Chị là “vua mắc ca” Trần Thị Dịu - người đoạt giải Nhất Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 với sản phẩm “thanh ngũ cốc dinh dưỡng sầu riêng sấy thăng hoa”. Chị là 1 trong 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc do Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam bình chọn trong năm.
Khởi nghiệp từ tình yêu dành cho mẹ
Năm 2015, chị Trần Thị Dịu lập gia đình, theo chồng về Đắk Nông và sớm nhận thấy đây là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển cây mắc ca. Chất lượng mắc ca Đắk Nông không thua gì mắc ca nhập khẩu từ Úc nhưng nhìn nông dân bán sản phẩm thô đã rẻ còn bế tắc đầu ra, trong khi sản phẩm chế biến luôn cháy hàng, chị chợt nảy ý tưởng.
 |
Chị Trần Thị Dịu giới thiệu sản phẩm của công ty với Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2024 tại Triển lãm Quốc tế TPHCM - Ảnh: Thủy Vũ Đ.N |
Tập tành thu mua nguyên liệu thô về chế biến được 5kg mắc ca, chị Dịu mang đi chào mời suốt mấy tháng trời, bán được 500g. Không nản lòng, được sự động viên và trợ giúp từ gia đình, chị đi khắp nơi để tìm ẩn số vì sao sản phẩm của mình không được thị trường đón nhận.
Năm 2017, Công ty TNHH TM & DV An Phát ra đời để hiện thực hóa ước mơ của Dịu, đưa mắc ca Đắk Nông xứng với giá trị của nó. Để rồi sau 8 năm thành lập, mắc ca An Phát trở thành một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông, có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng lương thực thực phẩm sạch trong cả nước và một số siêu thị ở Hàn Quốc.
 |
Chị Trần Thị Dịu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2023 - Ảnh: Thủy Vũ Đ.N |
Cái tên An Phát là tiêu chuẩn, mục tiêu, thước đo cho cho sự thành bại không những ở công ty của chị Dịu mà cả gia đình - mọi sự an thì mới phát.
Rất nhiều sản phẩm của công ty ra đời từ nhu cầu của gia đình chị, chẳng hạn “bột ngũ cốc dinh dưỡng” được chế biến từ 12 loại hạt (mắc ca, điều, hạnh nhân…) vì mẹ chồng chị bị đau răng, không nhai được. Sữa hạt uống mãi cũng ngán, phải có thứ gì đáp ứng được các giá trị dinh dưỡng cho người già không cần nhai mà vẫn cảm nhận được mình đang ăn ngon? Chị Dịu trăn trở mãi. Suốt một thời gian dài, chị thử nghiệm bằng cách trộn các loại hạt theo những tỉ lệ khác nhau nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu của mẹ chồng: “Nhạt lắm, ăn uống gì mà như nhai rơm”.
Hư không biết bao nhiêu mẻ bột, gia đình khuyên can nhưng chị Dịu không đành lòng nhìn mẹ ăn uống khó khăn. Chị chỉ thở phào nhẹ nhõm khi mẹ chồng ăn hết ly bột ngũ cốc dinh dưỡng rồi gật đầu khen ngon. Tiếng lành đồn xa, có lúc đơn đặt hàng nhiều đến nỗi cả xưởng chỉ tập trung sản xuất sản phẩm bột mà không đủ cung cấp cho thị trường.
Sản phẩm “thanh ngũ cốc dinh dưỡng sầu riêng sấy thăng hoa” của công ty Dịu cũng ra đời từ tình yêu của chị dành cho cha mẹ. Cha chị Dịu thích ăn sầu riêng nhưng ở quê xa, mỗi lần gửi về lích kích, chưa kể hư hỏng trong quá trình vận chuyển, lại không để được lâu. Suốt thời gian phong tỏa dịch COVID-19, chị Dịu luôn trăn trở làm sao ở quê mà cha vẫn được ăn sầu riêng Đắk Nông. “Rinh” giải Nhất giải thưởng Lương Định Của, chị Dịu khá bất ngờ. “Vì thương cha mà tôi làm ra sản phẩm. Không ngờ mọi người lại ủng hộ nhiệt tình đến thế” - chị trải lòng.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, chị Dịu không ngừng sáng tạo, chế biến ra các sản phẩm bánh hạt dinh dưỡng tạo thành một hệ sinh thái ăn sạch, sống xanh.
Mỗi khi nghiên cứu thành công một công thức sản phẩm mới, chị Dịu vui rộn ràng và đưa ngay lên mạng để mọi người cùng làm. Theo chị, có vậy lượng tiêu thụ hạt mắc ca của Đắk Nông mới tăng nhanh, giúp nhiều chị em có thêm công ăn việc làm.
Luôn đặt gia đình ở vị trí trung tâm
Tôi không biết chị Dịu lấy ở đâu ra sức mạnh và thời gian để làm tốt mọi việc. Chị mỉm cười cho biết thành quả chị gặt được hôm nay là nhờ mẹ chồng và chồng cùng chung tay gánh vác, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chị làm việc.
 |
Chị Trần Thị Dịu (thứ 5 từ trái sang) và chị em trong xưởng làm bánh và chế biến hạt - Ảnh: Thủy Vũ Đ.N |
Tôi từng tham dự một buổi chị Dịu hướng dẫn khởi nghiệp cho chị em. Phần lớn là những phụ nữ nông thôn không có vốn cũng chẳng có kiến thức. Khi tôi đến, chị Dịu đang dạy mọi người làm bánh hạt dinh dưỡng. Chồng chị Dịu ngồi bên dưới nhìn về phía vợ với ánh mắt say mê xen lẫn tự hào.
Chị Dịu bồi hồi nhớ lại những ngày đầu về nhà chồng. Lạc lõng và ngơ ngác nhưng chị xác định tâm thế ngay từ đầu: “Tôi không phải con dâu mà sẽ trở thành con gái của mẹ. Tôi lấy tấm chân tình ra đối đãi, không lý gì mẹ không đón nhận”. Hàng xóm kể gần 10 năm chị Dịu về làm dâu, căn nhà của mẹ chồng chị luôn đầy ắp tiếng cười gia đình sum họp vào bữa cơm cuối ngày.
Tôi ngạc nhiên khi thấy chị “chiều chuộng” chồng mà đáng ra phải ngược lại. “Tôi đi nhiều, quan hệ rộng, tiếp xúc với nhiều doanh nhân. Trong khi đó, công việc của chồng tôi chỉ quẩn quanh trong môi trường công sở. Nếu người phụ nữ không tinh tế, không luôn gia cố lòng tin, người chồng dễ suy nghĩ, dẫn đến đổ vỡ” – chị Dịu nói.
Gần 10 năm qua, hết giờ làm công chức, chồng chị lại trở thành nhân viên giao hàng, là bốc vác, là kế toán, là thủ kho. Vậy nhưng theo anh, điểm nhấn của cuộc đời, duyên nợ của anh với nghiệp kinh doanh là do được chị thương yêu, tin tưởng chọn làm người đồng hành trong mọi hoạt động kinh doanh của công ty.
 |
Gia đình nhỏ của chị Trần Thị Dịu - Ảnh: Thủy Vũ Đ.N |
Với chị Dịu, thành công không chỉ được đo bằng doanh số mà còn phải trở thành người giữ lửa trong gia đình và lan tỏa sự hiếu thảo.
Chị tâm sự: “Bất kể công việc bận rộn, sáng nào tôi cũng tự tay chuẩn bị bữa ăn cho gia đình; buổi tối, tôi cố gắng về ăn cơm với gia đình. Tôi luôn sống vui, sống có ích, cố gắng đưa công ty ngày càng phát triển để đáp lại những tin yêu mà gia đình và cộng đồng dành cho mình. Luôn nỗ lực hết mình để giúp nhiều phụ nữ ở địa phương có công ăn việc làm ổn định cũng là cách tôi trả hiếu cho gia đình và cộng đồng”.
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 096618272 |
Thủy Vũ Đ.N