TikTok rời Hồng Kông vì luật an ninh mới của Trung Quốc

07/07/2020 - 15:54

PNO - Trong khi đó, các mạng xã hội và nhắn tin khác như Facebook, WhatsApp, Telegram, Google và Twitter cho biết sẽ từ chối cung cấp dữ liệu người dùng Hồng Kông.

Hôm nay (7/7), ứng dụng video ngắn TikTok cho biết họ sẽ ngừng hoạt động tại Hồng Kông để “cảnh giác” trước sự chi phối của luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh ban hành, có hiệu lực vào tuần trước.

Các công ty sở hữu các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin khác như Facebook, WhatsApp, Telegram, Google và Twitter cho hay họ đang đánh giá hệ lụy của luật này. Luật an ninh quốc gia được cho là nghiêm cấm những gì mà Bắc Kinh xem là hoạt động ly khai, lật đổ hoặc khủng bố, cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của đặc khu. Ở đại lục, các mạng xã hội trên đều bị chặn bởi tường lửa.

Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam lắng nghe câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ở Hồng Kông, hôm thứ ba 7/7 về luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào tuần trước. Ảnh: AP
Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam lắng nghe câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ở Hồng Kông hôm 7/7, về luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào tuần trước - Ảnh: AP

Các nhà phân tích cho rằng, luật hoá là bước đi táo bạo nhất của Bắc Kinh để xóa bỏ sự phân chia pháp lý giữa thuộc địa cũ của Anh và hệ thống Đảng Cộng sản của đại lục.

Tuy nhiên, Facebook và ứng dụng nhắn tin WhatsApp tuyên bố hôm thứ Hai 6/7 rằng họ sẽ “đóng băng” việc xem xét các yêu cầu của chính quyền đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng ở Hồng Kông. Họ đang chờ đánh giá về luật an ninh quốc gia từ các chuyên gia nhân quyền quốc tế.

Hồng Kông đã “rung chuyển” với các cuộc biểu tình chống chính phủ dữ dội suốt năm ngoái. Cư dân thuộc địa cũ của Anh khi ấy đã phản ứng với luật dẫn độ. Hậu quả có thể dẫn đến một số nhà hoạt động phải đối mặt với các phiên tòa tại đại lục.

Luật mới còn hình sự hóa một số khẩu hiệu ủng hộ dân chủ như “giải phóng Hồng Kông” - được sử dụng rộng rãi, hay “cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” - mà chính phủ Hồng Kông cho là có ý ly khai.

Telegram - nền tảng được sử dụng rộng rãi để truyền tải thông điệp và tin tức ủng hộ dân chủ trong suốt phong trào biểu tình, tuyên bố họ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng Hồng Kông đối với công ty, ông Mike Ravdonikas - người phát ngôn của công ty - cho biết.

Twitter cũng tạm dừng tất cả các yêu cầu dữ liệu và thông tin từ chính quyền Hồng Kông sau khi luật có hiệu lực vào tuần trước. Công ty này nhấn mạnh rằng họ đã cam kết bảo vệ người dân sử dụng dịch vụ và quyền tự do ngôn luận của họ.

Đại diện một trong các công ty trên cho biết, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các đồng nghiệp trong ngành có những lo ngại nghiêm trọng về cả quá trình phát triển và ý đồ đầy đủ của luật an ninh quốc gia này.

Mặc dù các nền tảng mạng xã hội vẫn chưa bị chặn ở Hồng Kông, người sử dụng đã bắt đầu kiểm tra tài khoản và xóa các bài đăng ủng hộ dân chủ. Sự rút lui trên mạng đã “mở rộng” ra đời thực khi nhiều cửa hàng từng công khai đoàn kết với người biểu tình đã xóa bỏ các biểu ngữ ủng hộ dân chủ và tác phẩm nghệ thuật đã tô điểm cho các bức tường của họ.

Theo Điều 43 của luật an ninh quốc gia, lực lượng cảnh sát được phép yêu cầu các mạng xã hội, nhà xuất bản và nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ bất kỳ tin nhắn điện tử nào được công bố có khả năng cấu thành tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc có khả năng gây ra sự vi phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Các nhà cung cấp dịch vụ không tuân thủ các yêu cầu có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 100.000 đô la Hồng Kông và nhận án tù lên tới sáu tháng.

Các cá nhân gửi tin nhắn như vậy cũng có thể được yêu cầu xóa tin nhắn, hoặc đối mặt với các khoản tiền phạt tương tự và thời hạn tù một năm.

Cảnh sát bắt giữ khoảng 370 người trong ngày đầu tiên khi chính quyền Hồng Kông thực hiện luật này, ngay sau khi nó có hiệu lực vào ngày 30/6.

Cảnh sát cũng có thể tiến hành tìm kiếm bằng chứng mà không có lệnh trong các trường hợp ngoại lệ. Cảnh sát cũng có thể bắt giữ người bị nghi ngờ vi phạm luật an ninh quốc gia để thu giấy tờ, ngăn họ rời khỏi Hồng Kông.

Chính quyền có thể thông báo bằng văn bản hoặc một lệnh cấm có thể được ban hành nhằm đóng băng hoặc tịch thu tài sản nếu có căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng các tài sản có liên quan đến một hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Quốc Ngọc (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI