Tình yêu nối vùng đầu sóng và miền đất lửa

05/01/2017 - 06:30

PNO - Trong căn phòng trọ nhỏ họ đang ở, mỗi sáng, mỗi tối đều vang vọng tiếng cười nói ấm áp của đôi vợ chồng trẻ.

Họ tình cờ quen nhau qua facebook. Chàng trai ở xã đảo An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) ấy đã vượt 18 hải lý đường biển vào đất liền, rồi tiếp tục ngồi xe đò hơn 500 cây số để đến miền đất lửa Quảng Trị tìm một cô giáo khiếm thị. Sự đồng điệu của hai tâm hồn đã thúc đẩy họ vượt qua mọi cách biệt để đến với nhau. Họ là đôi vợ chồng son Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Văn Trường, hiện trú tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Tinh yeu noi vung dau song va mien dat lua
Trường đọc bài giúp Nguyệt soạn giáo án

 Trong căn phòng trọ nhỏ họ đang ở, mỗi sáng, mỗi tối đều vang vọng tiếng cười nói ấm áp của đôi vợ chồng trẻ. Họ luôn bên nhau, khi cùng nhau nhặt rau chuẩn bị cơm chiều, khi thì Trường kiên nhẫn đọc từng trang giáo án cho Nguyệt gõ vào máy tính được hỗ trợ phần mềm dành cho người khiếm thị. Để có được cái hạnh phúc đơn sơ ấy, cả hai từng cùng trải qua những tháng ngày đầy khó khăn để thuyết phục gia đình hai bên và thuyết phục cả… bản thân khi muốn đến với nhau.

Nguyệt sinh ra ở miền quê nghèo Cam Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), không may khuyết tật mắt từ bé. Nguyệt từng mấy lần chán nản bỏ học, nhờ sự động viên của gia đình, thầy cô mới dần lấy lại thăng bằng. Năm 2013, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Nguyệt về giảng dạy tại một ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật của tỉnh. Nguyệt tâm sự: “Cuộc sống càng nhiều khó khăn, thử thách thì mình càng phải nỗ lực vượt qua”. Là giáo viên khiếm thị duy nhất ở trường nhưng Nguyệt vẫn bắt nhịp được với môi trường làm việc. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, cái tâm của người làm nghề giáo và cả sự đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ, Nguyệt hòa nhập cùng học sinh của mình khiến những buổi dạy - học trở nên dễ dàng hơn. Ngoài giờ lên lớp, Nguyệt còn mở trung tâm bấm huyệt của người khiếm thị để có thêm thu nhập.

Là dân Lý Sơn, sau khi xuất ngũ, Trường trở lại xã đảo An Vĩnh tham gia công tác đoàn và làm công an viên. Chuyện tình của hai người bắt đầu từ một sự tình cờ. Trường nói, được gặp Nguyệt là cả một may mắn của đời mình. Còn với Nguyệt, có lẽ đó là cơ duyên trời định. “Nghe bạn bè và em gái nói đến facebook, em cũng mày mò thử làm nhờ có sự hỗ trợ của phần mềm dành cho người khiếm thị. Chỉ mới vài ngày thì anh Trường vào kết bạn. Quen nhau rồi, thi thoảng chúng em gọi điện nói chuyện. Lúc đó, em chỉ nghĩ là có người bạn để trò chuyện chứ đâu nghĩ gì đến chuyện yêu đương. Khoảng hơn tuần thì anh gọi, bảo em cho biết chính xác địa chỉ nhà. Em tưởng anh đùa nên nói khi nào anh đến được Đông Hà thì em sẽ cho biết. Không ngờ anh nói ngay là đang ở Đông Hà. Lúc đó em run lên, rất bối rối. Ba em thấy vậy, hỏi chuyện, em đành nói thật. Sau một thoáng ngần ngừ, ba bảo để ba đi đón”. Trường cười hiền tiếp lời vợ: “Em quyết định vượt 18 hải lý từ đảo Lý Sơn vào đất liền rồi bắt xe đò đi ngót 500 cây số ra Quảng Trị tìm Nguyệt không phải là một sự liều. Qua những cuộc trò chuyện, em cảm nhận được tâm hồn và trái tim nồng ấm của Nguyệt nên mới tìm gặp”. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, Nguyệt khóa facebook, nhưng chuyện tình của họ bắt đầu...

“Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lập gia đình cho đến khi gặp anh ấy”, Nguyệt nói. Ngay cả lúc Trường bày tỏ tình cảm, Nguyệt cũng dứt khoát từ chối vì sợ Trường thiệt thòi. Nhưng, con tim vẫn thúc đẩy họ đến với nhau. Ngày Trường dắt tay Nguyệt về xã đảo An Vĩnh, biết con trai mình quyết định gắn bó với một người khiếm thị, gia đình Trường không đồng ý. Nhưng, nhìn ra sự chân thành của con trai, mẹ Trường bảo: “Con hãy suy nghĩ thật kỹ. Mình là người bình thường, có gì cũng dễ làm lại; còn con gái người ta vốn đã thiệt thòi, nếu phải làm lại thì khó lắm…”. Giây phút ấy Trường hiểu thấu lòng cha mẹ, nghèn nghẹn: “Tạo hóa không ban cho cô ấy đôi mắt sáng nhưng bù lại tâm hồn cô ấy rất ấm áp, nhân hậu và chân thành. Con tin đó là người bạn đồng hành con cần trong đời mình”. Tình yêu của họ khiến ba mẹ Trường xúc động, đồng ý: “Nếu các con đã quyết thì ba mẹ không cản, nhưng phải nhớ dù ở đâu hai đứa cũng phải thật thông cảm, hiểu và biết chia sẻ cho nhau để vun vén gia đình”. Một đám cưới đầm ấm được tổ chức trong sự chúc phúc của gia đình hai bên.

Sau ngày cưới, Trường cùng vợ về Đông Hà để Nguyệt được tiếp tục dạy học. Chọn Nguyệt, Trường buộc phải bỏ công việc đang làm, xa quê nhà nơi anh lớn lên. Thấu hiểu, Nguyệt luôn cố gắng bù đắp cho chồng, chuyện trò cùng anh mọi lúc có thể. Dù không nói ra nhưng mỗi ngày, cả hai vợ chồng đều cùng cố gắng để bắt nhịp được với nhau trong sinh hoạt - một việc tưởng chừng rất bình thường nhưng với người khiếm thị, chỉ cần để một vật dụng sai vị trí cũ là mọi thứ đều đảo lộn.

Thương vợ, Trường bảo: “Anh xác định rồi, dù hơi bỡ ngỡ với cuộc sống bên một người khiếm thị nhưng anh sẽ điều chỉnh, để sinh hoạt của hai đứa phù hợp hơn. Anh sẽ là người điều chỉnh, em không cần phải thay đổi gì đâu”. Nguyệt nắm tay chồng, rớm nước mắt hạnh phúc.

 Nhìn hai vợ chồng cùng chia sẻ việc chuẩn bị bữa cơm chiều, rồi cùng ngồi vào bàn; nghe giọng Trường ấm áp đọc từng chữ để Nguyệt gõ giáo án vào máy tính; có thể dễ dàng nhận ra giây phút ấy, cả hai tâm hồn đã hòa làm một.

 Uyên Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI