“Tiểu thương online”- nghề nghiệp thời COVID-19

26/08/2020 - 11:37

PNO - Dù là nghệ sĩ, giáo viên, công nhân, hay nhân viên văn phòng - gặp mùa COVID-19, đều có thể trở thành “tiểu thương online”.

Người nổi tiếng bỗng dưng… chuyển nghề? 

Những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, khiến nền kinh tế tổn hại nặng nề. Do chủ trương cấm tụ tập đông người, mà hàng loạt show diễn, chương trình gameshow, talkshow... hay những bộ phim bị hủy lịch quay và lịch chiếu, khiến nghệ sĩ và ê-kip liên quan rơi vào cảnh “thất nghiệp”, chịu tổn thất lớn từ các hợp đồng biểu diễn béo bở mang lại.

Trong cơn bĩ cực, nhiều diễn viên, ca sĩ chỉ sống bằng thù lao biểu diễn đã phải xoay xở đủ việc để có thêm thu nhập và thích ứng với thời gian dài không được đứng trên sân khấu hay phim trường.

Một số nghệ sĩ tên tuổi có sẵn công việc kinh doanh và thương hiệu riêng như ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Bảo Thy… tranh thủ dịp này để đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm qua các kênh trực tuyến. Hồ Ngọc Hà liên tục quảng bá sản phẩm mỹ phẩm đang kinh doanh trên Facebook của mình, cô còn mời người mẫu Võ Hoàng Yến và Lan Khuê tham gia.

Diễn viên Thanh Thúy vốn sở hữu một công ty truyền thông, nhân dịp này, chị bán online những khóa học diễn xuất. Diễn viên Lê Khánh cũng thường xuyên cùng chồng - nghệ sĩ Đức Khải - livestream bán mỹ phẩm. Vợ nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long bán khẩu trang và nước rửa tay.

Dù có một tiệm nail kinh doanh độc lập nhưng bị đóng cửa do dịch, diễn viên hài Lê Giang vẫn tranh thủ livestream bán nước cam vắt, xôi gà. Diễn viên Tuyền Mập tích cực livestream bán bánh tráng trộn và các món ăn vặt cô tự làm…

Nếu những cách làm trên đem đến thu nhập trực tiếp, thì một số nghệ sĩ khác chọn đầu tư kiếm tiền lâu dài trên các kênh online. NSND Hồng Vân, Thúy Nga, Thu Trang - Tiến Luật… tranh thủ thời gian trống tập trung đẩy mạnh nội dung kênh YouTube của mình với những xê-ri phim ngắn. Trong khi những nghệ sĩ ít tên tuổi hơn quay sang phát triển kênh YouTube cá nhân với loạt chủ đề thân thiện - bình dân như giới thiệu đời sống dân dã miền Tây, cách nấu các món đặc sản địa phương… hay đơn giản chỉ là giới thiệu những sinh hoạt hằng ngày của mình. 

Trên “mặt trận” Facebook, các sao lớn thường tổ chức những mini show trực tiếp hát theo yêu cầu khán giả như fanpage của ca sĩ Thanh Hà, Hồng Ngọc… Ngoài ca hát, ca sĩ Xuân Nghi còn khoe những sinh hoạt vô cùng dễ thương như cảnh về quê miền Tây lội đầm, lội ruộng bắt cua… Cách làm này giúp nghệ sĩ thu hút được lượng lớn khán giả - hỗ trợ họ đắc lực trong việc chia lợi nhuận quảng cáo với các kênh trực tuyến…

Diễn viên Lê Khánh cùng ông xã đang tư vấn cho khách hàng
Diễn viên Lê Khánh cùng ông xã đang tư vấn cho khách hàng

Trong làn sóng hủy hợp đồng ào ạt, nhiều nhân sự liên quan đến ngành biểu diễn cũng lâm vào cảnh thất nghiệp và mất nguồn thu hàng loạt. V. - một chuyên viên trang điểm kiếm tiền từ công việc make-up cho nghệ sĩ, cô dâu, giờ cũng chuyển qua bán cơm văn phòng. Katy - một chuyên viên trang điểm khác chuyển sang bán bảo hiểm... 

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia marketing và các trưởng nhóm bán hàng lâu năm, thì nghệ sĩ không thích hợp để bán hàng online. “Họ có lợi thế là có sẵn lượng khán giả - khách hàng, nhưng thiếu kiến thức về sản phẩm cũng như kỹ năng bán hàng. Bạn chỉ bán được hàng khi thật sự coi sản phẩm đó như đứa con mình sinh ra, sống chết với nó và bán nó như bán một giải pháp cho người mua, chứ không phải cứ livestream rồi hối người mua chốt đơn… Vì vậy, nếu mưu sinh tạm thời, thì tôi thấy không vấn đề gì. Nhưng về lâu dài thì tôi hơi quan ngại…”,  T. - một chuyên viên marketing phân tích…

Nữ nhân viên văn phòng, giáo viên… cũng phải làm thêm

Nhân viên văn phòng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch. Phần lớn họ bị cắt giảm lương, nếu công ty còn hoạt động cầm cự. Số còn lại bị thất nghiệp hoặc tạm dừng công việc, được hỗ trợ một phần lương, và chưa biết khi nào mới quay lại làm việc.

Thanh Yên - trưởng nhóm phụ trách phát triển nhãn hàng của một công ty tài chính quốc tế - đã quyết định nghỉ hẳn “vị trí công việc mơ ước, lương thưởng cao” để theo đuổi việc bán bảo hiểm. Lý do cô đưa ra là: “Mức lương không bù nổi sự bóc lột, lợi dụng về thời gian và công sức người lao động bỏ ra. Dịch khiến công ty hoạt động khó khăn, giảm lượng khách hàng thì các sếp vẽ ra nhiều việc khác cho nhân viên làm, trong khi lương thưởng cao sếp hưởng, nhân viên chỉ được sếp mời bữa cơm cảm ơn… Tôi quyết định nghỉ để làm tự do, có thời gian dành cho gia đình, bản thân…”. 

K. - một giáo viên mầm non cho biết, chị tận dụng triệt để thời gian rảnh trong ngày cho việc buôn bán online. Bán hàng theo hình thức này không cần phải bỏ vốn để găm hàng, cũng không phải thuê mặt bằng, trông coi cửa hàng cả ngày, thời công nghệ số chỉ cần điện thoại thông minh kết nối mạng là có thể bán buôn khắp nước.

K. cho biết, chị chỉ bán những mặt hàng không cần bỏ vốn nhiều, một tuần dành ngày chủ nhật để ship hàng cho khách. Mặt hàng chị chọn bán là thực phẩm sạch, rau củ nhà trồng.

Chị giải thích nhà có đất rộng nên tận dụng trồng rau củ quả, nuôi gà lấy trứng rồi đem bán online, xu hướng của người tiêu dùng ngày càng chuộng sử dụng thực phẩm sạch, nên chỉ cần đăng tin là khách đặt hàng tới tấp. Ngoài ra, chị chọn bán thêm cá khô vì quê chị miền biển nên các loại cá phong phú, tươi ngon.

Làm một lúc nhiều công việc, nên chị K. phải tính toán sắp xếp thời gian thật hợp lý, để vừa đảm bảo công việc nuôi dạy trẻ, vừa buôn bán lẫn lo nhà cửa, con cái. Mỗi ngày chị dậy từ bốn giờ sáng, xách nước tưới rau, chuẩn bị cám cho gà, rồi hối hả sửa soạn cho hai con đến lớp, còn mình đến trường.

K. tâm sự, chị chỉ ước sao một ngày có nhiều hơn 24 giờ để có thêm ít phút ngủ trưa, vì trưa nào chị cũng tranh thủ vừa soạn giáo án vừa trả lời tin nhắn khách hàng. 

Cũng là giáo viên mầm non như chị K., chị D. cũng chọn buôn bán online để kiếm thêm thu nhập. Chị D. bảo dịch bệnh kinh tế khó khăn, chủ trường cắt giảm hết các khoản phụ cấp, chỉ trả lương cơ bản hơn ba triệu đồng một tháng. Cảnh nhà mẹ góa con côi, mình chị lo hai đứa con sinh đôi đang học trung học cơ sở nên khó khăn đủ bề.

Ngoài giờ lên lớp, chị D. tranh thủ bán thêm hàng gia dụng, nhận thêu gia công để kiếm thêm. Chị than bữa giờ thắt lưng đau buốt bởi mỗi ngày phải ngồi liên tục từ 7g tối đến 11g khuya để đi xích (thêu), hai đầu ngón tay đau buốt mà không dám than nửa lời. 

Cô giáo thành shipper
Cô giáo thành "shipper"

Có những niềm riêng làm sao thấu hết?

Bán hàng online ngày càng trở nên thịnh hành bởi ưu thế tận dụng được thời gian rảnh trong ngày. Tuy nhiên, quanh cái nghề đang “hot” này cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết.

Theo lời chị K., bán hàng online dù đỡ tốn tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công, nhưng cũng có những rủi ro riêng, sợ nhất là bị “bom hàng”. Mỗi món đồ lời không bao nhiêu, nhưng khi khách đặt hàng không chịu lấy thì người bán phải chịu mất phần phí ship hàng, nên cứ bị bom hàng là cầm chắc lỗ.

Khách xa sợ là một lẽ, khách gần cũng chẳng phải chắc ăn. Có lần giao hàng cho khách, tới nơi gọi điện thoại khách báo bận, thế là lại mất công quay về rồi hôm khác mới quay lại giao. Đó là chưa kể những mặt hàng giá cả lên xuống thất thường như hải sản tươi sống, thì bán buôn như một canh bạc. 

Bán hàng online còn tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ gia đình. Theo lời chị K., để bán chạy hàng thì phải thường xuyên tương tác trên Facebook, mỗi ngày đều dành ra nhiều giờ đồng hồ để đăng sản phẩm, like và trả lời comment. Bởi vậy lúc nào rảnh là chị đều ôm điện thoại, không rảnh để chơi cùng con, nhà cửa cũng không còn thời gian để dọn dẹp. Chồng chị đâm ghen tuông vì cho rằng chị giấu giếm nhắn tin với ai đó.

Nỗi nghi hoặc của chồng càng tăng lên khi có tin nhắn chọc ghẹo của khách hàng nam. Đôi lúc chán nản, chị muốn bỏ công việc buôn bán online. Nhưng khổ nỗi, đồng lương đã thấp, lại bị cắt giảm phụ cấp, nếu không làm thêm thì chi tiêu sao đủ?

“Giờ chỉ cầu cho học sinh đừng nghỉ học, còn được đi dạy là mừng hà!”, chị K. vừa nói vừa thở dài. Ước mơ tưởng chừng đơn giản của chị mà nghe sao xa vời quá đỗi. Chắc hẳn chị đang lo những ngày tháng sắp tới, không biết có phải thất nghiệp dài ngày như đợt dịch trước hay không. Nỗi lo của chị cũng là nỗi niềm chung của mấy chục ngàn giáo viên tư thục trên cả nước. Đồng lương ít ỏi chỉ vừa đủ chi tiêu hàng tháng, thì sao có thể dư ra khoản tiền chi tiêu cho vài tháng thất nghiệp?

Ngày trước, mỗi khi đi xin việc đều “kén cá chọn canh”, giờ chỉ mong sao có được công việc làm ổn định là mừng rồi. Dịch bệnh mà kéo dài thì biết bao nhiêu người sẽ lâm cảnh khốn khó, chứ không riêng gì những người lao động nghèo… 

Châu Minh - Phan Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI