu Vân (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI