TikTok trở thành tâm điểm mới cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc

27/07/2020 - 08:38

PNO - Mỹ lựa chọn TikTok làm mục tiêu mới cho cuộc đối đầu với Trung Quốc ở khía cạnh doanh nghiệp và công nghệ.

Sau gã khổng lồ công nghệ Huawei, dường như Mỹ đã lựa chọn TikTok làm mục tiêu mới cho cuộc đối đầu với Trung Quốc ở khía cạnh doanh nghiệp và công nghệ.

Vì sao Mỹ xem TikTok là mối đe dọa?

TikTok, ứng dụng xử lý và đăng tải video khá phổ biến đối với thế hệ trẻ và hiện có tới 1 tỷ người dùng. Các nhà phân tích Mỹ gần đây đã đưa ra lập luận cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để truyền bá thông tin sai lệch nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ, mở rộng các biện pháp kiểm duyệt của Trung Quốc ra nước ngoài hoặc thu thập dữ liệu cá nhân để tống tiền người Mỹ. Ước tính hơn 40 triệu người tại Mỹ đã cài đặt ứng dụng vào năm 2019.

Thoạt nhìn, có vẻ khó hiểu khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ  (CFIUS - Committee on Foreign Investment in the United States) quyết định điều tra một ứng dụng Trung Quốc chủ yếu được thanh thiếu niên sử dụng để đăng những đoạn video hài hước. Nhưng các nhà phê bình có luận điểm riêng của họ. TikTok và các ứng dụng truyền thông xã hội khác của Trung Quốc thực sự gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia, ngay cả khi mối đe dọa này khó xác định. Khía cạnh cần chú ý nằm ở mạng lưới kết nối ảo giữa từng người dùng và nội dung, chứ không phải bản thân ứng dụng.

Nhìn từ bên ngoài, TikTok trông giống như một dịch vụ chia sẻ video, nhưng bên trong, nó sở hữu một biểu đồ xã hội khổng lồ kết nối hàng tỷ người dùng, hàng tỷ video, nhà xuất bản âm nhạc, nhà quảng cáo và tất nhiên là cả máy chủ của công ty. Biểu đồ xã hội đó cũng bao gồm hệ thống nhắn tin và mạng thanh toán. Mặc dù các video TikTok chủ yếu chứa đựng nội dung do người dùng tạo, nền tảng này giống như một trò chơi video gây nghiện hơn là một phiên bản YouTube của Trung Quốc. Các video định dạng ngắn yêu cầu sự tham gia của người dùng liên tục, tạo ra mức độ tương tác cao và thời gian xem trung bình của mỗi tài khoản là 45 phút mỗi ngày.

Bên cạnh đó, TikTok là sản phẩm số đầu tiên phá vỡ liên kết văn hóa và lan truyền khắp phần còn lại của thế giới. Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cảnh báo rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng kiểm duyệt thông tin ra bên ngoài Trung Quốc thông qua việc kiểm soát nội dung trên TikTok. Do đó, đây là phép thử quan trọng, tạo tiền lệ cho cách mà các xã hội tự do xử lý mạng lưới ứng dụng từ Trung Quốc.

Mỹ có thể làm gì với TikTok?

Luật pháp Mỹ khó cho phép chính phủ áp đặt lệnh cấm lên ứng dụng truyền thông xã hội miễn phí sử dụng bởi hàng triệu người Mỹ. Nhưng những động thái trừng phạt và các điều khoản an ninh quốc gia khác có thể kiềm chế TikTok và cô lập công ty chủ quản ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.
Mỹ có thể tấn công mối quan hệ giữa TikTok và ByteDance bằng cách sử dụng quyền lực của CFIUS. CFIUS xem xét kỹ lưỡng, và đôi khi chặn các khoản đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia.

CFIUS không thể cấm TikTok, nhưng ủy ban có thể buộc ứng dụng thay đổi để giảm thiểu những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, bao gồm đặt máy chủ ngoài tầm kiểm soát của ByteDance, sửa đổi chính sách thu thập và chia sẻ dữ liệu, hoặc yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi doanh nghiệp TikTok tại Mỹ.

Các báo cáo gần đây cho thấy chính quyền Tổng thống Trump có thể đưa TikTok vào danh sách đen do Bộ Thương mại quản lý - bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích đối ngoại bằng cách hạn chế lượng xuất khẩu của Mỹ cho một thực thể bên ngoài. Một hướng đi khác là buộc TikTok rời khỏi các cửa hàng ứng dụng iOS và Android theo Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế. Qua đó, chính phủ ủy quyền cho Bộ Thương mại chặn mọi hoạt động mua lại, nhập khẩu, chuyển nhượng, cài đặt, xử lý hoặc sử dụng các dịch vụ, công nghệ thông tin và truyền thông dựa trên rủi ro đối với an ninh quốc gia. 

Cuối cùng, chính quyền có thể nhắm mục tiêu vào TikTok thông qua các hành động thực thi pháp luật. Ngược lại, TikTok và ByteDance có thể ứng phó với bất kỳ động thái nào từ Mỹ. Ví dụ, ByteDance đã thay đổi một số hoạt động kinh doanh, bao gồm cắt đứt quyền truy cập của các kỹ sư vào dữ liệu TikTok. Đồng thời cố gắng xoa dịu nỗi lo về mối quan hệ với Bắc Kinh bằng cách thuê một giám đốc điều hành người Mỹ, tăng cường đội ngũ quản lý của Mỹ. 

Tấn Vĩ (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI